Quy Lai
Tên Huyệt:
Quy = quay về. Lai = trở lại. Vì huyệt có tác dụng trị tử cung sa, làm cho kinh nguyệt trở lại bình thường, vì vậy, gọi là Quy Lai (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Khê Cốc, Khê Huyệt, Trường Nhiễu.
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính:
Huyệt thứ 29 của kinh Vị.
Vị Trí huyệt:
Dưới rốn 4 thốn, cách đường giữa bụng 2 thốn, ngang huyệt Trung Cực (Nh.3).
Giải Phẫu:
Dưới da là cân cơ chéo to, bờ ngoài cơ thẳng to, mạc ngang, phúc mạc, trong ổ bụng là ruột non và tử cung khi có thai 3-4 tháng, đáy bàng quang khi đầy.
Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.
Chủ Trị:
Trị không có kinh nguyệt, thống kinh, phần phụ viêm, đau do thoát vị.
Phối Huyệt:
1. Phối Đại Đôn (C.1) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) trị dịch hoàn rút lên bụng (Châm Cứu Đại Thành).
2. Phối Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trung Cực (Nh.3) trị kinh bế, đới hạ ra nhiều (Châm Cứu Học Giản Biên).
3. Phối Thái Xung (C.3) trị thoát vị bẹn, dịch hoàn sa xuống (Châm Cứu Học Thượng Hải).
4. Phối Huyết Hải (Tỳ 10) + Khí Hải (Nh.6) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) trị màng trong tử cung viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
5. Phối Khúc Cốt (Nh.2) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Trung Cực (Nh.3) + Tử Cung trị kinh nguyệt không đều (Châm Cứu Học Thượng Hải).
6. Phối Khí Hải (Nh.6) + Phục Lưu (Th.7) + Thái Khê (Th.3) trị âm đạo viêm do trùng roi (Trichonomas) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
7. Phối Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thái Xung (C.3) trị bệnh ở buồng trứng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
8. Phối Đại Đôn (C.1) + Đại Hách (Th.12) + Hội Dương (Bàng quang.35) trị dịch hoàn đau nhức (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 1 – 1, 5 thốn hoặc hướngmũi kim đến nơi liên hợp của củ xương mu, Cứu 5 – 7 tráng, Ôn cứu 10 – 20 phút.