Khái niệm

Đầu nặng là chỉ chứng trạng tự giác thấy vùng đầu nặng nề khó chịu. Tục gọi là “Đầu trầm”.

Thiên Chung thủy – sách Linh khu nói: “Bệnh phát sinh ở vùng đầu có chứng đầu trọng”. Các đời sau đều tập quán gọi tên đó.

Trên lâm sàng chứng Đầu trọng thường cùng xuất hiện với các chứng “Đầu thống” và “Đầu vậng”, ở mục này chỉ giới thiệu Đầu nặng được coi là chủ chứng.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Đầu trọng do phong thấp che lấp ở trên: Có chứng đầu nặng nề và đau như có vật bọc lấy đầu, gặp trời mưa thì bệnh tăng, mũi tắc sợ gió, mình nặng nhức mỏi, ngực bụng đầy tức, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Phù Hoãn hoặc Nhu.
  • Đầu trọng do thấp nhiệt nung nấu ở trên: Có chứng vùng đầu nặng nề kiêm cả đau trướng, giữa trưa thì đau tăng, mặt đỏ mình nóng, Tâm phiền, ngực khó chịu, kém ăn, tiểu tiện vàng sẫm, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác hoặc Nhu Sác.
  • Đầu trọng do đờm thấp ngăn trở: Có chứng đầu nặng đầu choáng, tai ù thích ngủ, sáng dậy bệnh nặng hơn, ngực bụng bĩ đầy, buồn nôn, mửa ra dãi, tinh thần bứt dứt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoạt.
  • Đầu trọng do trung khí bất túc: Có chứng vùng đầu nặng nề bâng khuâng chập chờn, bệnh trình kéo dài có lúc chống chếnh đau mà choáng váng, sắc mặt không tươi, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, đại tiện nhão, lưỡi nhạt có vết răng, mạch Hoãn vô lực.

Phân tích

  • Chứng Đầu trọng do phong thấp che lấp ở trên:Chứng này thoạt tiên do cảm nhiễm ngoại tà. Tố vấn – Chí chân yếu đại luận có viết: “Thái âm nó thắng… thấp khí uất ở trong thì nặng đầu. Thấp là âm tà, tính nó dính trệ trầm lắng phong kèm theo thấp tà che lấp ở trên, thanh khiếu vì thế bị ngăn trệ thì vùng đầu nặng nề u ám mà đau, tà khí ở cơ biểu, Phế khí không tuyên thì mũi tắc không thông. Vệ khí bị lấn át nên ố hàn mình nặng và nhức mỏi, tiết trời mưa thì thấp nặng nên bệnh tình tăng thêm. Vì bệnh ở biểu nên bệnh trình hơi ngắn, tà trệ ở ngực bụng làm cho tức đầy, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Phù Hoãn đều là hiện tượng phong thấp ở biểu. Điều trị nên khư phong thắng thấp dùng phương Khương hoạt thắng thấp thang để giải biểu khư thấp. Nếu thấp tà ngăn trở ở Vị quản, nôn mửa buôn nôn thì gia Hậu phác, Xương truật, Bán hạ để lý khí hòa Vị, táo thấp kiện Tỳ.
  • Chứng Đầu trọng do thấp nhiệt hun đốt ở trên với chứng Đầu trọng do phong thấp che lấp ở trên: cả hai đều do ngoại tà gây nên, nhưng loại sau là bệnh ở biểu cho nên có chứng ố phong. Loại trên là ngoại cảm thấp tà hóa nhiệt hoặc là mùa Hạ cảm nhiễm thử thấp gây bệnh hoặc do Tỳ Vị gây bệnh, thấp tà ở trong uất lại hóa nhiệt, thấp và nhiệt hun đốt ở trong, thanh khiếu bị lấn át cho nên vùng đầu nặng nề trướng đau, mặt đỏ. Tố vấn – Thích nhiệt thiên có viết: ‘‘Bệnh Tỳ nhiệt trước tiên có chứng đầu nặng, đau vùng má, phiền Tâm… mình nóng”. Lâm sàng có các chứng đầu nặng trướng đau, về chiều bệnh tăng, mặt đỏ mình nóng, tiểu tiện vàng, lưỡi vàng nhớt. Điều trị theo phép thanh nhiệt hóa thấp, dùng phương Thanh không cao. Nếu nhiệt thịnh hơn thấy sốt cao miệng khát phiền táo không yên, đầu nặng mà đau, chủ yếu cần thanh nhiệt kiêm hóa thấp, dùng phương Thạch cao bạch chỉ thang.
  • Chứng Đầu trọng do đờm thấp ngăn trệ: Chứng này phần nhiều do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều thứ nồng hậu tổn thương Ty Vị, Tỳ mất sự kiện vận không hóa được thủy thấp tụ lại sinh đơm, đơm và thấp phạm lên trên lấn át thanh dương thì vùng đầu nặng nề, đầu choáng tai ù. Đơm thấp ngăn trở ở trong thì bĩ đầy, bức bối, nôn ọe, mửa dãi, thích ngủ, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Nhu Hoạt. Điểm khác nhau với chứng Đầu trọng do phong thấp ở chỗ loại kia là bệnh ở biểu mà ố phong, loại này là đờm thấp ngăn trở ở trong nên không có biểu chứng. Điểm khác nhau với chứng Đầu trọng do thấp nhiệt là loại kia thì thấp kiêm nhiệt tà mà mặt đỏ mình nóng, còn loại này thì không có hiện tượng nhiệt. Chứng này thì lấy đầu nặng, đầu choáng bụng đầy, mửa dãi làm đặc điểm. Điều trị nên táo thấp hóa đờm dùng phương Nhị trần Bình Vị thang hoặc Bán hạ thiên ma bạch truật thang.
  • Chứng Đầu trọng do trung khí bất túc với chứng Đầu trọng do đờm thấp ngăn trệ: Cả hai đều do nội thương gây nên nhưng loại sau là do tà khí đờm thấp tác hại thuộc Thực. Loại trên là do trung khí bất túc thuộc Hư. Chứng này phần nhiều là do mệt mỏi quá sức hao thương nguyên khí hoặc là vốn thể lực yếu, trung khí hư suy, thanh dương không thăng nên cảm thấy vùng đầu nặng nề, bâng khuâng chập chờn, chống chếnh vừa đau vừa choáng. Tỳ Vị khí hư vận hóa vô lực nên kém ăn, đại tiện nhão, khí huyết hư yếu cho nên sắc mặt không tươi, lưỡi nhợt co vết răng, mạch Hoãn vô lực. Điểm phân biệt với chứng Đầu trọng do đờm thấp là loại kia có tà khí đờm thấp cho nên xuất hiện các chứng ngực bụng bĩ đầy nôn ọe, mửa dãi, rêu lưỡi nhớt, mạch Hoạt. Chứng này là khí hư kiêm chứng đầu chống chếnh đau mà choáng tinh thần mệt mỏi, lưỡi nhợt mạch Nhược. Điều trị nên bổ trung ích khí dùng phương Bổ trung ích khí thang để nâng đỡ thanh dương.

Chứng Đầu trọng có Hư có Thực, Hư là phần nhiều do quá mệt nhọc hại khí hoặc sau khi ốm lân nguyên khí hư suy thanh dương không thăng lên nên cảm thấy đầu nặng. Chứng thuộc Thực phải do thấp tà gây bệnh, tính của thấp dính nhớt, nặng nề, phía trên phạm tới vùng đầu thì đầu như bị bó chặt, đầu trướng mà nặng nề thường kiêm chứng ngực bụng bĩ đầy, buồn nôn mửa dãi, rêu nhớt mạch Hoạt. Đầu trọng thuộc Thực chứng lại do phong thấp, thấp nhiệt khác nhau, chỉ cần nắm vững được chứng hậu đặc trưng thì chẩn đoán phân biệt không khó.

Trích dẫn y văn

  • Biệt của Đốc mạch gọi là Trường cường … tách ra đi vào Thái dương qua thăn lưng, thuộc Thực thì cột sống cứng, thuộc Hư thì đầu trọng (Linh khu – Kinh mạch).
  • Chứng đờm thấp mình phát hàn nhiệt mặt mắt phù thũng, ố hàn, đầu nặng, đau mình không xoay chuyển được, nôn mửa, buồn nôn, phiền đầy không khát nước (Chứng nhân mạch trị – Thấp đàm).
  • Chứng đầu trọng phần nhiều phạm vào người khí hư, khí hư thì cái khí của trời đất bị hun đốt bay bổng lên trên quấn lại không tan, tuy gặp trời lạnh cũng cảm thấy ấm áp cho nên đầu trọng là thấp nhiệt (Tôn sinh thư – Đầu phần).
0/50 ratings
Bình luận đóng