Khái niệm
Tiểu tiện vàng đỏ là chỉ nước tiểu có mầu vàng sẫm, vàng đỏ hoặc vàng xỉn, thậm chí biểu hiện tiểu tiện như nước trà đặc rất khác thường.
Chứng tiểu tiện vàng đỏ xuất hiện đầu tiên ở sách Tố Vấn, còn gọi là “Niệu xích”. Linh khu – Kinh mạch thiên gọi là “Niệu sắc hoàng”. Các sách Mạch quyết và Y học chính truyền gọi là “Tiểu tiện xích sáp”.
Chứng này không bao quát chứng tiểu tiện ra huyết dẫn đến biến đổi màu sắc nước tiểu. Còn như mùa nực ra nhiều mồ hôi, uống nước không đủ nhu cầu mà dẫn đến tiểu tiện vàng đỏ là thuộc hiện tượng bình thường, không thảo luận ở đây.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Tiểu tiện vàng đỏ do Tâm kinh nhiệt hun đốt: Có chứng tiểu tiện vàng đỏ, bài tiết ra nóng rít và đau, phát sốt, mặt đỏ, Tâm phiền mất ngủ, đêm ngủ hay mê, thậm chí thần thức không tỉnh táo, tinh thần hôn mê nói sảng, lưỡi đỏ, đầu lưỡi nổi gai, rêu lưỡi vàng sẫm hoặc vàng khô, mạch Sác.
Tiểu tiện vàng đỏ do Vị Trường thực nhiệt: Có chứng tiểu tiện vàng sẻn, khát muốn uống nước, hôi miệng, đại tiện bí kết, bụng đầy, cự án, lưỡi đỏ rêu vàng khô, mạch Hoạt Sác hoặc Trầm Thực mà Sác.
Tiểu tiện vàng đỏ do Can đởm thấp nhiệt: Có chứng tiểu tiện vàng sẻn hoặc vàng đỏ, thậm chí mầu như nước trà đặc, đắng miệng kém ăn, nôn mửa buồn nôn, đau liên sườn, thường thấy thân mình và mắt có mầu vàng hoặc kiêm phát sốt, hoặc vãng lai hàn nhiệt lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch Huyền Sác.
Tiểu tiện vàng đỏ do hàn thấp uất trệ: Có chứng nước tiểu vàng đỏ như nước trà nhưng lượng không sẻn ít, sắc mặt sạm tối, thân mình và mắt đều vàng, tinh thần mỏi mệt chân tay rã rời, kém ăn trướng bụng, ớn lạnh sợ lạnh, đại tiện không thành khuôn, lưỡi nhợt rêu trắng nhớt, mạch Nhu Hoãn.
Tiểu tiện vàng đỏ do Bàng quang thấp nhiệt: Có chứng tiểu tiện vàng sẻn hoặc đỏ sẻn, thường kiêm tiểu tiện đi vặt, đi vội, tiểu tiện đau hoặc tiểu tiện không thông, bụng dưới đau hoặc trướng đau, miệng đắng, họng khô, khát không uống nhiều nước, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Hoạt Sác.
Tiểu tiện vàng đỏ do âm hư nội nhiệt: Có chứng tiểu tiện vàng sẻn cảm giác nóng rít, đầu choáng tai ù, họng khô về chiều triều nhiệt, ngũ Tâm phiền nhiệt, lưng gối yếu mỏi, mộng di hoạt tinh, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế sác.
Phân tích
– Chứng Tiểu tiện vàng đỏ do Tâm kinh nhiệt thịnh với chứng Tiểu tiện vàng đỏ do Vị Trường thực nhiệt:
Đều là Lý nhiệt thực chứng, Tiểu tiện vàng đỏ do Tâm kinh nhiệt thịnh nguyên nhân vì tình chí không điều hòa, ăn quá nhiều thức cay nóng dẫn hỏa đốn nỗi Tâm hỏa nhiệt thịnh hoặc tà khí thấp nhiệt nội hãm Tâm bao, Tâm hỏa di nhiệt xuống Tiểu trường, mất chức năng phân biệt trong đục nên tiểu tiện sẻn đỏ, Tiểu tiện vàng đỏ do VỊ trường thực nhiệt vì ngoại tà vào lý hóa nhiệt hoặc ăn nhiều thức cay nóng nồng hậu, nhiệt độc tính ở Trường Vị, liên lụy đến Bàng quang mà tiểu tiện sẻn đỏ. Loại trên có thể kiêm các chứng Tâm phiền dễ cáu giận, đầu lưỡi đỏ hồng hoặc nổi gai, khi tiểu tiện phần nhiều có cảm giác nóng rít. Loại sau vì Vị nhiệt quá thịnh nên có thể kiêm các chứng hôi miệng đau răng, tà nhiệt kết ở Đại trường thì táo bón bụng đầy đau cự án.
Chứng tiểu tiện vàng đỏ do Tâm kinh nhiệt thịnh điều trị theo phép thanh Tâm tả hỏa, dùng phương Đạo xích tán; nếu thần thức không tỉnh táo, nên gia các vị thanh nhiệt khai khiếu như dùng Thanh cung thang sắc lấy nước chiêu vơi An cung ngưu hoàng hoàn… Tiểu tiện vàng đỏ do Vị trường thực nhiệt nên phân biệt tà ở Vị hay ở Trường, nếu tà ở Vị thì dùng Thanh Vị tán để thanh Vị tả hỏa; tà ở Trường thì dùng Đại, Tiểu thừa khí thang để tả nhiệt công hạ.
– Chứng Tiểu tiện vàng đỏ do Can đởm thấp nhiệt với chứng Tiểu tiện vàng đỏ do hàn thấp uất trệ: Cả hai chứng đề do Can Đởm nhiễm tà khí dẫn đến tiểu tiện vàng đỏ và kiêm chứng thân thể và mắt phát mầu vàng, nhưng một loại là Dương chứng, một loại là Âm chứng.
Chứng tiểu tiện vàng đỏ do Can Đởm thấp nhiệt vì thấp nhiệt xâm phạm Can Đởm ở trong, hoặc do Tỳ Vị thấp nhiệt dằng dai lâu ngày chuyển tới Can Đởm, sơ tiết không thuận lợi, dồn xuống Bàng quang cho nên tiểu tiện vàng đỏ mà sẻn ít. Chứng tiểu tiện vàng đỏ do hàn thấp uất trệ vì hàn, thấp nung nấu ở trong, Tỳ dương bị ảnh hưởng, khí cơ bị uất trệ, thấp tà bị nghẽn cho nên tiểu tiện màu vàng sạm. Yếu điểm chuẩn đoán là: Loại trên thuộc dương chứng, có đủ các chứng miệng khô và đắng, đau liên sườn, hàn nhiệt vãng lai, phát bệnh gấp, bệnh trình ngắn. Loại sau thuộc âm chứng, kiêm các chứng trạng sắc mặt tôi tệ, tinh thần mỏi mệt chân tay rã rời, kém ăn trướng bụng… phát bệnh từ từ mà bệnh trình dài. Tiểu tiện vàng đỏ do Can Đởm thấp nhiệt điều trị nên thanh tả Can Đốm, tiết nhiệt lợi thấp, dùng Long đởm tả Can thang gia giảm, Tiểu tiện vàng đỏ do hàn thấp uất trệ điều trị theo phép ôn trung kiện Tỳ, trừ hàn hóa thấp, dùng phương Nhân trần truật phụ thang gia vị.
– Chứng tiểu tiện vàng đỏ do Bàng quang thấp nhiệt với chứng Tiểu tiện vàng đỏ do âm hư nội nhiệt: Cả hai đều là bệnh biến ở Hạ tiêu. Tiểu tiện vàng đỏ do Bàng quang thấp nhiệt, vì thấp nhiệt xâm phạm vào trong hoặc ăn nhiều đồ cay nóng béo ngọt, thấp nhiệt nghẽn ở trong, uất lại hóa nhiệt, thuộc thực chứng, cho nên có các kiêm chứng như miệng đắng họng khô, khát mà không muốn uống nước. Tiểu tiện vàng đỏ do âm hư nội nhiệt vì thể trạng vốn âm hư, ốm lâu thương âm, phòng lao quá độ hoặc uống quá nhiều thuốc ôn táo mà thương âm, âm hư sinh nội nhiệt, thuộc hư chứng cho nên biểu hiện, các chứng trạng đầu choáng, tai ù, triều nhiệt về chiều, ngũ Tâm phiền nhiệt .v.v… Yếu điểm chẩn đoán phân biệt ở chỗ: Loại trên là Bàng quang thấp nhiệt uất kết, khí hóa mât chức năng cho nên tiểu tiện sẻn đỏ kiêm các chứng tiểu tiện vặt, tiểu tiện vội và đau, tiểu phúc đau .v.v… Loại sau thì tiểu tiện sẻn vàng, có cảm giác nóng rát nhẹ, kiêm các chứng tai ù, ngũ Tâm phiền nhiệt, lưng gối yếu mỏi.
Tiểu tiện vàng đỏ do Bàng quang thấp nhiệt điều trị nên thanh lợi thấp nhiệt, thông lợi tiểu tiện, dùng phương Bát chính tán, Tiểu tiện vàng đỏ do âm hư nội nhiệt, điều trị theo phép tư âm giáng hỏa, cho uống Tri bá địa hoàng hoàn.
Tiểu tiện vàng đỏ là chứng trạng thường gặp trên lâm sàng, có thể gặp trên nhiều loại bệnh chứng; tuy không phải là chủ chứng, nhưng xem xét kỹ biến đổi về sắc và lượng tiểu tiện, rất bổ ích cho khi biện chứng. Ví dụ chứng Thực nhiệt, tiểu tiện thường là vàng đỏ, nhiệt nặng thì sẻn đỏ hoặc vàng sẫm. Nếu nước tiểu sắc sẫm như nước trà đặc, hoặc kèm theo chứng mình mẩy và mắt có màu vàng thì nên suy nghĩ đến chứng Hoàng đầm Nước tiểu sẻn và nóng phần nhiều là Can Đởm thấp nhiệt, trái lại là hàn thấp nghẽn trệ. Ngoài ra, mùa Hạ còn có trường hợp thấp với nhiệt câu kết làm vít nghẽn Trung tiêu dẫn đến tiểu tiện vàng đỏ, có thể căn cứ vào những biểu hiện mình nóng khó chịu, bụng đầy nôn ọe đại tiện nhão khó đi để phân biệt. Điều trị nên thanh nhiệt hóa thấp, lý khí hòa trung, có thể dùng Ngũ thị Liên phác ẩm gia giảm. Ngoại cảm phong nhiệt phạm Phế, nhiệt kết hại tân dịch cũng có thể dẫn đến tiểu tiện vàng đỏ thì nên thanh nhiệt lợi niệu, có thể chọn dùng Thanh táo cứu Phế thang.
Trích dẫn y văn
Nếu nước tiểu vàng đỏ, loại này phần nhiều có hỏa chứng, nhưng tất phải đỏ mà đau rít và đặc biệt có hỏa mạch hỏa chứng, mới có thể luận trị theo hướng hỏa chứng xích trọc. Nếu lại do mệt nhọc tổn thương quá đáng, hoặc là ốm lâu, hoặc là tửu sắc hao thương chân âm hoặc vốn uống nhiều thuốc thanh lương, càng uống nước tiểu càng đỏ, nước tiểu càng sẻn ít mà lại không có chứng rít đau, đó là thủy khuy dịch cạn không thể ví với loại Xích trọc, Kinh nói: Trung khí bất túc tiểu tiện sẽ biến đổi, tức là loại nầy. Nhưng nên ôn bổ hạ nguyên khiến cho khí hóa, thủy tự nó sẽ trong, dứt khoát không được xem tất cả các loại tiểu tiện vàng đỏ, đều điều trị theo Hỏa” (Cảnh Nhạc toàn thư – Lâm trọc).