PGS. TS Dương Tấn Nhựt – phó Viện trưởng Viện sinh học Tây Nguyên cho biết, sâm Ngọc Linh được Viện nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô đang phát triển rất tốt cả ở phòng thí nghiệm và trồng ngoài tự nhiên

Viện Sinh học Tây Nguyên (Lâm Đồng) vừa thông báo đã nhân giống thành công loài sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) bằng phương pháp nuôi cấy mô. 3 mẫu sâm của cây trồng 17 tháng tuổi từ cây sâm nuôi cấy mô đã được phân tích và xác nhận có 3 hợp chất saponin chủ yếu, là hoạt chất có tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể như trong sâm Ngọc Linh tự nhiên.


Nhân giống thành công sâm vô tính sẽ mở ra triển vọng cho việc trồng và phát triển cây sâm chất lượng cao ở Việt Nam

Những cây sâm nhân giống bằng nuôi cấy mô hiện không chỉ sống được ngoài điều kiện tự nhiên với tỷ lệ trên dưới 85% mà sau 8 tháng trồng đã có 35% cây sâm hình thành củ. Kết quả này cho thấy quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô vượt xa nhiều so với cây sâm Ngọc Linh trồng bằng hạt.
Điều đáng nói là sâm Ngọc Linh vốn là loài sâm quý của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao, hiện đang bị khai thác cạn kiệt nên nguồn cung hạn chế, chủ yếu chỉ được trồng tập trung ở vùng núi Ngọc Linh. Vì thế, thành công từ việc nhân giống sâm bằng nuôi cấy mô sẽ góp phần giải quyết ít nhiều những bất cập nêu trên.
Công tác nhân giống sâm Ngọc Linh được Viện sinh học Tây Nguyên triển khai từ năm 2003, đây cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước bắt tay vào việc nghiên cứu nhân giống loại sâm đặc biệt quý hiếm này bằng phương pháp vô tính.


PGS. TS Dương Tấn Nhựt kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô tại phòng thí nghiệm của Viện sinh học Tây Nguyên.

Đến nay, Viện sinh học Tây Nguyên đã đưa sâm Ngọc Linh lên Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng thử nghiệm tại 3 địa điểm tại vùng rừng núi Đắk Tô- Tu Mơ Rông. Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ cây sống chiếm tới 90%, sâm Ngọc Linh thích nghi và phát triển mạnh ở những nơi gần suối; dưới tán rừng nguyên sinh; độ cao lý tưởng cho sâm sinh trường và phát triển là 1.800m so với mặt nước biển.
Sâm Ngọc Linh được nhân giống bằng phương pháp vô tính từ 1,5 đến 3 năm tuổi được Viện đưa lên trồng ở Kon Tum đều chứa hàm lượng Saponin cao tương đương với những cây sâm Ngọc Linh mọc ngoài tự nhiên.
Ngoài ra, Viện Sinh học Tây Nguyên cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm 200 cây sâm Ngọc Linh được nhân giống bằng phương pháp vô tính tại một vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra tính thích nghi trên vùng đất mới của loại cây này.


Sâm Ngọc Linh tại vườn ươm của Viện sinh học Tây Nguyên.

Với việc nghiên cứu thành công sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ giúp người trồng chủ động hơn về nguồn giống, chất lượng sâm cao. Trong khi đó, ở phương pháp tự nhiên là nhân giống bằng hạt rất khó khăn do tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt từ 50 – 60%, thậm chí là 20 – 30% và luôn bị côn trùng ăn mất hạt sâm trước khi con người kịp thu hái.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM, thành công này mang tầm vóc quốc tế vì chưa có một nghiên cứu nào thành công ở trong và ngoài nước về nhân giống sâm bằng nuôi cấy mô. Tuy nhiên, PGS.TS Luận cũng nhấn mạnh, đây mới chỉ là thành công bước đầu bởi sâm Ngọc Linh là cây đa niên, muốn thu hoạch cần ít nhất 5 năm trở lên, trong khi đó, kết quả phân tích mẫu sâm nuôi cấy mô vừa nêu dựa trên những cây 17 tháng tuổi. Do đó, vẫn

cần thêm thời gian để đánh giá sự phát triển sinh khối và tích lũy hoạt chất của loài sâm này.

Viện Sinh học Tây Nguyên cũng cho biết, hiện đang có rất nhiều công ty, cá nhân gọi điện tới đặt mua sâm được Viện nhân giống bằng phương pháp vô tính.
(nguồn tổng hợp: internet)

0/50 ratings
Bình luận đóng