Nhận định chung

Lao thanh quản là bệnh viêm thanh quản đặc hiệu do vi trùng lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Lao thanh quản là một thể lao ngoài phổi thứ phát sau lao sơ nhiễm, bệnh tích khu trú ở thanh quản. Tỷ lệ mắc lao thanh quản đứng hàng thứ 4 – 5 trong nhóm bệnh lý lao ngoài phổi, nguy cơ lây nhiễm cao, di chứng lao thanh quản để lại là ảnh hưởng đến giọng nói, nuốt và thở.

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, vi khuẩn lao thường xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Từ ổ khu trú ban đầu, vi khuẩn lao qua đường máu, bạch huyết, hô hấp tiếp cận bộ phận khác trong cơ thể. Vi khuẩn lao ở người có tên là M.tuberculosis với đặc điểm: kháng cồn, kháng toan, ái khí hoàn toàn, phát triển chậm 20 – 24 giờ sinh sản một lần. Vi khuẩn gây bệnh lao thanh quản theo ba con đường: đường hô hấp, đường bạch mạch, đường máu.

Một số yếu tố nguy cơ mắc lao chung:

Tiếp xúc với nguổn lây, không tiêm BCG.

Đói nghèo, môi trường sinh sống, làm việc không đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm, có nhiều chất độc hại, khói bụi.

Mắc bệnh mạn tính: bệnh gan, thận nặng, đái tháo đường, bệnh máu.

Mắc bệnh cấp tính: nhiễm virus, cúm, sởi, quai bị.

Suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, mắc bệnh ung thư, suy giảm miễn dịch mắc phải.

Nghiện hoặc thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu.

Phác đồ điều trị lao thanh quản

Nguyên tắc điều trị

điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian.

Điều trị đặc hiệu

Chủ yếu điều trị đặc hiệu theo công thức điều trị lao ngoài phổi, lao mới:

Điều trị hai giai đoạn: tấn công và duy trì. Giai đoạn tấn công (giai đoạn đầu) kéo dài 2 – 3 tháng, giai đoạn duy trì tiếp theo kéo dài 4 – 6 tháng.

Điều trị có kiểm soát theo chương trình DOTS: 2RHSZ/6HE, SHRZE/1HRZE/5H3R3E3.

Điều trị không đặc hiệu

Bệnh nhân nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý, tránh kích thích, tránh nói nhiều, không hút thuốc.

Mở khí quản trong trường hợp tổn thương lao gây khó thở do làm u sùi hoặc sẹo hẹp đường thở.

Tiên lượng

Nếu chỉ lao thanh quản đơn thuần, tiên lượng tương đối tốt, sau điều trị bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn.

Nếu nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc thì điều trị khó khăn, phải phối hợp thuốc, đặc biệt phải điều trị bằng nhóm quinolon sẽ có nhiều tác dụng không mong muốn.

0/50 ratings
Bình luận đóng