Nội dung
Tên khoa học:
Nelumbo nucifera
Tên khác: Liên diệp
Nguồn gốc:
Đây là lá sen khô thuộc loài thực vật họ thụy liên. Khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam đều có sản xuất.
Phân biệt tính chất, đặc điểm:
Lá sen có hình nửa vòng tròn hoặc hình quạt, xoè hết ra sẽ có hình cái mộc. Riềm ngoài tròn hoặc hơi có dạng hình sóng, bề mặt bên trên màu xanh sẫm hoặc màu vàng lục, hơi xù xì, có tới 21 – 22 mạch thô từ trung tâm bắn toả ra xung quanh. Chính giữa có cuống lá nổi gồ lên. Chất giòn, dễ bóp nát. Hơi có mùi thơm mát, vị hơi đắng. Loại nào thật khô, lá to, màu xanh, không đốm không rách nát là loại tốt.
Dược lý hiện đại:
Về hóa học, lá sen chứa 0,2 – 0,3% tanin, 0,77 – 0,84% alcaloid, trong đó có nuciferin (chủ yếu), nor – nuciferin, roemerin, pro – nuciferin, vitamin C, các acid citric, tartric, succinic. Ngoài ra, còn có quercetin, isoquercitrin, nelumbosid, leucocyanidin, leuco – delphinidin. Tỷ lệ hoạt chất có trong lá sen bánh tẻ cao hơn lá non và lá già.
Về dược lý, lá sen đã được nghiên cứu chứng minh có tác dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim. Tác dụng an thần của lá sen mạnh hơn tâm sen. Nuciferin chiết từ lá sen có tác dụng kéo dài giấc ngủ. Thuốc senin chứa alcaloid lá sen được áp dụng trên 36 bệnh nhân ngoại tâm thu thất cơ năng với tim không có tổn thương thực thể, đạt hiệu quả tốt với tỷ lệ 75%, thuốc không gây tác dụng phụ. Thuốc leonuxin bào chế từ lá sen và ích mẫu cũng được điều trị cho các bệnh nhân ngoại tâm thu thất với kết quả tốt 64%, trung bình 21%, không kết quả 15%.
Tính vị và công hiệu:
Lá sen tính mát, vị cay, lợi về các kinh can, tỳ, vị. Có công hiệu, giúp sức cho tì, vị, nâng cao trung khí, hạ nhiệt, làm tan những ứ tụ và cầm máu. Phù hợp với những người nôn ra máu, đổ máu cam, đái ra máu, miệng khát, lòng buồn bực, phù thũng, máu tụ, bụng đau, kiết lị ra máu, băng huyết, giảm béo v.v…
Những cấm kỵ khi dùng thuốc:
Vị thuốc này có công dụng thăng tán tiêu hao, người hư nhược kiêng dùng. Người nào thượng tiêu tà thịnh, ưa thanh giáng, cũng không được dùng.
Bảo quản:
Để nơi khô ráo, thoáng gió.
Các bài thuốc thường dùng:
Giải thử thang (thang thuốc giải nhiệt)
Lá sen 30g, hãm nước sôi, lọc lấy nước, pha thêm 20g đường trắng, 3g muối, uống thay trà, dùng để giải nhiệt.
Hà diệp tán (bột lá sen)
Lá sen vừa phải, nghiền bột mịn. Uống ngày 2 lần sớm, tối với nước sôi, mỗi lần 3g. Chữa di tinh.
Phúc phương hà diệp ẩm (lá sen sắc kép)
Đảng sâm 6g – Pháp bán hạ 10g
Tuyền phúc hoa 10g – Thiên ma 6g
Lá sen 10g – Trần bì 6g
Thạch quyết minh 10g
Sắc hai nước, trộn lẫn, uống ngày 1 thang chia 2 lần sớm, tối.
Dùng cho người cao huyết áp, mắt hoa tai ù, mơ nhiều, mất ngủ.
Hà diệp chúc (cháo lá sen)
Lá sen 10g – Gạo lức 60g
Sắc lá sen làm thang, cho gạo lức vào nấu cháo, cháo được đánh thêm ít đường phèn cho ngọt, chia 2 lần sớm, tối.
Dùng để tiêu phủ, giảm mỡ, giải nhiệt khoan trung, tăng nước bọt, giảm khát, giảm béo.
Giảm phì trà (trà giảm béo)
Lá sen 60g – Hạt ý dĩ 10g
Sơn tra tươi 10g – vỏ quất 5g
Nghiền chung thành bột, bỏ vào phích, rót nước sôi vào hãm, uống thay trà ngày 1 thang, uống liền 100 ngày.
Dùng để lí khí, hành thuỷ, giảm béo.
Kiện tỳ ẩm (thuốc bổ tỳ)
Vỏ quất 10g – Mạch nha tươi 15g
Lá sen 15g – Sơn tra sao 3g
Vỏ quất, lá sen thái sợi, cho nước vào sắc chung với mạch nha, sơn tra 30phút, lọc lấy nước pha với đường trắng, uống nóng ngày 1 thang.
Dùng để bổ tỳ, tiêu ứ, giảm mỡ, giảm béo.
Thanh khao hà diệp thang (thang thuốc thanh khao lá sen)
Lá sen 5g – Hoàng liên 2g
Thanh khao 6g – Lá tre 5g
Mộc thông 3g – Đan bì 6g
Liên kiều 5g – Hoàng cầm 3g
Tiêu sơn chi 6g – Rễ cỏ tranh 10g
Sắc uống ngày 1 thang. Dùng cho người bị đổ máu cam, lượng nhiều, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mũi khô, miệng khô, miệng hôi, ỉa táo, đái dắt.
Hà diệp ẩm (trà lá sen)
Lá sen 10g – Ngân hoa 6g
Hãm nước sôi uống thay trà. Phòng cảm nắng. Có thể dùng làm nước giải khát thanh nhiệt uống trong mùa hè.
Chỉ huân thang (thuốc váng đầu)
Hạch đào nhân 6g – Lá sen 10g
Đỗ trọng tươi 9g
Hạch đào nhân sao vàng giã nát, sắc chung với lá sen, đỗ trọng, bỏ bã, lấy nước uống.
Dùng cho người đầu váng mắt hoa, tai ù, tai điếc.