Khái niệm
Vưu tức là Hồi (giun đũa), Thổ vưu là chỉ Hồi trùng từ trong miệng mửa ra.
Sách Nội kinh gọi Hồi trùng là “Trường trùng” như Khái luận sách Tố vấn nói: “Khái mà ẩu, ẩu quá thì ra cá Trường trùng”. Quyết luận sách Linh khu lại gọi Hồi trùng là “Hựu” đồng thời còn ghi cả các chứng trạng gây bệnh. Sách Kim quỹ yếu lược gọi là Thổ vưu, sách Chứng trị chuẩn thằng gọi là “Ẩu trùng”.
Trong bụng có Hồi trùng, nếu Vị hàn hoặc Vị nhiệt hoặc do nhân tố Vị trường hàn nhiệt lẫn lộn sẽ thúc ép Hồi trùng từ trong miệng mửa ra ngoài. Mục Ẩu thổ sách Cảnh Nhạc toàn thư có nói: “Khi thổ Vưu, tất phải vì có bệnh mới thổ Vưu chứ không phải vì có Vưu mà gây nên thổ, cho nên không cần chữa Vưu, mà chỉ cần chừa cái làm cho thổ thì vưụ tự yên”,
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Thổ hồi do Vị hàn: Có chứng mửa ra giun đũa, đau bụng âm ỉ, ưa nóng, sợ lạnh, miệng nhạt, tứ chi không ấm, đại tiện nhão, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Trì.
Thổ hồi do Vị nhiệt: Có chứng mửa ra giun đũa, ưa lạnh sợ nóng, phiền khát, dễ tiêu mau đói, tiểu tiện đỏ rít, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Hồng Sác.
Thổ hồi do hàn nhiệt lẫn lộn: Có chứng mửa ra giun đũa, có lúc phiền, ăn vào thì mửa hoặc phiền muộn nôn mửa, lúc phát lúc ngưng, chân tay quyết lạnh, miệng khô đắng, rêu lưỡi trắng xen vàng.
Phân tích
- Chứng Thổ hồi do Vị nhiệt với chứng Thổ hồi do VỊ hàn: cả hai chứng đều làm cho mửa ra giun đũa. Một chứng là Vị trường nhiệt thịnh, giun đũa không chịu được nhiệt, ngoi lên miệng mà ra, đặc điểm chứng trạng là mửa ra hồi trùng, lại kiêm các chứng thích lạnh, sợ nóng, phiền khát,tiểu tiện đỏ rít, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Hồng mà Sác là những biểu hiện do Vị Trường nhiệt thịnh. Một chứng là Vị hàn, Hồi trùng không chịu được cái lạnh ở trong Vị Trường, ngoi lên miệng mà ra, đặc điểm chứng trạng là biểu hiện Vị Trường hàn thịnh như mửa ra giun đũa lại kiêm các chứng thích ấm ghét lạnh, không chịu được các thức ăn hàn lương sống lạnh, đau bụng ưa xoa bóp, chân tay không ấm, đại tiện lỏng loãng, lưỡi nhạt, mạch Trì.
Thổ hồi do Vị nhiệt, điều trị nên Thanh Vị tả hoả, hoả thanh thì giun tự yên, dùng phương Trửu tân ẩm, Thổ hồi do Vị hàn, điều trị nên ôn Vị tán hàn, Vị được âm thì giun tự yên, dùng phương Lý trung thang chiêu với Ô mai hoàn.
- Chứng Thổ hồi do hàn nhiệt lẫn lộn: Chứng này phần nhiều do trong bụng có hồi trùng ký sinh, lại do ngoại cảm dùng thuốc hạ nhầm hoặc ăn quá nhiều đồ hàn lương đến nỗi hàn nhiệt lẫn lộn ở Vị Trường. Hồi bị khuấy động ngoi lên miệng mà ra. Đặc điểm chứng trạng là ăn vào thì mửa, có lúc phiền, và thượng nhiệt hạ hàn như miệng khô miệng đắng hoặc đau bụng, buồn nôn muốn mửa kiêm chứng đại tiện lỏng chân tay lạnh; hoặc thượng hàn hạ nhiệt như ố hàn ẩu thổ buồn nôn, rêu lưỡi trắng, kiêm các chứng bụng trướng đầy táo bón, tiểu tiện đỏ rít .v.v… đó là những chứng trạng do hàn nhiệt lẫn lộn. Điều trị nên khư hàn thanh nhiệt, an Vị chế Vưu chọn dùng phương Ô mai hoàn gia giảm.
Trích dẫn y văn
Chứng Vưu quyết nên mửa ra giun, bây giờ người bệnh yên tĩnh lại có lúc phiền, đó là tạng có hàn, giun ở phía trên vào Cách cho nên phiền. Thoáng chốc lại hết, ăn vào thì mửa, lại phiền, đó là vì giun ngửi thấy mùi đồ ăn mà bò ra, nên người bệnh tự mửa ra giun (Kim quỹ yếu lược – Phu quyết thủ chỉ tý thũng chuyển cân âm hồ sán Vưu trùng bệnh mạch chứng trị).
Thổ Vưu là do lạnh trong Vị, Vưu thấy vị đắng thì nằm yên, thấy vị cay thì ẩn náu, thấy vị chua thì không cắn được (Thẩm thị tôn sinh thư – Âu thổ uế nguyên lưu).