Mục lục
Bạch Hoàn Du
Tên Huyệt Bạch Hoàn Du:
Bạch = trắng; Hoàn = vòng tròn bằng ngọc; Du = nơi ra vào của khí, nghĩa là huyệt.
Theo người xưa, xương cùng cụt gọi là Bạch hoàn cốt, là nơi mà các đạo gia (người tu) quý như ngọc. Huyệt ở gần chỗ đó, vì vậy gọi là Bạch Hoàn Du (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Ngọc Hoàn Du, Ngọc Phòng Du.
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính Huyệt Bạch Hoàn Du:
Huyệt thứ 30 của kinh Bàng Quang.
Huyệt quan trọng để trị bệnh phụ khoa (Bạch Hoàn có nghĩa là bạch đới, khí hư).
Vị Trí Huyệt Bạch Hoàn Du:
Ngang đốt xương thiêng 4, cách tuyến giữa lưng 1, 5 thốn.
Giải Phẫu:
Dưới da là cân của cơ lưng to, chỗ bám của cơ mông to, phía ngoài khối cơ chung của các cơ ở rãnh cột sống, xương cùng.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của đám rối cánh tay, thần kinh mông trên, nhánh dây thần kinh sống cùng 4.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S3 hoặc S4.
Phối Huyệt:
1. Phối Đại Trường Du (Bàng quang.25) + Thừa Phù (Bàng quang.36) trị đại tiểu tiện không thông (Tư Sinh Kinh).
2. Phối Thái Khê (Th.3) + Thận Du (Th.23) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị lưng đau do Thận hư (Châm Cứu Đại Thành).
3. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thái Khê (Th.3) trị di tinh, bạch trọc, tiểu gắt (Châm Cứu Đại Toàn).
4. Phối Ủy Trung (Bàng quang.40) trị lưng và eo lưng đau (Châm Cứu Tụ Anh).
5. Phối Quan Nguyên (Nh.4) + Tâm Du (Bàng quang.15) + Trung Cực (Nh.3) trị di tinh, mộng tinh, tiết tinh (Y Học Cương Mục).
6. Phối Quan Nguyên (Nh.4) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Thận Du (Bàng quang.23) + Trung Cực (Nh.3) trị di tinh, Tử cung xuất huyết, đới hạ (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
7. Phối Thừa Sơn (Bàng quang.57) + Trường Cường (Đc.1) trị trực tràng sa (Châm Cứu Học Thượng Hải).
8. Phối Côn Lôn (Bàng quang.60) + Ủy Trung (Bàng quang.40) trị trẻ nhỏ bị liệt mềm từ thắt lưng xuống chi dưới (Châm Cứu Học Thượng Hải).
9. Phối Huyết Hải (Tỳ 10) + Tam Âm Giao (Tỳ 6) + Tử Cung trị khung hố chậu viêm mạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm Cứu Huyệt Bạch Hoàn Du:
Châm thẳng 1-1, 5 thốn – Cứu 3-7 tráng – Ôn cứu 5-15 phút.