Khái niệm

Giốc cung phản trương là chỉ chứng trạng lưng gáy co cứng, uốn cong, phía sau cơ thể ưỡn ra như giương cung. Linh khu Kinh mạch: “Bệnh ở kinh mạch nếu hàn thì gân co cứng và ưỡn ra”. Linh khu – Nhiệt bệnh: “Nhiệt mà kính thì chết… lưng ưỡn co giật, răng cắn chặt” đều là mô tả Giốc cung phản trương. Chư bệnh nguyên hậu luận của Sào Nguyên Phương đời Tùy đầu tiên đề ra một trang về Giốc cung phản trương xếp vào “Giốc cung phản trương hậu” có viết: “Phong tà phạm vào người khiến cho vùng lưng ưỡn cong không thể cúi ngửa giống như giương cung là do tà xâm phạm vào các kinh dương”.

Giốc cung phản trương có thể gặp trong các tật bệnh ở trong nhiều loại Nhiệt bệnh cấp tính, cấp mạn kinh phong, Phá thương phong…

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Giốc cung phản trương do hàn thấp ngăn trở đường lạc: Có chứng trạng uốn ván, cấm khẩu không nói được, chân tay co giật, phát nhiệt ố hàn, đau đầu đau mình, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Khẩn.
  • Giốc cung phản trương do Dương minh nhiệt hun đốt: Có chứng uốn ván, cấm khẩu nghiến răng, chân tay co cứng, mặt mắt đỏ, sốt cao không ố hàn lại ố nhiệt, nhiều mồ hôi, không khát nước thậm chí nói sảng, trướng bụng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu vàng khô, mạch Huyền Sác có lực .
  • Giốc cung phản trương do nhiệt quấy rối doanh huyết: Có chứng uốn ván, cấm khẩu co giật, mình nóng nặng về đêm, miệng khô nhưng không khát lắm, Tâm phiền mất ngủ, thậm chí hôn mê nói sảng hoặc có ban chẩn bộc lộ, chất lưỡi đỏ tía, mạch Tế Sác .
  • Giốc cung phản trương do hư phong nội động: chứng uốn ván, chân tay co giật, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp đoản hơi, tinh thần mệt mỏi yếu sức, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, sắc mặt không tươi, chất lưỡi nhạt, mạch Huyền Tế.
  • Giốc cung phản trương do tổn thương kim loại phong độc: Có chứng uốn ván , ố hàn phát nhiệt, đau đầu, vùng mặt và cơ bắp co giật, bộc lộ vẻ nhăn nhó khổ sở, hàm răng cắn chặt, lưỡi cứng cấm khẩu, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác .

Phân tích

  • Chứng Giốc cung phản trương do hàn thấp ngăn trở đường lạc: Chứng này do ngoại cảm tà khí hàn thấp nghẽn trệ kinh lạc, tính thấp ngưng trệ, hàn chủ co rút cho nên xuất hiện các chứng: uốn ván cấm khẩu không nói được, gân mạch co cứng. Chính như Chí chân yếu đại luận – Tố Vấn có nói: “Các chứng Kính gáy cứng đều thuộc về thâp”. Linh khu – Kinh mạch cũng nói: “Kinh mạch gây bệnh, hàn thời ưỡn cong, gân căng cứng”. Vì tà khí hàn thấp ở biểu cho nên xuất hiện các biểu chứng như phát nhiệt ố hàn, đau đầu đau mình, rêu lưỡi trắng, mạch Phù.., chứng này nếu thuộc vào biểu thực thì không mồ hôi, mạch Phù Khẩn, đời xưa gọi là “Cương kính”. Điều trị nên theo phép giải cơ phát hãn dùng phương Cát căn thang gia giảm. Nếu là biểu hư thì mạch Trầm Tế, đời xưa gọi là “Nhu kính”. Điều trị theo phép hòa doanh dưỡng Tâm dùng phương Qua lâu quế chi thang gia giảm.
  • Chứng Giốc cung phản trương do Dương minh nhiệt hun đốt với chứng Giốc cung phản trương do nhiệt quấy rối doanh huyết: Giốc cung phản trương do Dương minh nhiệt hun đốt là ngoại tà vào lý hóa nhiệt, tà nhiệt hun đốt Dương minh khí phận, nhiệt quá thịnh làm hao tân dịch gân mạch không được nuôi dưỡng gây nên. Cho nên khi bị uốn ván thường đồng thời xuất hiện các triệu chứng cấm khẩu nghiến răng, chân tay co cứng, mặt đỏ, mắt đỏ, phát nhiệt không ố hàn lại ố nhiệt, ra nhiều mồ hôi, khát nước, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Sác có lực là biểu hiện Dương minh nhiệt thịnh. Điều trị nên theo phép thanh nhiệt cứu tân, dùng phương Bạch hổ gia Nhân sâm thang gia giảm. Nếu kiêm chứng phủ thực, bụng đầy, đại tiện kết điều trị theo phép tiết nhiệt tồn âm dùng phương Tầng dịch Thừa khí thang gia giảm. Giốc cung phản trương do nhiệt quấy rối doanh huyết là ngoại cảm tà khí ôn nhiệt truyền vào trong doanh huyết, nhiệt ở trong quá thịnh dẫn động Can phong gây nên, cho nên khi bị uốn ván, cấm khẩu, co giật, thì đồng thời xuất hiện chứng hậu của doanh phần và huyết phần như: mình nóng nặng về đêm, Tâm phiền mất ngủ, có lúc nói sảng, thậm chí hôn mê nói linh tinh, nổi ban chẩn, chất lưỡi đỏ tía, mạch Huyền Tế Sác… điều trị theo phép thanh nhiệt lương huyết, bình Can dẹp phong, dùng phương Tê giác địa hoàng thang hợp với Linh dương câu đằng thang gia giảm. Nếu bệnh dằng dai lâu ngày, âm dịch hao tổn, gân mạch mất sự nuôi dưỡng, dư nhiệt chưa sạch sẽ xuất hiện chứng âm hư nội nhiệt như sốt nhẹ, mồ hôi trộm, gò má đỏ, gầy còm, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô lưỡi ráo, lưỡi đỏ sáng bóng ít rêu, mạch Tế Sác vô lực. Điều trị theo phép dục âm, dẹp phong, dùng phương Đại định phong châu gia giảm. Giốc cung phản trương do Dương minh nhiệt hun đốt với Giốc cung phản trương do nhiệt quấy rối doanh huyết ngoài triệu chứng uốn ván, điểm phân biệt giữa hai chứng là: Loại trên có các kiêm chứng Dương minh nhiệt thịnh như sốt cao, khát nhiều, vã mồ hôi, mạch Sác có lực. Loại sau thì có kiêm chứng nhiệt quấy rối doanh huyết như mình nóng nặng về đêm, hôn mê nói sảng, da dẻ nổi ban chẩn…
  • Chứng Giốc cung phản trương do hư phong nội động: Chứng này do ốm lâu chính khí hư hoặc qua hãn, hạ mất huyết tạo nên khí huyết đều tổn thương, gân mạch mất nuôi dưỡng mà gây nên co rút. VI vậy đồng thời với các chứng uốn ván và tứ chi co giật còn có các chứng khí huyết bất túc nghiêm trọng như, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp đoản hơi, tinh thần mỏi mệt yếu sức, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, sắc mặt không tươi, chất lưỡi trắng nhợt, mạch Tế… chính như Kính thấp yết bệnh mạch chứng trị – Kim quỹ yếu lược tâm điển có nói: “Cũng có trường hợp vong huyết khí kiệt tổn thương âm dương biến thành chứng Kính”. Chứng này không có biểu chứng và cũng không có chựng đại nhiệt, có thể với ba loại Giốc cung phản trương như: Hàn thấp ngăn trở kinh lạc, Dương minh nhiệt hun đốt và Nhiệt quấy rối doanh huyết để mà phân biệt. Loại Giốc cung phản trương do hư phong nội động điều trị nên đại bổ khí huyết chọn dùng phương Bát trân thang.
  • Chứng Giốc cung phản trương do phong độc kim loại: Chứng này do bị kim loại gươm giáo nói chung làm da thịt tổn hại ở bên ngoài, vết thương không sạch, tà khí phong độc xâm phạm vào kinh lạc gây nên còn gọi là “Phá thương phong”. Chứng này tuy có những biểu hiện giống với các chứng nói ở trên như: uốn ván, hàm răng cắn chặt, lưỡi cứng, cấm khẩu nhưng bắt buộc phải có bệnh sử về ngoại thương và có những chứng trạng đặc biệt như cơ thịt ở vùng mặt biểu lộ sự co dúm dó, lệch lạc khổ sở, khó coi. Điều trị nên khư phong dẹp Kính dùng phương Ngọc chân tán gia giảm.

Tóm lại, Giốc cung phản trương có thể gặp ở nhiều loại bệnh, lâm sàng cần phải phân biệt biểu lý hư thực. Giốc cung phản trương do hàn thấp ngăn trở đường lạc là Biểu chứng, còn các chứng Giốc cung phản trương khác đều thuộc Lý chứng. Lý chứng nên tiến thêm một bước phân biệt cho rõ hư thực. Giốc cung phản trương do Dương minh nhiệt hun đốt, Giốc cung phản trương do nhiệt quấy rối doanh huyết và Giốc cung phản trương do kim loại phong độc đều là Thực chứng. Giốc cung phản trương do hư phong nội động là Hư chứng. Động phong với tân dịch tổn thương là hai vấn đề trọng yếu trong cơ chế bệnh Giốc cung phản trương; vì thế trong biện chứng luận trị cần phải nắm vững nguyên tắc điều trị khư phong và dưỡng âm sinh tân.

Trích dẫn y văn

  • Đốc mạch gây bệnh, cột sống cứng và uốn cong (Tơ Vấn – Cốt không luận).
  • Đối với các loại âm hư huyết thiếu không nuôi dưỡng được gân mạch đến nỗi co cứng ngã lăn đều thuộc chứng này như chứng Trúng phong cũng có chứng này, chủ yếu là do tuổi cao sức yếu phần âm bị bại. Sản phụ cũng có chứng này, chắc chắn là bị mất huyết quá nhiều, Xung Nhâm bị kiệt. Người mắc bệnh mụn nhọt cũng có mắc chứng này là vì huyết theo mủ bài tiết ra, doanh khí bị cạn.

Trẻ em mắc chứng này hoặc là do phong nhiệt thương âm dẫn đến cấp kinh hoặc là do hãn nhiều tả nhiều bị vong âm biến thành mạn kinh. Những loại như thế tất cả đều là chứng âm hư (Cảnh Nhạc toàn thư – Kính chứng).

Chứng Thấp nhiệt bị 3 – 4 ngày thì cấm khẩu, chân tay co giật nặng hơn thì uốn ván, đó là thấp nhiệt xâm phạm vào đường kinh lạc và mạch toại, nên dùng Tiên địa long, Tần giao, Uy linh tiên, Hoạt thạch, Thương nhĩ tử, Ty qua đằng, Hải phong đằng, Tửu sao Hoàng liên… (Thấp nhiệt bệnh thiên).

0/50 ratings
Bình luận đóng