Khái niệm

Ở mặt bệnh nhân bộc lộ màu xanh gọi là chứng sắc mặt xanh, phần nhiều do hàn ngưng khí trệ, mạch lạc bị uất nghẽn, khí huyết vận hành không lưu lợi gây nên. Tố vấn – Ngũ tạng sinh thành thiên viết: “Sắc và vị ứng với ngũ tạng thì màu xanh thuộc Can, vị chua”. Linh khu – Ngũ sắc thiên viêt: “Lấy ngũ sắc để mệnh danh cho tạng thì sắc xanh thuộc Can”. Chứng trị chuẩn thằng – Sát sắc yếu lược viết: “Sắc xanh thuộc mộc chủ phong, chủ hàn, chủ về đau, đó là sắc của Túc Quyết âm Can kinh”. Có nhiều nguyên nhân tạo nên hàn ngưng khí trệ và mạch lạc bị tắc nghẽn, vì vậy sắc mặt xanh còn phải phân biệt trắng xanh, xanh sạm và xanh tía khác nhau.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Sắc mặt xanh do hàn tà bó ở ngoài: Có chứng sắc mặt trắng xanh, sợ lạnh phát sốt, đau đầu đau mình, không mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng mà nhuận, mạch Phù Khẩn.
  • Sắc mặt xanh do âm hàn kết ở trong: Có chứng sắc mặt trắng xanh đau bụng đột ngột dữ dội gặp ấm thì đỡ, gặp lạnh đau tăng, chân tay quyết lạnh, miệng nhợt không khát, tiểu tiện trong dài, đại tiện nhão, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Khẩn.
  • Sắc mặt xanh do Tâm Thận dương suy: Có chứng Sắc mặt xanh sạm, môi miệng tím tái, hồi hộp đoản hơi, vùng ngực bức bối, thân thể lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện ít, thân thể hơi phù, chất lưỡi tía tối, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Vi Nhược hoặc Kết Đại.
  • Sắc mặt xanh do Phê Thận dương hư: Có chứng sắc mặt tía xanh, suyễn gấp đoản hơi thì thở ra nhiều, thở vào ít, hễ động làm càng thở mạnh, thanh âm bợt bạt, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, đái ít, đại tiện nhão, lưỡi tía nhợt, rêu trắng trơn, mạch Hư Phù vô căn.
  • Sắc mặt xanh do nhiệt động Can phong: Có chứng sốt cao, sắc mặt tía xanh, rõ nhất ở khoảng lông mày giao nhau, sống mũi và quanh môi, phiền khát, gáy cứng co giật, hai mắt lộn ngược, uốn ván, thần chí hôn mê, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác, chứng này hay gặp ở trẻ em.

Phân tích

  • Chứng Sắc mặt xanh do hàn tà bó ở ngoài với chứng Sắc mặt xanh do âm hàn nội kết: Loại trên là do ngoại cảm phong hàn, vệ dương tắc nghẽn gây nên cho nên khi sắc mặt trắng xanh thường kèm theo các chứng biểu hàn như phát sốt, không mồ hôi, mạch Phù Khẩn. Loại sau là do trực trúng hàn tà bên ngoài hoặc ăn quá độ các đồ sống lạnh, dương khí bị hao thương âm hàn thịnh ở trong, vì vậy khi hiện sắc mặt trắng xanh đồng thời kiêm các chứng trạng lý hàn như: đau bụng dữ dội, chân tay lạnh, miệng nhạt, tiểu tiện trong, đại tiện nhão, mạch Trầm Khẩn. Hai chứng này một là biểu hàn, một là lý hàn, chẩn đoán phân biệt không khó. Loại trên điều trị nên tân ôn giải biểu, chọn dùng phương Ma hoàng thang gia vị. Loại sau điều trị nên ôn trung tán hàn, chọn phương Lương phụ hoàn hợp Chính khí thiên hương tán.
  • Chứng Sắc mặt xanh do Tâm Thận dương suy: Chứng này là do Tâm Thận dương suy, năng lực vận chuyển huyết kém, khí hư huyết ứ mất chức năng sưởi ấm, thủy thấp không hóa được gây nên. Vì vậy đồng thời với sắc mặt xanh sạm còn kiêm các chứng trạng hồi hộp đoản hơi vùng ngực bức bôi, thân thể lạnh, chân tay lạnh, tiểu tiện ít, phù thũng, môi lưỡi tía xanh, mạch Vi Nhược hoặc Kết Đại. Điều trị nên ôn bổ Tâm Thận, chọn dùng phương Chân vũ thang hợp với Bảo nguyên thang.
  • Chứng Sắc mặt xanh do Phế Thận dương hư:

Chứng này đầu mối nguyên nhân là Phế khí hư và Thận dương hư; Phế thận dương hư thì mất chức năng sưởi ấm, khí huyết không vận chuyển, Thận mất khả năng nhiếp nạp, khí không về nguồn gây nên cho nên đồng thời với sắc mặt tía xanh xuất hiện các chứng trạng thở gấp đoản hơi, thì thở ra nhiều, thở vào ít, tiếng nói thấp khẽ, chân tay lạnh tự ra mồ hôi, tiểu tiện ít, đại tiện nhão, mạch Hư Phù vô căn. Điều trị nên bổ Thận nạn khí, chọn dùng phương Nhân sâm Hồ đào thang phối hợp với Hắc tích tán.

  • Chứng Sắc mặt xanh do nhiệt khuấy động Can phong: Chứng này do nhiệt tà quá thịnh hun đốt Can kinh hóa hỏa sinh phong gây nên, vì vậy đồng thời với sắc mặt tía xanh còn kiêm các chứng sốt cao, phiền khát, chân tay co giật, uốn ván thần chí không tỉnh táo, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác… chứng này hay gặp nhiều ở trẻ em. Khi trẻ em sốt cao sắc mặt tía xanh và bộc lộ rõ tía xanh ở khoảng lông mày giao nhau, sống mũi và quanh môi, đó là dấu hiệu báo trước động phong, điều trị nên thanh nhiệt lương Can dẹp phong chọn dùng phương Linh giác câu đằng thang phối hợp với An cung ngưu hoàng hoàn.

Sắc mặt xanh chủ về hàn, chủ về đau, chủ về ứ huyết và chủ về kinh phong. Để chẩn đoán sắc mặt xanh cần chú ý đến màu sắc bóng bẩy, màu xanh mà có hàm xúc tươi nhuận là tốt. Màu xanh mà bộc lộ khô khan là Vị khí bại hoại như Ngũ tạng sinh thành thiên – Sách Tố vấn nói: “Xanh như cỏ úa thì chết… xanh như lông chim trả thì sống”. Tố vấn – Mạch yếu tinh vi luận cũng viết: “Xanh cần mướt như rêu tường đừng như cỏ úa”.

Trích dẫn y văn

Can vượng về phương Đông thuộc mộc sắc xanh, phong hàn và đau là ba chứng chủ bệnh. Giận cũng có sắc xanh, về kinh hãi sắc cũng như thế. Xanh mà đen hoặc sắc xanh và kiêm hồng đó là điều tương sinh rất tốt. Xanh mà trắng khô đó là điều tương khắc rất xấu. Ví dụ như bệnh Tỳ mà thấy sắc xanh đó là mộc đến khắc thổ rất khó chữa (Tứ chẩn quyết vi – Vọng chẩn).

0/50 ratings
Bình luận đóng