Khái niệm

Trên lưỡi xuất hiện khô xốp như nổi gai, sờ thấy vướng tay gọi là chứng Lưỡi nổi gai (Mang thích thiệt).

Lưỡi nổi gai nói chung đều là nhiệt chứng. Ôn nhiệt luận viết: “Bất kể mầu sắc nào, trên lưỡi nổi gai đều là nhiệt cực thịnh ở Thượng tiêu”. Nhưng căn cứ vào quan sát lâm sàng từ chỗ có rêu hay không có rêu, mầu sắc khác nhau, bộ vị nổi gai cũng khác nhau thì triệu chứng chủ yếu của bệnh nhât định phải khác nhau. Ớ mục này thảo luận chẩn đoán phân biệt chứng hậu Lưỡi nổi gai chủ yếu là lấy có rêu hay không và kiêm có mầu sắc khác nhau để nhận xét.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Lưỡi nổi gai do Dương minh táo thực: Có chứng rêu lưỡi khô vàng nổi gai, sốt cao vã mồ hôi, miệng lưỡi khô ráo vùng bụng rắn đầy, đại tiện không thông, mạch Sác mà Hoạt hoặc Trầm Trì có lực.
  • Lưỡi nổi gai do Doanh phần uất nhiệt: Có chứng chất lưỡi đỏ tía nổi gai, mình nóng nặng về đêm, cơ thịt nóng rát tay, trằn trọc không yên, có lúc nói sảng, ban chẩn nổi lờ mờ, mạch Tế Sác.

Phân tích

  • Chứng Lưỡi nổi gai do Dương minh táo thực với chứng Lưỡi nổi gai do Doanh phần uất nhiệt: Cả hai đều thuộc thực chứng nhiệt chứng, nguyên nhân bệnh đều là tà nhiệt vào lý hun đốt tân dịch gây nên, nhưng bộ vị phát bệnh và cơ chuyển đều khác nhau. Loại trên là do tà nhiệt vào lý câu kết với cái tà hữu hình ở Vị phủ hóa táo thành thực chuyển thành chứng Dương minh phủ thực, bệnh vẫn ở khí phận, táo nhiệt không lui tổn thương đến âm dịch cho nên mới có triệu chứng âm kiệt dương cang lưỡi nổi gai. Loại sau là tà nhiệt phá phách từ khí phận lấn vào doanh phận uất lại không giải, đó là tác hại của tà nhiệt vô hình nhiệt độc quá thịnh hun đốt doanh âm, âm tân suy hao cho nên lưỡi nổi gai… đều là dấu hiệu báo truớc vì nhiệt thịnh động huyết hoặc động phong kinh quyết.

Phân tích biểu hiện qua mạch tượng thì hai chứng này chẩn đoán phân biệt không khó. Chứng Lưỡi nổi gai do Dương minh táo thực thì rêu lưỡi vàng khô, thậm chí khô đen, nứt nẻ nổi gai, bề mặt lưỡi thô xốp, gai nổi lên liền với rêu lưỡi. Chứng Lưỡi nổi gai do Doanh phần uất nhiệt thì không có rêu hoặc ít rêu, chất lưỡi đỏ tía và sẫm, thậm chí tía đen nổi gai giống như quả dương mai hoặc kèm theo những vết nứt nhưng mức độ thô xốp lại không như loại trên đúng như Thương hàn bản chỉ có viết: “Phàm lưỡi nổi gai rêu lưỡi tất phải khô vàng hoặc đen. Nếu không có rêu thì lưỡi tất phải tía sẫm. Nếu rêu lưỡi trắng hoặc vàng nhạt là Vị không có đại nhiệt tất nhiên sẽ không nổi gai”.

Chẩn đoán phân biệt qua những biểu hiện khác trên lâm sàng thì thấy chứng Lưỡi nổi gai do Dương minh táo thực thì yếu điểm biện chứng là ở chỗ: có đủ 4 chứng bĩ, mãn, táo, thực. Chứng Lười nổi gai do Doanh phần uất nhiệt thì yếu điểm biện chứng là Doanh nhiệt bị hun đốt, âm dịch khuy hao như các chứng mình nóng vật vã, hôn mê nói sảng ban chẩn lờ mờ, thậm chí xuất hiện các chứng nhiệt thịnh động phong, động huyết như co giật xuất huyết và phát ban.

Nếu theo điều trị mà nói thì hai chứng cũng khác nhau rất xa. Chứng Lưỡi nổi gai do Dương minh táo thực thì phải cấp hạ để tồn âm theo phép Thừa khí thang. Ngô Khôn An đời Thanh tác giả sách Thiệt bệnh chứng pháp có viết: “Nếu rêu lưỡi vàng dầy khô mà có gai, hoặc rìa lưỡi vàng, ở giữa lưỡi đen, khô và nổi gai, vùng rốn bụng trướng đầy rắn đau đó là Dương minh lý chứng dùng Thừa khí thang để hạ”. Nếu “Bụng không bĩ đầy đau rắn là chứng không được dùng bừa Thừa khí, đó là vì tân dịch ở trong VỊ khô cạn, Thiếu âm Thận thủy không chống đờ nổi nên dùng Đại tiểu cam lộ ẩm để hạ”. Chứng Lưỡi nổi gai do Doanh phần uất nhiệt thì nên tuân theo chỉ đạo của Diệp Thiên Sĩ: “Tà vào Doanh còn có thể thấu nhiệt chuyển khí” dùng Thanh Doanh thang để thanh doanh tiết nhiệt khiến cho tà nhiệt ở doanh phần chuyển ra khí phần mà khỏi. Ngô Khôn An cũng nói “ Nếu như lưỡi đơn thuần đỏ tươi mà có gai đó là đờm hỏa thịnh mà doanh phần nhiệt, dùng ngay Tê giác kiều bì đan mà thanh giải”… Nếu như không giải phải dùng ngay Sinh địa tươi, Mạch đông và Nguyên sâm liều cao”.

Gặp trường hợp Lưỡi nổi gai khá cao đó là hiện tượng tà nhiệt đang bành trướng, nhiệt tà rất nặng, gai nổi lên càng to càng nhiều. Nói chung có thể căn cứ vào bộ vị nổi gai để mà phân biệt chủ bệnh của 5 tạng như: đầu lưỡi nổi gai là Tâm nhiệt, giữa lưỡi nổi gai là Tỳ Vị nhiệt…

Trích dẫn y văn

Đầu lưỡi nổi gai màu đỏ nhạt là phần trên bị phong ôn, điều trị phải thanh tán, Đầu lưỡi đỏ có nốt đỏ và gai mầu tro là tướng hỏa lấn ngôi vị của quân hỏa. Tướng hỏa nên ức chế, quân hỏa nên thanh giải, Đầu lưỡi ram ráp như muốn nổi gai: ram ráp là thấp hỏa, cho uống Đại hoàng Hoàng liên giải độc thang. Có xu hướng nổi gai là kết hung cho uống Đại Tiểu hãm hung thang. Nếu rêu lưỡi trắng mà gai đen và khô là biến hóa của phong hỏa, rêu trơn là thấp nhiệt hun đốt đều nên dùng thuốc hạ lợi nhưng các hiện tượng này phần nhiều là nguy hiểm (Thiệt thai thống chỉ).

Lưỡi đỏ mà có gai đó là bên trong có ứ đọng ẩm thực dùng Thừa khí thang để hạ. Cạo đã sạch gai, sạch rồi lại mọc nếu không sạch thì chết (Tứ chẩn quyết vi).

Rêu lưỡi đen tuy là nội nhiệt mà không vội nổi gai. Có người vì nghiện thuốc cũng dễ nổi gai khô đừng vội cho đó là chân nhiệt ở trong (Chẩn gia trực quyết).

Lưỡi nổi gai đỏ tía là Tâm kinh nhiệt thực, lại nhiễm phải dịch tà hun đốt cho nên như vậy (Biện thiệt chỉ nam).

0/50 ratings
Bình luận đóng