Mục lục
Bệnh loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày – tá tràng là một bệnh đã được biết từ thời cổ đại. Bệnh xảy ra ở mọi quốc gia, mọi lứa tuổi. Tỉ lệ bệnh ở các nước là 1 – 3% dân số, và trong suốt một đời người khả năng mắc bệnh loét là 10%.
Việc điều trị bệnh loét dạ dày – tá tràng đã có những thay đổi lớn trong ba thập niên trở lại đây với việc phát triển các thuốc chống loét thế hệ mới từ thập niên 1970 và việc phát hiện và xác định vai trò gây bệnh loét của vi khuẩn Helicobacter Pylori từ thập niên 1980.
Xem thêm:
Nguyên nhân và các yếu tố gây bệnh
Quan niệm về sự sinh bệnh loét được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đó là do sự mất quân bình giữa 2 lực đối kháng tác động lên niêm mạc dạ dày – tá tràng: Lực tấn công làm phá hủy niêm mạc dạ dày – tá tràng mà tiêu biểu là HC1 và pepsin của dịch dạ dày; lực bảo vệ đảm bảo sự nguyên vẹn của thành dạ dày – tá tràng do hàng rào nhày và lớp tế bào niêm mạc dạ dày – tá tràng. Theo quan niệm này, bất cứ một tác nhân nào làm gia tăng lực tấn công hoặc làm giảm lực bảo vệ đều có thể gây bệnh loét dạ dày – tá tràng.
Trong số các tác nhân gây bệnh, H. Pylori là nguyên nhân quan trọng nhất. Các thuốc AINS, Steroides có thể gây loét ở người phải điều trị dài ngày với các thuốc này. Các stress về tâm lý thần kinh cũng có thể gây bệnh loét. Thuốc lá làm tăng nguy cơ bị loét, tăng tỉ lệ tái phát và biến chứng của bệnh loét. Rượu cũng tăng tỉ lệ tái phát loét.
Triệu chứng
Chỉ khoảng 50% bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng là có triệu chứng điển hình, 40 – 45% có triệu chứng mơ hồ, không điển hình, những trường hợp này rất khó chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác của dạ dày – tá tràng như viêm dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày. Có 5 – 10% bệnh nhân loét hoàn toàn không có triệu ..chứng (loét câm), hay gặp ở người lớn tuổi.
- Cơn đau loét: Là triệu chứng điển hình của bệnh loét dạ dày – tá tràng với các đặc điểm (1) Đau thượng vị (vùng trên rốn và dưới mỏm xương ức). (2) Đau có chu kỳ theo bữa ăn và theo mùa. (3) Đau xuất hiện hoặc tăng khi ăn các thức ăn chua, cay hay khi bị căng thẳng thần kinh và giảm khi uống các thuốc kháng axit hay thuốc băng niêm mạc dạ dày.
- Các triệu chứng không điển hình như đầy bụng, Ợ hơi, ợ chua, chậm tiêu hóa rất khó phân biệt là do loét hay do một bệnh khác của dạ dày như viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hay chứng loạn tiêu hóa không do loét. Trường hợp này phải chụp X- quang hoặc nội soi dạ dày – tá tràng mới chẩn đoán chắc chắn.
- Các trường hợp loét câm thường chỉ được chẩn đoán khi xảy ra biến chứng.
- Bệnh thường hay tái phát. Trước đây, sau khi được chữa lành, có 60 – 80% tái phát trong vòng 2 năm. Từ thập niên 80, khi xác định được vai trò gây bệnh của vi khuẩn H. Pylori, việc điều trị tiệt trừ H. Pylori đã làm giảm tỉ lệ tái phát còn khoảng 10%.
Các biến chứng của bệnh loét dạ dày – tá tràng
- Xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa): Xuất huyết hay chảy máu thường rầm rộ với ói ra máu, có hoặc không có đi tiêu phân đen. Bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị cấp cứu.
- Thủng dạ dày – tá tràng: Xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, dữ dội vùng thượng vị như dao đâm, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ. Biến chứng này phải được mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong.
- Hẹp môn vị: Lúc đầu ăn chậm tiêu, đầy bụng, nặng bụng, ợ nước chua nhất là về buổi chiều; tiếp theo bệnh nhân bị nôn ói sau ăn ngày càng nhiều hơn. Bệnh nhân thường gầy sút do bị nôn ói. Biến chứng này phải được điều trị bằng phẫu thuật.
- Hóa ung thư: Ngày nay người ta thấy có chứng cứ nhiễm H. Pylori gây viêm loét dạ dày lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Xác định bị bệnh loét dạ dày – tá tràng
- Chẩn đoán xác định loét dạ dày – tá tràng: Trước đây khi bệnh nhân có cơn đau loét điển hình, bác sĩ có thể tiến hành điều trị với thuốc chống loét. Trường hợp các triệu chứng không điển hình, phải chụp X-quang hoặc nội soi để xác định bệnh loét và loại trừ các bệnh khác của dạ dày, nhất là ung thư dạ dày. Các triệu chứng giúp nghĩ đến ung thư dạ dày là (1) Sụt cân, chán ăn. (2) Đi cầu phân đen và có các triệu chứng của thiếu máu mạn như xanh xao, mệt mỏi. (3) Đau bụng âm ỉ vùng thượng vị. (4) Người lớn tuổi (> 50 tuổi). (5) Có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày.
- Chẩn đoán nhiễm H. Pylori: hiện nay do cần xác định có nhiễm H. Pylori hay không để quyết định việc điều trị tiệt trừ nên cần làm xét nghiệm chẩn đoán nhiễm H. Pylori cho bệnh nhân. Có nhiều phương pháp chẩn đoán nhiễm H. Pylori như chẩn đoán qua nội soi và các xét nghiệm không phải làm nội soi như test huyết thanh học, test thở urease, kỹ thuật PCR….
Điều trị loét dạ dày – tá tràng
Hiện nay việc điều trị loét dạ dày – tá tràng có thể phân ra hai nhóm chính: Nhóm bệnh loét dạ dày – tá tràng do nhiễm H. Pylori và nhóm không do nhiễm H. Pylori. Nhóm sau thường do dùng các thuốc kháng viêm, thuốc trị đau nhức, do stress, do bệnh gan mạn tính.
- Đối với nhóm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm H.Pylori, việc điều trị chủ yếu là dùng các phác đồ điều trị tiệt trừ H. Các phác đồ 3 thuốc gồm một thuốc chống loét (Bismuth, ức chế thụ thể H2 của Histamine, ức chế bơm proton) kết hợp với hai kháng sinh (Tetracycline, Clarythromycine, Amoxicilline, Imidazole). Các phác đồ 4 thuốc gồm 2 thuốc chống loét kết hợp với 2 kháng sinh thường dùng trong trường hợp thất bại vối phác đồ 3 thuốc. Các phác đồ điều trị thường có các tác dụng phụ như chua miệng, đắng miệng, nhức đầu, buồn ói và ói. Người bệnh cần cố gắng chịu đựng để uống đủ liều điều trị vì nếu bỏ dỡ điều trị sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc về sau.
- Đối với nhóm loét dạ dày – tá tràng không do nhiễm Pylori: Việc điều trị gồm (1) Ngưng các thuốc gây loét, (2) Điều trị với các thuốc chống loét. Trường hợp phải điều trị lâu dài các bệnh mạn tính với các thuốc có thể gây loét thì nên điều trị kết hợp với thuốc chống loét. Trường hợp bệnh nhân đã bị loét nếu cần phải điều trị với các thuốc có thể gây loét thì bắt buộc phải điều trị kèm với các thuốc chống loét.
Các thuốc chống loét dạ dày – tá tràng không do nhiễm H. Pylori gồm 3 nhóm: (1) Thuốc kháng axít, (2) Thuốc chống tiết axít và (3) Thuốc bảo vệ niêm mạc.
- Thuốc kháng axít: là những thuốc có khả năng trung hòa axít của dịch dạ dày. Các thuốc kháng axít chủ yếu là các muối aluminium hoặc magnesium (hydroxide, phosphate) hiện nay được sử dụng trong điều trị triệu chứng của bệnh loét như đau bụng, đầy bụng, ợ hơi Các thuốc thường chỉ có tác dụng khoảng 1 – 2 giờ nên phải dùng nhiều lần trong ngày. Các muối alumium thường gây táo bón; ngược lại, các muối magnesium thường gây tiêu chảy.
- Các thuốc chống tiết axít: Gồm các thuốc ức chế thụ thể H2 và ức chế bơm proton làm giảm tiết axít của tế bào thành.
- Các thuốc bảo vệ niêm mạc gồm: Bismuth dạng keo có tác dụng che phủ ổ loét để bảo vệ ổ loét chống lại axít và pepsine của dịch vị.
Sucralfate: Là một hỗn hợp sucrose sulfate và aluminium hydroxide, ở môi trường axít, hỗn hợp này tạo thành dạng gel che phủ ổ loét.
Prostaglandine: ức chế tiết axít đồng thời có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng qua cơ chế kích thích tái tạo niêm mạc và tăng tiết nhầy.
- Điều trị hỗ trợ:
Bên cạnh việc điều trị tiệt trừ H. Pylori hoặc điều trị thuốc chống loét bệnh nhân cần kiêng cũ các thức ăn chua cay, nhiều mỡ béo và phải ngưng hút thuốc lá, ngưng uống bia, rượu. Tránh bớt các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh.