Định nghĩa bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng tăng glucose máu, do hậu quả của việc mất hoàn toàn insulin hoặc là có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và/ hoặc giảm hoạt động của nội tiết tố insulin .

Sơ lược lịch sử của bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng của bệnh Đái tháo đường đã được mô tả từ thời cổ Hy Lạp. Vào khoảng 600 năm trước công nguyên, hai người thầy thuốc Ấn Độ là Chakrata và Susruto mô tả bệnh cảnh và tính nguy hiểm của bệnh này, đồng thời chia bệnh này thành hai thể: bệnh ở người trẻ và bệnh ở người cao tuổi. Mãi đến năm 1675 Thomas William Cullen mới đặt tên cho bệnh cảnh lâm sàng có đi tiểu ra nước tiểu có vị ngọt là Diabetes .

Có thể Bouchardat (Pháp) là người đầu tiên đã đưa ra nhận xét và công bố về tính đa dạng của bệnh cảnh lâm sàng của bệnh này; trong bản chuyên luận xuất bản năm 1875 ông đã đưa ra danh từ “đái tháo đường gày” (diabetes maigre) và “đái tháo đường mập” (diabetes grat) để phân biệt hai thể bệnh chính của Đái tháo đường và coi Đái tháo đường như là một hội chứng hơn là một bệnh .

Vào đầu thế kỷ XX xuất hiện danh từ “đái tháo đường trẻ” và “đái tháo đường của người đứng tuổi”. Năm 1936, Himsworth phân biệt “đái tháo đường đề kháng insulin” và “đái tháo đường nhạy cảm với insulin”. Năm 1976, Gudworth chia bệnh Đái tháo đường thành “đái tháo đường týp 1” và “đái tháo đường týp 2”. Năm 1985, bảng phân loại của Tổ chức sức khỏe thế giới đưa ra danh từ “đái tháo đường phụ thuộc insulin” đồng nghĩa với “đái tháo đường týp 1” và “đái tháo đường không phụ thuộc insulin” đồng nghĩa với “đái tháo đường týp 2”. Năm 1997, Hiệp hội đái tháo đường Mỹ ADA (American Diabete Asociation) đề nghị dùng danh từ “đái tháo đường týp 1” và “đái tháo đường týp 2” để tránh sự hiểu lầm về việc lựa chọn thuốc điều trị .

Tình hình mắc bệnh Đái tháo đường trên thế giới

ĐTĐ là một trong các bệnh không lây phổ biến nhất hiện nay và là một trong các bệnh có tỉ lệ tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo tài liệu của Viện nghiên cứu Đái tháo đường quốc tế, năm 1995 số bệnh nhân bị bệnh Đái tháo đường týp 2 trên thế giới vào khoảng 135 triệu người, năm 2000 là 151 triệu người, dự báo con số này sẽ tăng lên tới khoảng 221 triệu người vào năm 2010 và 330 triệu người vào năm 2025 (chiếm 5,4% dân số thế giới) .

Năm 1995, tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường ở người lớn trên thế giới ước tính là 4%, nhưng tỉ lệ mắc bệnh này đã lên đến 5,4% vào năm 2005. Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế năm 1999, tỷ lệ mắc bệnh một số nước châu á như sau: Thái Lan 6,7%, Philipin 4,27%, Indonesia 1,3%, Đài Loan 2,1%, Hồng Kông 4,0%, Pakistan 3,0%, Hàn Quốc 4,0%, Argentina 8,2%…

Ở Trung Quốc, theo thông báo của Bộ Vệ sinh, tỷ lệ mắc bệnh Đái tháo đường là: 0,67% (1980) và 2,0% (1999), có ngĩa là tăng 3 lần trong 20 năm. Tại Singapore tỷ lệ Đái tháo đường týp 2 là: 2% (1974), 4,7% (1985) và 8,6% (1992).

Tình hình mắc bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam

Tại Việt Nam, với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống của cộng đồng được nâng lên, thói quen ăn uống, làm việc đã và đang tạo điều kiện cho bệnh béo phì và Đái tháo đường týp 2 ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Năm 1990 tỷ lệ Đái tháo đường ở 3 thành phố lớn: Hà Nội: 1,2%, Huế: 0,95%, thành phố Hồ Chí Minh: 2,52%; năm 2001 tỷ lệ đái tháo đường 4 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh) là: 4,0%, tỉ lệ rối loạn dung nạp glucose là: 5,1%. Đến năm 2002, tỉ lệ mắc bệnh Đái tháo đường tại các thành phố lớn là: 4,4%. Chỉ trong vòng 12 năm, tỉ lệ mắc bênh Đái tháo đường tại các thành phố lớn của nước ta đã tăng khoảng 2 lần. Một điều đặc biệt nữa khiến rất nhiều người lưu tâm, đó là theo điều tra dịch tễ bệnh Đái tháo đường của Việt Nam năm 2001 có tới trên sáu mươi phần trăm (64,9%) số người mắc bệnh Đái tháo đường ở Việt Nam không được phát hiện và không được hướng dẫn điều trị .

Phân loại bệnh Đái tháo đường

ĐTĐ được phân thành 2 thể là Đái tháo đường týp 1 và Đái tháo đường týp 2 .

ĐTĐ týp 1 (chiếm 5% – 10% tổng số bệnh nhân Đái tháo đường) là một bệnh tự miễn mạn tính, thường gặp ở người trẻ (< 30 tuổi), nguyên nhân do tế bào b Langerhans bị tổn thương nên khả năng sản xuất insulin bị suy giảm trầm trọng. Do thiếu hụt insulin, biểu hiện lâm sàng rầm rộ, nồng độ glucose trong máu rất cao, mất glucose qua nước tiểu làm người bệnh ăn nhiều, đồng thời thể trạng ngày càng gầy, sút cân .

ĐTĐ týp 2 (chiếm 90% – 95% tổng số bệnh nhân Đái tháo đường) thường xuất hiện ở người trên 30 tuổi, là hậu quả kết hợp của kháng insulin và đáp ứng chế tiết bù insulin không đủ. Bệnh diễn biến âm thầm nên Đái tháo đường týp 2 thường được chẩn đoán muộn, có khi phát hiện do tình cờ người bệnh đi khám hoặc thậm chí là phát hiện qua các biến chứng của bệnh như: tổn thương mạch máu lớn, tổn thương thần kinh, tổn thương vi mạch hoặc thậm chí ở trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, cao huyết áp hoặc hôn mê. Trước đây người ta chỉ thấy Đái tháo đường týp 2 ở lứa tuổi > 45, nhưng ngày nay theo công bố của WHO (1999) Đái tháo đường týp 2 gặp ở lứa tuổi sớm hơn, có thể từ 30 tuổi hoặc trẻ hơn đã có thể mắc bệnh .

Có thể phân biệt týp Đái tháo đường thông qua bảng sau đây:

Đặc điểmĐTĐ týp 1ĐTĐ týp 2
Khởi phát bệnhRầm rộThầm lặng
Lâm sàngThể trạng gày, sút cân rõ.Đái nhiều

Uống nhiều

Thường béoCó tiền sử gia đình

Đái, uống nhiều không rõ

Nhiễm toan cetoneHầu hếtThường không
Các bệnh tự miễn khácThường cóKhông
C-peptideThấp hoặc không cóBình thường hoặc tăng
Điều trịBắt buộc dùng insulin qua đường tiêm.Có thể dùng thuốc uống

 

Cơ chế bệnh sinh đái tháo đường týp 2

ĐTĐ týp 2 là bệnh không đồng nhất, không phải là một bệnh duy nhất, mà là một tập hợp các hội chứng khác nhau. Bệnh có những bất thường quan trọng về quá trình bài tiết và tác dụng của insulin, một loại hormon của tuyến tụy. Dù cho nguyên nhân ban đầu là gì cũng đều dẫn đến hai tình trạng là giảm tiết insulin và kháng insulin; hai mặt này tương tác lẫn nhau trong quá trình phát triển của bệnh, cuối cùng sự suy giảm bài tiết insulin do suy kiệt tế bào bêta của tuyến tụy là điều tất yếu sẽ xảy ra. Thêm vào đó, khi đã tăng đường huyết, độc tính glucose sẽ gây ra thêm sự bất thường về tác động và bài tiết insulin .

Nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh Đái tháo đường đều thống nhất cơ chế hình thành Đái tháo đường týp 2 là quá trình tác động qua lại phức tạp của 2 nhóm nguyên nhân chính là yếu tố gen và yếu tố môi trường .

Ngày nay, khoa học đã chứng minh có khá nhiều gen có liên quan trực tiếp tới bệnh Đái tháo đường týp 2, đa số các trường hợp là thiếu sót đa gen nhưng có những trường hợp chỉ có khiếm khuyết ở một gen . Điều này giải thích bệnh Đái tháo đường týp 2 có tính chất gia đình và trên lâm sàng cùng biểu hiện một tình trạng bệnh nhưng khả năng kiểm soát bệnh lại rất khác nhau giữa các trường hợp cụ thể.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, không chỉ tình trạng béo phì trong giai đoạn bào thai mà cả tình trạng suy dinh dưỡng bào thai cũng làm tăng khả năng xuất hiện bệnh Đái tháo đường týp 2. Giả thuyết về gen tiết kiệm cho rằng con người có một chương trình về gen để tồn tại trong giai đoạn bị thiếu hụt năng lượng, ở người bình thường, hệ thống gen này không hoạt động. Khi cơ thể ở trong tình trạng thiếu hụt năng lượng kéo dài, hệ thống gen này được kích hoạt giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Về sau, khi cơ thể có chế độ ăn đầy đủ hơn, các gen này vẫn hoạt động gây tích lũy nhiều năng lượng dự trữ, gây ra các rối loạn chuyển hóa; đó là một trong các nguy cơ xuất hiện bệnh Đái tháo đường .

Dưới sự tác động của các yếu tố môi trường như: chế độ ăn nhiều lipid, ít vận động thể lực, béo phì…có thể làm xuất hiện hoặc làm tăng sức đề kháng của các cơ quan đích (tế bào cơ vân, gan, mô mỡ) với insulin ở những người có yếu tố gen quyết định . Sự kháng insulin ở cơ quan đích (giảm dung nạp glucose) sẽ dẫn tới hậu quả là tăng đường máu và một loạt các rối loạn chuyển hóa khác. Ở giai đoạn sớm của sự đề kháng, tuyến tụy tăng sản xuất insulin để bù đắp lại tình trạng hoạt động kém hiệu quả của hormone này. Sự tăng đường máu liên tục cùng với rối loạn chuyển hóa lipid sẽ dẫn tới tình trạng bị ngộ độc của tế bào beta tụy, từ đó làm tổn thương và suy giảm chức năng của tế bào beta, lượng insulin được bài tiết ngày càng suy giảm trong khi tình trạng kháng insulin ở mô đích lại ngày càng tăng. Khi cơ thể không còn khả năng bù được tình trạng kháng insulin hoặc khi chức năng của tế bào beta không còn đáp ứng được nhu cầu về insulin của cơ thể thì bệnh Đái tháo đường týp 2 bắt đầu xuất hiện.

Những hiểu biết này cho thấy, bệnh Đái tháo đường sẽ không xuất hiện nếu như không có sự đề kháng insulin và/hoặc không có tổn thương dẫn tới suy giảm chức năng của tế bào beta tụy. Như vậy, nếu tác động sớm vào các yếu tố môi trường từ khi chưa hoặc mới xuất hiện tình tạng kháng insulin, suy giảm bài tiết insulin thì hoàn toàn có thể ngăn chặn sự xuất hiện hoặc làm chậm quá trình tiến triển thành bệnh Đái tháo đường týp 2.

5/51 rating
Bình luận đóng