Khái niệm
Sắc lưỡi so với lưỡi bình thường sẫm hơn đỏ nhạt, biểu hiện đỏ tươi hoặc đỏ sẫm gọi là chứng lưỡi đỏ rực.
Lưỡi hồng với lưỡi đỏ rực nói đúng ra là hai loại lưỡi khác nhau, chủ bệnh cũng khác nhau nhất định. Như sách Thiệt giám biện chứng viết: “Sắc đỏ sẫm (tức đỏ rực) là khí huyết nhiệt, sắc đỏ hồng (tức là đỏ tươi) là tạng phủ đều nhiệt”. Nhưng lưỡi đỏ hồng với lưỡi đỏ rực nói chung đều là nhiệt chứng. Hai loại chỉ chia ra mức độ nặng nhẹ mà thôi. Lưỡi đỏ rực là một bước phát triển của lưỡi đỏ hồng. Cơ chế hình thành và ý nghĩa lâm sàng gần giống nhau, vì vậy mục này giới thiệu chung làm một loại.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Lưỡi đỏ rực do dương thịnh thực nhiệt: Phần nhiều gặp ở bệnh Ôn nhiệt trong giai đoạn tà nhiệt quá thịnh, hình thể thịnh mà chính khí chưa suy. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chất lưỡi đỏ rực mầu sắc tươi sáng, phát nhiệt phần nhiều là sốt cao, tâm phiền trằn trọc, thậm chí xuất hiện tinh thần hôn mê nói sảng, ban chẩn nổi lờ mờ, khát nước uống lạnh, mạch Hồng Sác có lực.
- Lưỡi đỏ rực do ăm khuy hư nhiệt: Phần nhiều gặp ở bệnh ôn nhiệt và thời kỳ cuối ở một số bệnh mạn tính, chính khí hư, tà khí suy. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là chất lưỡi đỏ rực, sắc trạch tối sạm, triều nhiệt, mặt đỏ, hồi hộp, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, tinh thần mỏi mệt, mạch Tế Sác.Chứng lưỡi đỏ rực do dương thịnh thực nhiệt:
Nguyên nhân hình thành là tà nhiệt bành trướng, doanh nhiệt tràn lan, nhiệt hun đốt doanh âm, chất lưỡi từ đỏ hồng chuyển sang đỏ hắt báo hiệu xu thế nhiệt dần dần nặng hơn. Chất lưỡi đỏ rực nói chung cho là dấu hiệu nhiệt vào doanh huyết. Sách Biện thiệt chỉ nam viết: “Khi tà nhiệt truyền vào doanh, sắc lưỡi phải đỏ rực. Đỏ rực có nghĩa là đỏ sẫm. Tâm chủ doanh chủ huyết, rêu lưỡi tía khô là tà đã vào doanh huyết”. Yếu điểm biện chứng là lưỡi đỏ rực, mầu sắc hơi tươi tắn hoặc kèm theo đỏ mà có gai, bề mặt lưỡi khô nứt, sắc rêu lưỡi phần nhiều vàng xốp hoặc đèn khô, xu thế nhiệt so với loại âm khuy hư chứng là thịnh hơn, có thể kiêm khát nước, tinh thần hôn mê nói sảng, mạch Hồng Đại có lực… Điều trị nên thanh doanh lương huyết, chọn dùng các phương Thanh doanh thang, Tê giác địa hoàng thang.
Chứng Lưỡi đỏ rực do âm khuy hư nhiệt: Nguyên nhân hình thành là do tà nhiệt quấy rối lâu ngày hun đốt âm dịch hoặc là một số bệnh mạn tính nào đó dằng dai bỏ lỡ cơ hội điều trị đến nỗi âm khuy dịch hao hoặc là vì dùng quá tay thuốc hãn hạ, sai lầm dùng thuốc táo nhiệt dẫn đến tổn hại âm dịch, hư hỏa bốc lên. Những nhân tố nói trên tạo nên phần âm tổn thương mà phản ánh hiện tượng lên lưỡi thấy xuất hiện chất lưỡi đỏ rực. Chứng Lưỡi đỏ rực do dương thịnh thực nhiệt cũng nói lên hiện tượng tổn thương phần âm nhưng nếu phân tích riêng lẻ bệnh tình thì tà nhiệt cang thịnh là mâu thuẫn chủ yếu với loại lưỡi đỏ do âm khuy hư nhiệt thì lấy âm hư là chủ yếu, có chỗ hư thực khác nhau. Lại phân tích theo hiện tượng của lưỡi thì chứng âm khuy hư nhiệt lưỡi đỏ rực phần nhiều tối xạm không tươi nói chung là không có rêu, bề mặt lưỡi khô mà ít tân dịch. Lâm sàng còn có trường hợp có chứng trạng âm hư phát nhiệt như: triều nhiệt về buổi chiều, tuy khát mà không muốn uống, mạch Tế Sác vô lực, có thể qua đó mà chẩn đoán phân biệt, về điều trị nên tuân theo nguyên tắc: “tráng chủ của thủy để chế dương quang”. Nếu nói theo ôn bệnh thì “giữ được một phần âm dịch là giữ được một phần sự sống” chọn dùng các phương ích Vị thang, Gia giảm Phục mạch thang. Nếu chất lưỡi đỏ rực, bề mặt lưỡi sáng trơn như gan lợn, khô quắt hoặc khô mềm phần nhiều nói lên âm dịch của Vị và Thận sắp kiệt hết, như sách Biện thiệt chỉ nam viết: “Lưỡi tuy đỏ rực mà không tươi, khô khan teo quắt là Thận âm đã cạn”. “Nếu lưỡi đỏ rực mà sáng bóng là Vị âm vong” cần mau chóng dùng thuốc bổ âm liều cao, nếu không thì tiên lượng rất xấu.
Những điều giới thiệu ở trên là bệnh chứng chẩn đoán phân biệt toàn thể cái lưỡi đều có mầu sắc đỏ rực, trên lâm sàng có khi vì mầu sắc đỏ rực xuất hiện ở lưỡi có bộ vị khác nhau, chủ bệnh cũng không giống nhau cũng nên chẩn đoán phân biệt. Như chỉ có riêng đầu lưỡi đỏ rực đó là Tâm hỏa thịnh. Diệp Thiên Sĩ chủ trương “dùng Đạo xích tán để tả phủ”, ven lưỡi đỏ rực là Can nhiệt có thể chọn dùng Tư Thanh hoàn để thanh tả Can hỏa. Gốc lưỡi đỏ rực là Thận hỏa nên dùng Tri bá địa hoàng hoàn để tư Thận thanh hỏa. Lưỡi đỏ rực mà ở giữa lưỡi khô là Vị hỏa làm thương tân dịch như Diệp Thiên Sĩ viết trong Ngoại cảm ôn nhiệt thiên: “Sắc lưỡi đỏ rực mà giữa lưỡi lại khô đó là Tâm Vị hỏa hun đốt làm khánh kiệt tân dịch, những vị thuốc như Hoàng liên, Thạch cao cũng có thể cho uống”. Lưỡi đỏ rực mà có những nốt hồng to, đó là nhiệt độc lấn Tâm có thể chọn dùng Hoàng liên giải độc thang để tả hỏa giải độc.
Trích dẫn y văn
Đỏ rực đơn thuần, sắc tươi tắn đó là Bao lạc mắc bệnh nên dùng Tê giác, Sinh địa tươi, Liên kiều, uất kim Thạch xương bồ (Ôn nhiệt kinh vĩ – Diệp Hương Nham ngoại cảm ôn nhiệt thiên).
Lưỡi đỏ rực mà có rêu trắng là ăn uống bị trúng phong hàn hoặc do nhiệt tích mà uống lạnh, rêu trắng mà dầy là bên trong có túc thực. Trúng phong hàn thì dùng Cát căn thang, thích uống lạnh thì dùng Trúc diệp, Thạch cao gia Nhị trần thang. Lưỡi đỏ rực có rêu đầy nhớt và khô, rêu trắng là biểu lý hợp tà, rêu vàng là tà nhiệt nội kết. Hợp tà thì dùng Hoàng liên thang, nội kết thì dùng Giải độc thang gia Đại hoàng, Tần Phác. Lưỡi đỏ rực mà có rêu đen sạm hoặc là rêu nhớt, tuy có chứng tự lợi mạch sắc cũng nên dùng thuốc lạ lấy đại tiểu tiện được làm chuẩn. Nếu rêu khô ráo nên công hạ và lương huyết, còn trường hợp có nếp nhăn nứt và nổi gai là rất khó chữa, tuy dùng thuốc cực mát để công hạ cũng khó mà cứu sống (Thiệt thai thống chí).