Bước vào thế kỉ 21, bệnh đái tháo đường thực sự đã đe doạ đến cuộc sống của mỗi người chúng ta, đến cả cộng đồng. Vì thế việc phối hợp giữa các quốc gia, đoàn kết cả cộng đồng trong “cuộc chiến” chống lại “căn bệnh thế kỉ” này là một tất yếu. Tuyên bố Tây Thái Bình Dương về đái tháo đường và kế hoạch hành động phòng chống bệnh đái tháo đường, là một sáng kiến của IDF/WPR và WHO/WPRO, hình thành một liên minh chiến lược để xây dựng một phong trào trong khu vực nhằm khuyến khích và ủng hộ tất cả các quốc gia liên kết lại để đối phó với bệnh đái tháo đường.
Khái niệm Tuyên bố Tây Thái Bình Dương về bệnh đái tháo đường ban đầu được New Zealand, một hội thành viên của IDF/WPR, nêu lên và được chính thức xem xét tại Singapore trong hội nghị Đại hội đồng Khu vực IDF/WPR năm 1998. Được thôi thúc bởi lời kêu gọi của Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 1989 kêu gọi tất cả các nước triển khai các chương trình quốc gia về phòng chống bệnh đái tháo đường. Được khích lệ bởi sự thành công của Tuyên bố St. Vincent châu Âu (1989) và tuyên bố châu Mỹ (1996). Tuyên bố Tây Thái Bình Dương về “Đái tháo đường và kế hoạch hành động” trở thành hiện thực. Ngày 2-4 tháng 6 năm 2000 tại Kuala Lumpur – Malaysia, một hội nghị liên tịch WHO/WPRO/IDF/WPR được tổ chức với sự cộng tác của SPC. Hội nghị này, với sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau, các đối tác tiềm năng và các cơ quan quản lý tài chính chủ chốt trong và ngoài khu vực đã ủng hộ Tuyên bố và Kế hoạch hành động.
Tuy một số quốc gia trong khu vực đã đạt được những tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là trong lĩnh vực dự phòng, tổ chức mạng lưới quốc gia thực hiện dự phòng cấp 1, sự tiếp cận chăm sóc có tính công bằng và hoạt động lồng ghép chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường với các bệnh không lây khác. Thành công của Tuyên bố Tây Thái Bình Dương về đái tháo đường và Kế hoạch hành động tuỳ thuộc vào thiện chí của tất cả các nước, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực, các đoàn thể đối tác, các cộng đồng và các cơ quan quản lý tài chính; kể cả những cá nhân tự nguyện cống hiến tâm trí và các nguồn lực cho sự nghiệp này.
Để thiết thực đáp lại “Lời kêu gọi hành động” đã nêu trong Tuyên bố Tây Thái Bình Dương về phòng chống bệnh đái tháo đường, mỗi quốc gia đều cần phải suy xét đánh giá một cách cơ bản lại hiện trạng bao gồm:
- Xem xét ở cấp độ Chính phủ về nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện tại ở mức quốc gia. Làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu này trong nước? Có sẵn sàng tập trung và lồng ghép các dịch vụ y tế để thoả mãn các nhu cầu đã được xác định hay không?
- Xác định các hoạt động liên ngành do Chính phủ chỉ đạo để khuyến khích một lối sống lành mạnh, hợp lý và khoa học có tác dụng phòng chống lại các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường.
- Tạo ra mối liên kết chắc chắn giữa người mắc bệnh đái tháo đường và các tổ chức nghề nghiệp. Động viên thành lập Hội người đái tháo đường ở tầm quốc gia, đẩy mạnh sự hoạt động của tổ chức này, nhằm tạo ra một nhận thức xã hội về bệnh đái tháo đường, xác định sự ưu tiên của cả xã hội cho đái tháo đường như là một vấn đề sức khoẻ cá nhân và cộng đồng.
- Liên kết Hội đái tháo đường quốc gia và khu vực.
- Thiết lập các cơ chế thuận tiện để khích lệ, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận các thông tin, kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc lâm sàng, tổ chức các hội thảo khoa học về chăm sóc người bệnh đái tháo đường.
Cơ sở khoa học để tiến hành các biện pháp phòng chống bệnh đái tháo đường
Những thử nghiệm lâm sàng chứng minh đái tháo đường typ 2 là có thể phòng ngừa
Những nghiên cứu về dịch tễ học và những tiến bộ trong hiểu biết về bệnh căn của bệnh đái tháo đường typ 2 ngày nay đã chứng minh bệnh có thể ngăn ngừa được, khi can thiệp vào các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là sự thay đổi lối sống đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Những can thiệp dự phòng cấp 1 được tập trung vào nhóm người có yếu tố nguy cơ, đặc biệt nhóm được xem là “tiền đái tháo đường”. Đó là những người được chẩn đoán là, có rối loạn dung nạp glucose – IGT, hoặc suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói- IFG. Tỷ lệ IGT vào khoảng từ 3% đến 10% ở các quốc gia châu Âu, từ 11% đến 20% các quốc gia châu Mỹ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngay ở những giai đoạn này các tổn thương mạch máu nhỏ đã giống như của người mắc bệnh đái tháo đường typ 2.
- Những nghiên cứu sớm
Nghiên cứu Malmihus – Sweden, với sự tham gia của 267 nam giới. Nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ đái tháo đường typ 2 và rối loạn dung nạp glucose khi có sự can thiệp. Nghiên cứu này so sánh 267 nam giới được hướng dẫn chế độ ăn và luyện tập so với nhóm chứng không có sự hướng dẫn, quản lý của thầy thuốc về chế độ ăn uống, luyện tập. Sau 5 năm ở nhóm nghiên cứu tỷ lệ các yếu tố nguy cơ dẫn tới đái tháo đường typ 2 giảm 59%. Từ sau nghiên cứu này (công bố kết quả vào năm 1980) người ta có cơ sở để tiến hành các nghiên cứu lớn hơn, công phu hơn cho người đái tháo đường typ 2.
- Những thử nghiệm về lối sống trong giai đoạn hiện tại
Nghiên cứu DaQing (1997)
Là một nghiên cứu lớn, các đối tượng nghiên cứu được chẩn đoán sàng lọc bằng nghiệm pháp dung nạp glucose; sau đó được chia ra 4 nhóm lớn với những nội dung tiến hành khác nhau:
- Nhóm thực hiện chế độ ăn đơn thuần.
- Nhóm thực hiện chế độ luyện tập đơn thuần.
- Nhóm kết hợp chế độ ăn và luyện tập.
- Nhóm chứng: Ăn uống tự nhiên, luyện tập hay không là tuỳ mỗi cá nhân.
Kết quả sau 6 năm, tỷ lệ mắc bệnh ở các nhóm là:
+ Nhóm có can thiệp (hoặc bằng chế độ ăn/ chế độ luyện tập, hoặc có phối hợp), tỷ lệ đái tháo đường typ 2 từ 41-46%.
+ Nhóm chứng (không can thiệp) tỷ lệ đái tháo đường typ 2 là 68%. Trong nghiên cứu này có 577 người thuộc dạng không béo.
Người ta cũng thấy tỷ lệ từ IGT tiến triển đến đái tháo đường typ 2 vào khoảng 10%/năm ở nhóm can thiệp, còn nhóm chứng vào khoảng 40%/năm.
Nghiên cứu phòng chống đái tháo đường ở Phần Lan (2001)-DPS:
Với 523 đối tượng được xác định là có rối loạn dung nạp glucose (IGT), BMI trên 25. Nghiên cứu được tiến hành ở 5 trung tâm từ năm 1993 đến 1998. Đối tượng được quản lý nghiêm ngặt bởi các chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia về giáo dục chế độ luyện tập. Mục đích của nghiên cứu là:
- Giảm tối thiểu 5% cân nặng.
- Lượng mỡ được tiếp nhận vào cơ thể < 30%.
- Lượng mỡ bão hoà được tiếp nhận < 10%.
- Lượng chất xơ được tiếp nhận > 15g/1000 calo.
- Luyện tập trung bình trên 30 phút/ngày.
Kết quả: ở nhóm nghiên cứu, thời gian nghiên cứu trung bình là 3,2 năm, nếu duy trì được mức cân nặng giảm đi 4,7% – so với nhóm chứng, các yếu tố nguy cơ tiến tới đái tháo đường typ 2 giảm 58%, tỷ lệ tiến tới đái tháo đường giảm từ 23% xuống còn 11%(p< 0,001). Tuy nhiên có tối 1/3 số người không vượt được một tiêu chuẩn, cũng như không có ai đáp ứng đủ 5 tiêu chí đã đề ra ở trên.
Với kết quả nghiên cứu này, một lần nữa thêm một chứng cứ khoa học để khẳng định việc thay đổi lối sống là cần thiết và có giá trị phòng bệnh lớn hơn là người ta vẫn nghĩ. Mặt khác nghiên cứu cũng cho thấy những khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng chỉ có thể được khắc phục nếu làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho mọi người trong cộng đồng hiểu rõ và tự giác làm theo.
Chương trình Phòng chống đái tháo đường ở Mỹ (DPP: Diabetes Prevention Program) (2002):
Chương trình được thực hiện ở nhiều trung tâm trên toàn nước Mỹ. Nghiên cứu thu hút 3234 người tham dự, tập trung vào nhóm người có nguy cơ cao dẫn đến đái tháo đường; như có rối loạn dung nạp glucose, có mức glucose máu lúc đói tăng nhẹ so với mức bình thường. Các đối tượng tham gia có IGT và lượng FPG trong giới hạn từ 5,3 – 7 mmol/l (tương ứng từ 95 đến 125 mg/dl), tuổi trung bình là 51,0; có chỉ số BMI 34,0; tỷ lệ nữ là 68%. Người ta chia ra và so sánh tính hiệu quả, an toàn của các nhóm nghiên cứu sau:
- Nhóm chỉ can thiệp tích cực vào lối sống.
- Nhóm được giới thiệu một chuẩn mực về lối sống, kết hợp với thuốc dự phòng là Metíbrmin.
- Nhóm chứng (Placebo).
Nhóm nghiên cứu được tiến hành các phương pháp giáo dục đặc biệt, luyện tập là 150 phút/ngày; mục đích phấn đấu giảm cân nặng là 7%.
Kết quả: Nếu chỉ can thiệp bằng thay đổi lối sống, các yếu tố nguy cơ dẫn tới đái tháo đường typ 2 giảm được 58%. Còn nếu kết hợp thêm với Metformin, số các yếu tố nguy cơ dẫn tới đái tháo đường typ 2 giảm xuống chỉ còn 31%(giảm 69%).
Các nghiên cứu trên đều là cơ sở khoa học đáng tin cậy để khẳng định một kết luận là “Can thiệp để thay đổi lối sống phải trở thành một biện pháp quan trọng, thường xuyên trong dự phòng diễn biến và tiến triển bệnh đái tháo đường”.
Nghiên cứu STOP-NDDM:
Là một nghiên cứu quốc tế, đa trung tâm, theo phương pháp ngẫu nhiên lựa chọn ra 1429 đối tượng. Nghiên cứu kéo dài 3,3 năm. Kết quả nhóm sử dụng acarbose phòng bệnh có 25% giảm các yếu tố nguy cơ tiến tới bệnh đái tháo đường. Nhóm này cũng giảm tăng huyết áp, giảm nguy cơ bệnh lý mạch vành, tuy với tỷ lệ thấp.
Nghiên cứu WENYING:
Nghiên cứu phòng bệnh đái tháo đường tại Trung Quốc. Các đối tượng đều có IGT, có BMI trên 25, đều được lựa chọn ngẫu nhiên, được chia ra các nhóm, nhóm thực hiện chế độ ăn và luyện tập, nhóm sử dụng metformin 250 mg ba lần trong ngày, nhóm sử dụng acarbose 50mg 3 lần/ngày. Sau 3 năm thấy:
- Nhóm chứng có 11,6% bị đái tháo đường.
- Nhóm dùng chế độ ăn và luyện tập có 8,2% mắc đái tháo đường, giảm 43% yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
- Nhóm dùng metformin có 4,1% bị đái tháo đường, giảm 87,0% yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
- Nhóm dùng acarbose 2,0% bị đái tháo đường, giảm 88,0% yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Nghiên cứu TRIPOD:
Nghiên cứu tiến hành ở 250 phụ nữ gốc Bồ Đào Nha, có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, 70% trong số họ có IGT. Đôi tượng được dùng glitazon để phòng bệnh hoặc dùng placebo. Sau 31 tháng theo dõi thấy
khả năng tiến tới đái tháo đường typ 2 ở những người dùng glitazon sau 8,5 tháng giảm đi 56%.
Nghiên cứu DREAM (Diabetes Reduction Assessment with ramipril and rosiglitazone Medication):
Nghiên cứu kéo dài 5 năm với 5.269 người tham gia, từ 21 quốc gia. Đối tượng tham gia là những người có rối loạn dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói (prediabetes). Mục đích của nghiên cứu là đánh giá tác dụng của ramipiril và rosiglitazone khi được phối hợp với chế độ ăn, chế độ luyện tập sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiến triển của bệnh đái tháo đường typ 2 như thế nào?
Kết quả, rosiglitazone làm giảm nguy cơ tiến tới đái tháo đường lâm sàng là 62% so với placebo.
Đế tiện so sánh chúng tôi giới thiệu kết quả của một số nghiên cứu dự phòng cấp 1 đã được tiến hành:
Nghiên cứu | n | Thời gian | Thiết kế nghiên cứu | RR % |
DREAM | 5.269 | 5 năm | Rosiglitazon & Placebo | ↓ 62 |
Ramipiril & Place | ↓ 9 | |||
Finish DPS | 522 | 3,2 năm | Can thiệp vào lối sống | ↓ 58 |
DaQing | 530 | 6,0 năm | Can thiệp vào lối sống | ↓ 38 |
DPP | 3.234 | 2,8 năm | Can thiệp lối sống | ↓ 58 |
Metformin & placebo. | ↓ 31 | |||
Troglitazon* & placebo | ↓ 19 | |||
IDPP | – | Mettormin + can thiệp lối sống | ↓ 31 | |
Mettormin | ↓ 19 | |||
XENDOS | 3.305 | 4,0 năm | Orlistat + lối sống & Placebo | ↓ 37 |
STOP-NIDDM | 1.429 | 3,3 năm | Acarbo & Placebo | ↓ 25 |
TRIPOD | 266 | 30 tháng | Troglitazone (sau đái tháo đường thai kỳ) | ↓ 50 |
*Troglitazon ngày nay đã bị cấm sử dụng
Thành công của phòng chống đái tháo đường typ 2 – Sự thành công của can thiệp đa yếu tố
ở người đái tháo đường typ 2, yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch tăng gấp từ 2 đến 6 lần so với người không bị đái tháo đường. Các nghiên cứu theo chiều dọc cũng thấy rằng người đái tháo đường bị mắc bệnh tim mạch thời gian sống cũng bị giảm đi trung bình 5-10 năm. Một người đái tháo đường bị bệnh tim mạch nặng trung bình chỉ sống thêm được 5 năm. Vì vậy trong vài năm gần đây, người ta đã tìm mọi khả năng có thể, để ngăn ngừa loại bệnh lý này. Khoảng 10 năm trở lại đây các nghiên cứu bệnh tim mạch trong đái tháo đường đã tìm ra một loạt các yếu tố nguy cơ. Đó là những yếu tố mà khi can thiệp để loại trừ chúng sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp.
Các yếu tố đó là:
- Tăng glucose máu (hyperglycemia).
- Tăng huyết áp (hypertension).
- Rối loạn mỡ trong máu (dyslipidaemia).
- Hút thuốc lá.
Từ những hiểu biết này; một chiến lược phòng chống mới đã ra đời và được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Kết quả của những nghiên cứu này cho phép ta có thể đi tới kết luận chắc chắn rằng, chiến lược quản lý bệnh bằng cách phối hợp tích cực nhiều biện pháp đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn biện pháp truyền thông.
Nghiên cứu Steno-2:
Nhằm đánh giá kết quả của biện pháp thay đổi hành vi và dùng thuốc thích hợp trong một giai đoạn định trước. Nghiên cứu được thực hiện trên 160 người bệnh đái tháo đường typ 2, tuổi trung bình là 55; được chia ra 2 nhóm:
- Nhóm chứng thực hiện biện pháp quản lý truyền thông, tức là chỉ quan tâm đến kết quả quản lý glucose máu. Nhóm này được điều trị theo phương pháp kinh điên.
- Nhóm can thiệp áp dụng chiến lược can thiệp tăng cường, can thiệp đa yếu tố. Can thiệp kéo dài trong 7 năm 8 tháng (92 tháng). Người ta đã đánh giá tình trạng các mạch máu lớn (tim, đột quỵ), bệnh lý mạch máu nhỏ (mắt, thận, thần kinh).
Trong nhóm can thiệp, ngoài việc tiếp thu tục thực hiện giáo dục thay đổi lối sống, tăng hoạt động thể lực, các thuốc điều trị ngoài hạ glucose máu còn có các thuốc nhằm vào điều chỉnh các yếu tố nguy cơ;
Kết quả nghiên cứu:
- Bệnh lý mạch máu nhỏ: Sau 4 năm can thiệp, giảm được 50% yếu tố nguy cơ gây bệnh lý mạch máu nhỏ.
- Bệnh lý mạch máu lớn: Sau 7-8 năm can thiệp người ta thu được kết quả như sau:
+ ở nhóm điều trị kinh điển (không can thiệp) tỷ lệ bệnh mạch vành là 44% so với 24% ở nhóm điều trị can thiệp.
+ ở nhóm điều trị can thiệp các yếu tố nguy cơ giảm 50%.
- Biến chứng mạch máu nhỏ: thận, mắt, thần kinh sau 7 đến 8 năm can thiệp, tỷ lệ các bệnh này giảm đi 50% ở nhóm điều trị tích cực.
+ ở nhóm điều trị tích cực có chỉ 01 người bị mù loà.
+ ở nhóm điều trị kinh điều có tới 07 người bị mù.
Những bài học rút ra từ các công trình nghiên cứu
Một thực tế là nếu không được ngăn chặn thành công, bệnh đái tháo đường sẽ gia tăng thành “đại dịch” trong một, hai thập niên tới. Đây là một trong số các nguyên nhân làm cho những hệ thống y tế, cho dù là có nguồn lực tốt nhất, cũng không thể đáp ứng được nhu cầu chi phí khổng lồ cho người bệnh. Chúng ta có những cơ sở lý luận vững chắc để tiến hành can thiệp dự phòng cấp 1 và 2, đó là:
- Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự hiệu quả của các hoạt động làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, tăng hoạt động thể lực, cải thiện chất lượng và sự thích hợp của chế độ ăn trong việc ngăn chặn và làm chậm khởi phát đái tháo đường typ 2.
- Người bị đái tháo đường được chăm sóc với chất lượng cao thích hợp với nhu cầu của họ, nhất là khi họ tự nguyện tuân thủ các khuyến nghị tự chăm sóc, chấp nhận một lôi sống lành mạnh. Họ có thể có cuộc sống trọn vẹn, năng nổ, độc lập với ít biến chứng nhất và có chất lượng sức khoẻ gần như người không mắc bệnh đái tháo đường.
- Đái tháo đường không quá khó chẩn đoán, nếu được quan tâm. Bệnh có những giai đoạn khác nhau trong quá trình tiến triển có thể can thiệp thành công bằng những biện pháp thích hợp; những can thiệp này thường có độ an toàn cao và có hiệu quả. Kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học là những chứng cứ chắc chắn rằng đái tháo đường sẽ thay đổi theo những can thiệp này.
- Những can thiệp này không đòi hỏi công nghệ cao, trang thiết bị đắt tiền; nhưng đòi hỏi yêu cầu đào tạo thoả đáng cho đội ngũ nhân viên y tế đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ ở cả mức độ chuyên sâu và cộng đồng. Mục tiêu lớn nhất của công tác dự phòng đái tháo đường là phải thực hiện thành công trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
- Lợi ích của việc can thiệp là giảm đáng kể nỗi đau của cá nhân người bệnh và giảm các cho phí chăm sóc sức khoẻ trực tiếp và gián tiếp. Điều này không chỉ có ích cho mỗi cá nhân mà cho cả cộng đồng.
Các nghiên cứu lớn có giá trị cải thiện tiên lượng bệnh đái tháo đường
- Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về kiểm soát bệnh và biến chứng đái tháo đường(DCCT – Diabetes Control and Complications Trial,1993) chứng minh rõ ràng ưu thế của phương pháp điều trị tích cực, các biến chứng vi mạch đã giảm một cách có ý nghĩa ở những người bệnh đái tháo đường typ 1. ở người đái tháo đường chưa có biến chứng bệnh lý võng mạc, trị liệu tích cực làm giảm được 65% nguy cơ phát triển biến chứng vi mạch so với liệu pháp thông thường, còn trên người đã có bệnh võng mạc, biến chứng giảm được khoảng 50%.
- Nghiên cứu Kumomotocho thấy một mức giảm tương tự về biến chứng vi mạch với liệu pháp tích cực trên người bệnh đái tháo đường typ 2 ở Nhật Bản (Ohkubo và cộng sự, 1995).
- Nghiên cứu tiến cứu về đái tháo đường của Vương quốc Anh
(UKPDS – United Kingdom Prospective Diabetes Study, 33, 1998), một nghiên cứu ngẫu nhiên trên 5102 người mới được chẩn đoán đái tháo đường typ 2, chứng minh biến chứng vi mạch giảm được 25% nhờ điều trị tích cực so với điều trị thông thường.
- Giảm mù lòa
Tại hạt Stockholm, Thuỵ Điển, trong thời gian 5 năm đã giảm được một phần ba số trường hợp bị mù loà nhờ chương trình kiểm soát thường quy bệnh mắt do đái tháo đường. Các biện pháp can thiệp kịp thời đã được chỉ định điều trị cho những người được phát hiện có bệnh võng mạc.
- Giảm cắt cụt chi và loét bàn chân
Một số nghiên cứu chứng minh sự thành công của các chương trình khám sàng lọc và giáo dục sức khoẻ, và các phòng khám chuyên khoa bàn chân trong việc giảm tỷ lệ cắt cụt chi và loét bàn chân được 30-65% (Edmonds và cộng sự, 1986; Larson và cộng sự, 1995; Carrington và cộng sự, 1996).
- Phát hiện sớm đái tháo đường typ 2
Người bệnh đái tháo đường typ 2 được phát hiện sớm qua chương trình khám sàng lọc, được can thiệp kịp thời sẽ có ít biến chứng đái tháo đường hơn. Bắt đầu điều trị từ giai đoạn này sẽ đem lại kết quả tốt hơn và ít biến chứng lâu dài hơn.
- Xử trí các yếu tố nguy cơ khác
Nghiên cứu UKPDS và các nghiên cứu khác đều nhấn mạnh tầm quan trọng của điều trị tăng huyết áp đi kèm. Ngoài ra các nghiên cứu điều chỉnh các rối loạn lipid-máu như nghiên cứu 4S và nghiên cứu CARE cũng cho thấy lợi ích của việc điều trị tăng lipid máu trên người bị đái tháo đường. Những vấn đề này đặc biệt quan trọng trong dự phòng biến chứng các mạch máu lớn như đột quỵ và bệnh tim. Thực tế còn cho thấy điều trị các rối loạn về chuyển hóa lipid và tăng huyết áp thường dễ dàng hơn so với điều trị hạ glucose máu cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Trong nhóm can thiệp tích cực, sử dụng chế độ ăn nhiều rau và cá so với nhóm chứng. Các acid béo không bão hoà đa vòng thường có trong cá và dầu cá (như omega-3 và acid alpha-linolenic); còn các vitamin rất dễ tìm thấy trong rau xanh có thể có lợi cho tim mạch. Những yếu tố tưởng như đơn giản trong chế độ ăn và luyện tập đã đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh lý mạch vành.
- Giáo dục người bệnh
Giáo dục luôn là một vấn đề then chốt, là yếu tố đảm bảo quản lý thành công bệnh đái tháo đường. Giáo dục người bệnh, tư vấn về chế độ ăn, chế độ luyện tập, là yếu tố cốt lõi của liệu pháp điều trị tích cực trong nghiên cứu DCCT, những nghiên cứu đầu tiên về giáo dục đái tháo đường, đã chứng minh vai trò của nó trong việc giảm biến chứng cắt cụt chi (Miller và Goldstein, 1972). Có nhiều nghiên cứu sau đó khẳng định vai trò của giáo dục trong việc vận động tự chăm sóc hữu hiệu hơn và giảm số lần nhập viện và thời gian nằm viện liên quan với đái tháo đường.
- Các điểm can thiệp then chốt (bảng 1.7)
Các điểm can thiệp then chốt đối với đái tháo đường đã được xác định trong Chiến lược Quốc gia về đái tháo đường và kế hoạch thực hiện của Australia. Những chiến lược này giành cho các đối tượng:
- Không có đái tháo đường.
- Tiền đái tháo đường.
- Đái tháo đường mới chẩn đoán.
- Đái tháo đường chưa có biến chứng.
- Đái tháo đường có biến chứng.
Tuỳ thuộc mỗi giai đoạn khác nhau của quá trình mắc bệnh, bệnh đái tháo đường có thể can thiệp được bằng chiến lược dự phòng cấp một và/hoặc dự phòng cấp hai. Mỗi giai đoạn cần có những loại hình dịch vụ thích hợp để đáp ứng thoả đáng những yêu cầu đặc biệt của các đặc điểm bệnh lý. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế mỗi quốc gia, mỗi cơ sở điều trị, người thày thuốc phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, để có những thay đổi cho phù hợp.
Ngay cả trường hợp không có đủ một số nguồn lực thì những biện pháp giáo dục, hướng dẫn chung vẫn là một công cụ tốt, là nguyên tắc thực hiện bắt buộc. Các nguyên tắc này có thể được các chuyên gia y tế công cộng và các nhà quản lý hành chính địa phương cải biên cho phù hợp để hình thành các quy định tại chỗ, với các thể thức hoạt động thực tế của cộng đồng.
Để phòng bệnh tốt, điều quan trọng là công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, cho nhân viên y tế, cho người bệnh hiểu về bệnh đái tháo đường, để họ tự giác thực hiện các nguyên tắc phòng chống bệnh. Ngoài ra việc tạo ra các chính sách phù hợp, tổ chức mạng lưới quản lý bệnh từ trung ương đến địa phương để phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời là những yếu tố có tính chất quyết định đến sự thành công của công tác dự phòng.
Bảng 1.7. Các điểm can thiệp then chốt và các hành động cần thiết để kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Đối tượng can thiệp | Hành động – nhiệm vụ then chốt |
Không mắc bệnh đái tháo đường | • Đề phòng các yếu tố nguy cơ xuất hiện trên người khoẻ • Tăng cường ý thức cộng đồng về các yếu tố nguy cơ, ý nghĩa của các yếu tố nguy cơ, và chiến lược giảm nguy cơ |
Tiền đái tháo đường | • Giảm các yếu tố nguy cơ trên quần thể “có nguy cơ” • ủng hộ việc nghiên cứu hướng đến mục đích tìm nguyên nhân và các can thiệp dự phòng |
Đái tháo đường không được chẩn đoán | • Tăng cường ý thức công chúng về triệu chứng, các yếu tố nguy cơ và cần đến đâu để khám sàng lọc bệnh • Thực hiện các chương trình – Phát hiện và khám sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ – Khám sàng lọc ngẫu nhiên người có yếu tố nguy cơ – Khám sàng lọc quần thể để tìm các nhóm nguy cơ cao |