CỎ BẠC ĐẦU


Tên khác: Bạc đầu rừng, Cỏ li len.
Tên khoa học: Kyllinga nemoralis (J.R.Forst. & G.Forst.) Dandy ex Hutch. & Dalziel; thuộc họ Cói (Cyperaceae).
Tên đồng nghĩa: Thryocephalon nemorale Forst. & Forst.f.; Kyllinga monocephala Rottb.; Cyperus kyllinga Endl.
Mô tả: Cỏ hầu như nhẵn, có thân rễ mọc bò, thân cao 5-30cm. Lá thường ngắn hơn thân. Cụm hoa thành đầu, gần hình cầu, đường kính 8-12mm, có lá bắc dạng lá trải ra. Quả bế hình trái xoan ngược, dẹp, trắng vàng, hơi có chấm.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Kyllingae Nemoralis).
Phân bố sinh thái: Loài cỏ nhiệt đới, phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Campuchia, Xri Lanca, Indonesia, Úc, Châu Phi, Châu Mỹ. Ở nước ta, cây mọc ở Lào Cai, Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Lâm Ðồng, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, thường gặp ở vệ đường, trên các bãi hoang trong vườn.
Thu hái: Có thể thu hái toàn cây quanh năm. Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Tính vị, tác dụng: Tất cả các bộ phận của cây đều hơi có mùi thơm, nhưng thơm nhất là rễ. Cỏ bạc đầu có vị cay, tính bình, có tác dụng khu phong, giải biểu tiêu thũng, chỉ thống.
Công dụng: Ðược dùng trị 1. Cảm mạo, uống làm cho ra mồ hôi. 2. Ho gà, viêm phế quản, viêm họng sưng đau. 3. Sốt rét, lỵ trực tràng, ỉa chảy; 4. Ðòn ngã tổn thương. Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, ngứa lở ngoài da, sâu quảng.
Liều dùng: Ngày dùng 10-30g hay hơn, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài giã nát

cây tươi đắp tại chỗ hoặc đun nước để rửa chỗ đau. Còn làm thức ăn gia súc.

Bài thuốc trị sốt rét: Cỏ bạc đầu 60g sắc uống. Uống 4 giờ trước khi có triệu chứng sốt.

0/50 ratings
Bình luận đóng