Thường hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi khi sốt cao 39 – 40°c. Thường xuất hiện cơn co giật, có khi co giật chỉ khu trú ở một chân hoặc một tay hay nửa người. Đó cũng là do cơ địa ở trẻ em có ngưỡng co giật thấp, thường gặp co giật khi sốt cao trở lại. Dùng biện pháp hạ sốt như chườm lạnh và Seduxen uống hoặc tiêm có thể cắt được cơn co giật. Trường hợp xuất hiện cơn co giật mau, bệnh nhi không uống được thì phải dùng Seduxen tiêm bắp hoặc pha dịch truyền tĩnh mạch, có thể vận dụng phác đồ điều trị trạng thái động kinh liên tục để cắt cơn co giật.
Ngoài ra trên lâm sàng còn gặp một số nguyên nhân gây co giật do thời tiết nắng, nóng. Cụ thể như sau:
- Say nóng xảy ra khi nhiệt độ không khí cao, độ ẩm lớn, ít hay không có gió, sự bài tiết và bốc hơi mồ hôi khó khăn sẽ làm cho thân nhiệt tăng dần. Các yếu tố dẫn tới say nóng như lao động chân tay nặng nhọc dưới mùa hè nóng bức, thiếu nước uống, thiếu muối…
Triệu chứng lâm sàng của say nóng mức độ vừa và nhẹ chỉ thấy bệnh nhân mệt mỏi, khó chịu, ù tai, khô miệng, chóng mặt, nhiệt độ cơ thể tăng, rối loạn ý thức mức độ nhẹ, vã mồ hôi, trương lực cơ giảm. Nếu nhiệt độ ngoài trời và thân nhiệt lên tới 40 – 42°c, bệnh nhân có triệu chứng rối loạn tâm thần như ảo giác, mê sảng, co giật, giãy giụa và dẫn tới hôn mê, mạch nhanh, rối loạn huyết áp, nhịp thở nhanh nông, co giật từng nhóm cơ (giật rung hoặc co cứng).
- Say nắng là do tác dụng trực tiếp của tia nắng mặt trời chiếu vào đầu, cổ, gáy hoặc toàn thân.
Lâm sàng: bệnh nhân thấy đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, rối loạn thị giác, ù tai, buồn nôn, nôn, ý thức lẫn lộn, ảo giác, kích động, mê sảng vật vã, có từng cơn giật cứng, giật rung, rối loạn hô hấp và tim mạch, thân nhiệt 39 – 40°c, rối loạn cơ vòng…
Điều trị say nóng và say nắng: nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi thoáng gió; chườm lạnh, chườm đá vào đầu, ngực, thân mình; cho uống nước lạnh; bù dịch và điện giải, trợ tim mạch và hô hấp, chống co giật, an thần; nếu có điều kiện cho thở oxy.