1. Cơ chế bệnh sinh
Theo Y học cổ truyền bệnh loét dày hành tá tràng được mô tả trong chứng ‘‘vị quản thống’’. Sách nội kinh có viết: Vị quản thống là chỉ sự đau đớn ở vùng thượng vị, bệnh có liên quan chặt chẽ đến ba tạng tỳ, vị, can. Tạng tỳ chủ về vận hóa thủy cốc là gốc của hậu thiên. Phủ vị có chức năng thu nạp. Tỳ và vị có chức năng tiêu hóa đồ ăn thức uống, biến tinh hoa của đồ ăn thức uống thành khí huyết đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Tỳ và vị có liên quan chặt chẽ với nhau: tỳ chủ vận hóa, vị chủ thu nạp; tỳ lấy thăng làm nhuận vị lấy giáng làm hòa. Nếu vị không thu nạp thì sẽ ảnh hướng đến sự vận hóa của tỳ. Ngược lại, nếu tỳ không vận hóa được thủy cốc, làm thủy cốc bị ứ trệ sẽ ảnh hưởng đến chức năng thu nạp của vị. Nếu vị không giáng được thì bụng sẽ đầy chướng đau, khí nghịch lên gây ợ hơi ợ chua và buồn nôn . Tạng can có chức năng sơ tiết giúp cho sự thăng giáng của tỳ vị được điều hòa, tạng can có quan hệ tương khắc với tạng tỳ. Nếu hai tạng tương khắc được giữ ở thế quân bình thì sự tiêu hóa thức ăn diễn thuận lợi. Nếu tạng can khắc tạng tỳ quá sẽ gây bệnh cho tạng tỳ, can khí uất kết làm tỳ không thăng vị không giáng làm sự tiêu hóa bị ảnh hưởng. Đây được gọi là chứng can khí phạm vị hay còn gọi là can vị bất hòa.
2. Nguyên nhân gây bệnh:
Nguyên nhân do nội nhân (nội nhân là các yếu tố về tinh thần) như: Lo lắng, suy nghĩ, tức giận quá độ và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị làm tỳ mất vận hóa vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ dẫn đến đau bụng đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn…
Ngoài ra, tức giận nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tạng can, làm can khí uất kết khí cơ mất thông sướng sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tạng tỳ, vị, còn được gọi là can mộc khắc tỳ thổ, can khí phạm vị dẫn đến chức năng của tỳ, vị bị rối loạn. Nếu can khí uất lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa sẽ thiêu đốt tân dịch làm tổn thương đến vị âm gây lên các chứng sau: Miệng đắng khát nước họng khô, hỏa uất có thể làm tổn thương mạch lạc gây ra xuất huyết dẫn đến nôn ra máu, đi ngoài ra máu. Bệnh lâu ngày nếu điều trị không tốt sẽ làm chính khí suy tổn dẫn đến bệnh ngày càng nặng.
Nguyên nhân do ăn uống:
Ăn uống không điều độ rất ảnh hưởng nhiều đến tỳ vị: như ăn quá no hoặc để quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua, mặn, lạnh đều làm ảnh hưởng đến chức năng thu nạp và kiện vận của tỳ vị, làm khí cơ bị trở trệ, thức ăn nước uống ứ trệ dẫn đến đau.
Do tiên thiên bất túc (tương đương với yếu tố gia đình của YHHĐ) có hai loại
+ Do thận khí hư: Khi sinh bẩm thụ tiên thiên không đầy đủ, dẫn đến thận dương hư ảnh hưởng đến tỳ dương hư, theo các bậc danh y ví “tỳ như nồi cơm, thận dương như ngọn lửa” ngọn lửa yếu sẽ làm cơm sống, thận dương hư làm tỳ vị bị hư hàn dẫn đến khí trệ đồ ăn dẫn đến đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu.
+ Do tỳ vị hư: Do bẩm tố tiên thiên bất túc, tỳ vị hư nhược nên trung khí không đầy đủ, kèm theo bệnh lâu ngày hoặc do làm lụng quá sức làm tỳ dương hư dẫn đến hàn thấp nội sinh càng làm khốn tỳ mà gây ra bệnh.
3. Phân thể loại bệnh theo y học cổ truyền:
Căn cứ vào các chứng trạng biểu hiện, y học cổ truyền chia ra thành hai thể loại chính để biện chứng và điều trị , :
– Thể can khí phạm vị
– Thể tỳ vị hư hàn
Tương ứng với mỗi thể bệnh có các bài thuốc cổ phương, tân phương và các vị thuốc thích hợp để điều trị.
Thể can khí phạm vị:
* Triệu chứng: Đau vùng thượng vị từng cơn, đau dữ dội, đau lan ra mạn sườn có khi đau lan ra sau lưng. Khi đau không thích xoa nắn, đau bụng có kèm theo đầy chướng, ợ hơi, ợ chua, đại tiện táo. Người dễ cáu gắt, hay giận dữ và mỗi khi cáu giận thì đau tăng lên. Rêu lưỡi trắng nhuận, chất lưỡi hồng, mạch huyền , .
* Pháp điều trị: Sơ can hòa vị.
* Phương thuốc: Sài hồ sơ can thang hoặc tiêu dao thang.
– Nếu có khí trệ biểu hiện: Bụng đầy chướng, ợ hơi nhiều, ợ hơi thì đỡ đau cần phải gia thêm thuốc lý khí.
– Nếu có hỏa uất: Biểu hiện là đau nóng rát vùng thượng vị, ợ chua nhiều, miệng khô, miệng đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác thì gia thêm thuốc thanh can tiết nhiệt.
– Nếu có ứ huyết: Biểu hiện là đau ở một vị trí nhất định, đau dữ dội, cự án có thể thấy chân tay lạnh, vã mồ hôi. Đau lan sang 2 bên mạng sườn có thể có nôn ra máu, đại tiện phân đen. Thì gia thêm thuốc thông lạc hoạt huyết hoặc thuốc bổ huyết chỉ huyết.
Thể tỳ vị hư hàn:
Biểu hiện đau âm ỉ vùng thượng vị gặp lạnh đau tăng, khi đau thích xoa bóp, chườm nóng thấy dễ chịu. Kèm theo người sợ lạnh, chân tay lạnh, ăn uống kém, thích ăn đồ ấm nóng. Bụng thường xuyên đầy trướng, đại tiện phân nát, lỏng, có khi nôn ra nước trong. Rêu lưỡi trắng trơn, chất lưỡi bệu. Mạch trầm trì
Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ.
Phương thuốc: Hoàng kỳ kiến trung thang hoặc Hương sa lục quân tử thang.
Xem thêm: