Nhức đầu hay đau đầu là một triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh.

Chẩn đoán nguyên nhân thường khó khăn.

Tính chất của nhức đầu: cần hỏi nhức đầu từ bao giờ, nhức ở đâu, một bên hay hai bên, mức độ đau và nơi đau, giờ giấc bị đau, đau trong bao lâu và tần số cơn nhức đầu, các yếu tố gây nhức đầu và có tiền triệu gì không. Cần chú ý đặc biệt đến nhức đầu mới xuất hiện hay đột ngột.

  • Cơn đau cấp duy nhất: nhức đầu hai bên, có buồn ngủ và cứng gáy có thể là do viêm màng não, viêm não hay xuất huyết dưới khoang nhện (trường hợp này có nhức đầu đột ngột).
  • Nếu nguyên nhân gây nhức đầu không rõ thì cần phải khám thần kinh và soi đáy mắt, nếu cần thì đo trường nhìn hay khám tai mũi họng (tìm ở ổ xoang). Nếu nghĩ đến nguyên nhân trong sọ hay trong trường hợp bị nhức đầu đột ngột mà không có sung huyết gai thị thì cần chọc dò tủy sống.
  • Xét nghiệm thường quy: nước tiểu, máu (kể cả đo tốc độ máu lắng). Ngoài ra, nếu nghi ngờ có tổn thương rộng trong não thì chụp X quang, chụp cắt lớp sọ, ghi điện não.

Căn nguyên

DO MẠCH MÁU

  • Đau nửa đầu:thường gặp ở phụ nữ, đau một bên, thành cơn dài từ 2 đến, 6 giờ; có các tiền triệu báo trước và có triệu chứng khác đi kèm (buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng); thể trạng vẫn bình thường giữa các cơn; chẩn đoán xác định bằng điều trị thử với ergotamin. Chi tiết -> xem đau nửa đầu.
  • Đau nửa mặt do mạch:có các cơn đau bao giờ cũng ở một nửa đầu, nhất là vào ban đêm, kéo dài 1-2 giò; mạch ở vùng đau bị giãn, chảy nước mũi, nước mắt,
  • Viêm động mạch thái dương của Horton:xuất hiện lúc ngoài 50 tuổi, đau vùng thái dương hay vùng trước hốc mắt, có sưng đau động mạch thái dương; giảm thị lực. Tốc độ máu lắng tăng; sinh thiết thấy viêm động mạch có tế bào khổng lồ. Các corticoid có tác dụng nhanh.
  • Nhức đầu do vận mạch:thể này thuộc về nhức đầu trong các bệnh nhiễm khuẩn, sốt, thiếu oxy, đói, ngộ độc rượu cấp và các tình trạng ngộ độc khác (urê huyết cao, nhiễm độc co, chì, arsen, nghiện thuốc lá).
  • Huyết áp cao:hay gặp nhức đầu ở người bị huyết áp cao nặng: theo mạch đập, vào buổi sáng sớm, thường mất đi vào ban ngày; có thể thấy tổn thương ở đáy mắt. Nhức đầu có thể kèm theo các cơn cao huyết áp kịch phát.
  • Nhiễm độc:rượu, urê huyết cao, nhiễm độc chì, arsen, oxyd carbon.

DO NGUYÊN NHÂN TRONG SỌ

  • U não:lúc đầu là không thường xuyên, rồi thành thường xuyên, thường nhức cả hai bên, bại từ từ một bên; có các triệu chứng tăng áp lực nội sọ (rối loạn thị giác, sung huyết gai thị, nôn); nhức đầu xuất hiện hay mất đi khi thay đổi tư thế của đầu; nếu nhức một bên thì tổn thương thường ở bên bị nhức.
  • Apxe não:cũng giống như trên; có tiền sử viêm tai, viêm xoang, giãn phế quản.
  • Xuất huyết dưới khoang nhện:nhức đầu dữ dội, khởi phát đột ngột, sụp mi, bệnh nhân ngủ gà hay bị hôn mê.
  • Máu tụ dưới màng cứng:có tiền sử chấn thương sọ não, tri giác bị rối loạn nhiều hay ít, sung huyết gai thị, hai đồng tử mở không đều nhau.
  • Viêm màng não cấp tính:nhức đầu nhiều, có cứng gáy và có dấu hiệu Kernig. Chẩn đoán bằng chọc dò dịch não tuỷ.
  • Viêm màng não mạn tính:giang mai, lao, bệnh do cryptococcus, bệnh sarcoid, ung thư. Nhức đầu âm ỉ.
  • Dị dạng động, tĩnh mạch não.
  • Tách động mạch trước não và tách động mạch cảnh.

DO SỌ (xương sọ bị biến đổi):

  • Bệnh Paget:đầu to dần, sọ đau khi bị ấn, chẩn đoán bằng điện quang sọ.
  • U xương di căn: có khối u ở da đầu, tổn thương các dây thần kinh sọ, hiếm gặp.
  • Tổn thương dây thần kinh cảm giác:đau theo đường đi của dây thần kinh, ấn lên dây thần kinh thấy đau; tăng cảm giác đau ở vùng da do dây thần kinh chi phối; có thể tiến triển tới zona (có các mụn nước).
  • Đau dây thần kinh sinh ba, đau dây thần kinh lưỡi-hầu:nhức đầu thành từng cơn.

DO NGUYÊN NHÂN NGOÀI SỌ

  • Mắt:thiên đầu thống (glôcôm), rối loạn khúc xạ (cận thị, loạn thị), viêm mông mắt; nhức đầu ở vùng trán, nhức đầu tăng lên khi cố nhìn; nhãn cầu bị đau khi sờ, khám mắt để chẩn đoán.
  • Tai:viêm tai giữa, viêm xương chũm; cảm giác đầy tai, điếc, ù tai, thường nhức một bên thái dương thành cơn; ấn vào xương chũm gây đau. Chẩn đoán bằng khám tai hoặc chụp X quang nếu viêm xương chũm.
  • Viêm xoang trán, xoang mũi hay xoang sàng:trong trường hợp bị viêm xoang mạn tính, nhức đầu chủ yếu vào sáng sớm, lạnh làm nhức đầu tăng; có tiền sử bị viêm nhiễm nhiều lần đường hô hấp, mũi chảy mủ. Nhức đầu có thể đi kèm với viêm xoang cấp. Chẩn đoán bằng thăm khám tai mũi họng, chụp xoang, rọi xoang.
  • Tổn thương ở miệng: bệnh răng, ít khi do bệnh lưỡi hay họng.
  • Thoái hoá khớp cột sống cổ hay đốt sống lưng trên: nguyên nhân rất hay gặp ở người thuộc lứa tuổi 50 (xem thoái hoá đốt sống cổ).

DO CÁC NGUYÊN NHÂN KHÁC

  • Chấn thương sọ:hội chứng sau chấn thương thường có nhức đầu khu trú ở chỗ bị tổn thương hay nhức toàn bộ đầu; xúc cảm, stress và khi thay đổi tư thế đầu là tăng đau đầu. Nhức đầu sau chấn thương có thể là loạn tâm thần phản ứng. Khám lâm sàng và thần kinh thường thấy bình thường.
  • Nhức đầu sau chọc dò tủy sống:có thể phòng ngừa được bằng cách dùng kim càng mảnh càng tốt và để bệnh nhân nằm sấp 1-2 giờ sau khi chọc dò; và bắt bệnh nhân nằm tại giường trong 24 giờ nếu bị nhức đầu.
  • Thiếu máu:nhức đầu do thiếu oxy huyết gặp trong thiếu máu nặng; hết nhức đầu khi nồng độ hemoglobin trở về bình thường.
  • Thiếu oxy mạn tính:suy hô hấp mạn tính, lên cao.
  • Viêm các cơ cổ:chủ yếu nhức ở vùng chẩm. Có khi sờ thấy các hạch to và bị đau ở chỗ các cơ bám vào cổ.
  • Nhức đầu có nguyên nhân tại cổ:trong các bệnh về đĩa đệm hay tổn thương dây chằng ở một hay nhiều đốt trong 4 đốt cổ đầu tiên, có nhức đầu khu trú hay bắt đầu từ vùng gáy hoặc vùng chẩm.
  • Nhức đầu do căng thắng hay do nguyên nhân tâm lý:hay gặp nhức đầu trong lo âu, loạn tâm thần, đôi khi có kèm theo tim nhanh, tăng huyết áp tâm thu, rối loạn vận mạch ngoại vi. Những vấn đề gia đình và xã hội bị trầm trọng thêm do các vấn đề về nghề nghiệp là các cơ ở đầu căng (ít nhiều là có ý thức), các cơ ở cổ khó giãn và gây ra thể nhức đầu chẩm (nhức đầu do stress), rất hay gặp ở bệnh nhân ngoại trú. Nhức đầu chẩm xuất hiện lúc sáng, khi ngủ dậy và tăng lên vào CUỐI ngày. Nhức đầu lan mọi nơi và có thể kèm theo tiếng rít, ù tai, chóng mặt.
  • Nhức đầu lúc ngủ:thường làm bệnh nhân thức giấc vào một giờ nhất định, kéo dài 30-60 phút.
  • “Nhức đầu do thức ăn”:dùng để nói về nhức đầu liên quan đến một số thức ăn. Có thể xác định nhức đầu do dị ứng bằng cách kiêng thức ăn nghi ngờ, làm test bì và phát hiện các IgG đặc hiệu.
  • Tăng áp lực nội sọ lành tính:gặp ởphụ nữ trẻ, không có tổn thương nội sọ hay tắc nghẽn não thất hoặc dưới khoang nhện. Nhức đầu kèm theo rối loạn thị giác, phù gai thị; tiến triển thường lành tính. Điều trị: nên dùng

Điều trị nhức đầu

ĐIỀU TRỊ NHỨC NỬA ĐẦU: xem bệnh này.

ĐIỀU TRỊ CĂN NGUYÊN nếu xác định được nguyên nhân gây nhức đầu

BIỆN PHÁP CHUNG

  • Một số trường hợp nhức đầu sẽ giảm nếu được nghỉ ngơi về thể xác và về tinh thần.
  • Thuốc ngủ và an thần yếu: thường có kết quả đối với nhức đầu do tâm lý nhưng cần tránh dùng thuốc lâu dài.
  • Thuốc giảm đau: aspirin rất có tác dụng với nhức đầu có sốt. Aspirin và paracetamol có thể có kết quả với nhức đầu do tâm lý.
  • Có thể làm giảm nhức đầu nặng do tăng áp lực nội sọ bằng chọc dò tủy sống nhưng cần phải thận trọng.
  • Nhức đầu mạn tính hay nhức đầu tái phát: dùng thuốc chống trầm cảm loại ba vòng hay benzodiazepin. Không nên dùng thuốc giảm đau kéo dài.
  • Dùng các kỹ thuật thư giãn đối với nhức đầu do bị căng thẳng.
  • Liệu pháp vận động và châm cứu có thể làm giảm hội chứng đau, nhất là nhức đầu mạn tính do tăng trương lực cơ.
0/50 ratings
Bình luận đóng