Khái niệm
Mầu sắc và hình thái của bản thân lưỡi không có dấu hiệu gì đặc biệt mà chỉ cảm thấy ngứa lạ lùng gọi là “Thiệt dương”. Vì thế lưỡi sưng trướng, loét nát dẫn đến vừa đau vừa ngứa thì không thuộc phạm vi giới thiệu của mục này.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Ngứa lưỡi do Tâm Thận âm hư nhiễm phong: Có chứng đầu lưỡi phát ngứa, không đỏ không sưng, ngứa đến nỗi thót tim, Tâm phiền không yên, tiểu tiện trong lợi, đại tiện điều hòa, lưỡi đỏ nhạt ít rêu, mạch Tế Nhược hoặc Tế sác.
- Ngứa lưỡi do Tâm hỏa quá thịnh. Có chứng đầu lưỡi hoặc nửa phía trước lưỡi phát ngứa hoặc kiêm chứng đau rát, trong Tâm phiền nhiệt, nóng nẩy dễ cáu giận, miệng khô lưỡi đỏ, đầu lưỡi có gai đỏ, tiểu tiện đỏ rít và nóng đau, mạch Huyền Sác.
Phân tích
- Chứng Ngứa lưỡi do Tâm Thận âm hư nhiễm phong với chứng Ngứa lưỡi do Tâm hỏa quá thịnh: Chí chân yếu đại luận – Sách Tố vấn có viết: “Các loại đau ngứa, mụn nhọt đều thuộc Tâm, lưỡi là mầm của Tâm, Thủ Thiếu âm Tâm kinh tách ra thuộc vào gôc lưỡi, mạch của Túc Thiếu âm Thận kinh đi kèm lên cuống lưỡi. Mạch của ngũ tạng tuy đều thông lên Tâm nhưng Tâm giữ vai trò chúa tể, Tâm Thận âm hư, Tâm hỏa bốc lên, phong tà lẫn vào, phong với hỏa trọi nhau đến nỗi ngứa lưỡi không chịu nổi. Bệnh ở Tâm Thận mà tà khí là phong hỏa điều trị cần tư âm, thanh hỏa, khư phong, chọn dùng phương Địa hoàng cao gia Phòng phong, Kinh giới. Ngứa lưỡi do Tâm hỏa quá thịnh phần nhiều do ức uất không như ý, ngũ chí hóa hỏa; hoặc ăn quá nhiều đồ béo ngọt, đồ xào nướng, rượu chè, tích nhiệt ở Tâm Tỳ, Tâm hỏa bốc lên lại cảm nhiễm phong tà, phong với hỏa cùng trọi nhau gây nên ngứa lưỡi. Đặc điểm chứng trạng là: ngứa lưỡi có kiêm các chứng trạng của Tâm kinh hỏa thịnh như trong ngực phiền nhiệt, trằn trọc kém ngủ, tiểu tiện đỏ nóng, đau rít, đầu lưỡi đỏ nổi gai nhỏ. Điều trị nên thanh Tâm tả hỏa dùng phương Bát chính tán gia Hoàng cầm, Hoàng liên.
Ngứa lưỡi là một chứng trạng hiếm gặp. Vị trí ngứa lưỡi phần nhiều ở đầu lưỡi hoặc nửa phía trước lưỡi. Loại ngứa lưỡi do Tâm Thận âm hư nhiễm phong, thường có các chứng hậu trong hư kiêm thực. Trên lâm sàng ngoài những triệu chứng biểu hiện rõ ràng là Tâm Thận âm bất túc, yếu điểm biện chứng nên chú ý đến biến hóa của lưỡi và mạch. Nếu là âm hư thì chất lưỡi đỏ không có rêu hoặc ít rêu lưỡi, mạch Tế Sác. Nếu là Tâm hỏa quá thịnh thì chỉ biểu hiện đỏ ở đầu lưỡi, còn mầu sắc và thể chất của lưỡi thì không biến hóa rõ rệt, mạch Huyền Sác. Thực chứng nên vận dụng phép thanh Tâm tả hỏa. Hư chứng nên vận dụng phép tư âm thanh hỏa.