Nhận định chung

Là bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Bệnh do song cầu khuẩn Gram âm có tên là Neisseria gonorrhoeae gây nên.

Những năm gần đây bệnh lậu có xu hướng tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 62 triệu người bệnh lậu trong tổng số 390 triệu người bệnh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, tỷ lệ bệnh ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Biểu hiện chủ yếu ở bộ phận sinh dục, nhưng cũng có thể ở các vị trí khác như họng, hậu môn. Bệnh lậu ở nam thường có triệu chứng, ở nữ thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng.

Bệnh có thể phối hợp với một số tác nhân gây viêm niệu đạo khác trong đó thường gặp nhất là Chlamydia trachomatis, trùng roi, Ureaplasma, Mycoplasma.

Tác nhân gây bệnh

Song cầu khuẩn lậu được Neisser tìm ra năm 1879, có tên khoa học là Neisseria gonorrhoae, có đặc điểm:

Hình hạt cà phê, sắp xếp thành từng cặp.

Bắt màu Gram âm nằm trong bạch cầu đa nhân.

Dài khoảng 1,6Pm, rộng 0,8Pm, khoảng cách giữa hai vi khuẩn 0,1Pm.

Nuôi cấy trên môi trường thạch máu hoặc nước báng phát triển nhanh. Hiện nay thường nuôi cấy trên môi trường Thayer-Martin và làm kháng sinh đồ.

Sức đề kháng yếu: ra khỏi cơ thể chỉ tồn tại một vài giờ.

Cách lây truyền

Hầu hết các trường hợp mắc lậu là do quan hệ tình dục với người bị bệnh qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng. Một số ít trường hợp có thể mắc lậu do dùng chung chậu, khăn hoặc qua quần áo nhiễm lậu cầu khuẩn. Mẹ mắc lậu, nếu không được điều trị có thể gây viêm kết mạc mắt do lậu cho trẻ sơ sinh khi sinh đẻ.

Phác đồ điều trị bệnh lậu (gonorrhea)

Nguyên tắc

Điều trị sớm.

Điều trị đúng phác đồ.

Điều trị cả bạn tình.

Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không làm việc nặng, tránh thức khuya, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.

Điều trị đồng thời Chlamydia.

Điều trị cụ thể

Lậu cấp (lậu không biến chứng)

Cefixim uống 400mg liều duy nhất, hoặc

Ceftriaxon 250mg tiêm liều duy nhất, hoặc

Spectinomycin 2g tiêm bắp liều duy nhất.

Điều trị đồng thời Chlamydia với các thuốc sau:

Azithromycin 1g liều duy nhất, hoặc

Doxycyclin 100mg x 2 lần/ngày x 7 ngày, hoặc

Tetracyclin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc

Erythromycin 500mg x 4 lần/ngày x 7 ngày, hoặc

Clarithromyxin 250mg x 2 lần/ngày x 7 ngày.

Không dùng doxycyclin và tetraxyclin cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ dưới 7 tuổi. Điều trị bạn tình giống như điều trị cho người bệnh.

Lậu mạn (lậu biến chứng)

Có biến chứng sinh dục tiết niệu: ceftriaxon 1g/ngày x 5 – 7 ngày. Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên.

Có biến chứng nhiễm lậu toàn thân, viêm màng não cần cho người bệnh nằm điều trị nội trú. Ceftriaxon 1- 2 g/ngày, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch x 10 – 14 ngày. Phối hợp với điều trị Chlamydia như phác đồ trên.

Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: ceftriaxon 50mg/kg tiêm bắp liều duy nhất, tối đa không quá 125mg. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý. Điều trị lậu cho bố mẹ. Phòng ngừa lậu mắt ở trẻ sơ sinh: rửa sạch mắt trẻ ngay sau khi đẻ. Nhỏ mắt bằng dung dịch nitrat bạc 1%.

0/50 ratings
Bình luận đóng