Tác dụng dược lý lâm sàng, làm tăng hoạt tính của hệ catecholamine ở mạt đoạn thần kinh trước synap, đặc biệt mạnh ở hệ dopaminergic. Các chất giống amphetamine làm tăng hoạt tính cả catecholamin và serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò chủ yếu gây ra ảo giác, cảm giác phiêu diêu, huyền ảo.Ngoài ra, còn có tác dụng làm xuất hiện các ảo giác, có thể gây rối loạn định hướng và các lệch lạc, méo mó về tri giác, cảm giác say đắm, thấy những ánh hào quang rực rỡ. Do vậy còn được gọi là các chất gây ảo giác và các chất ma túy thực sự.
Biểu hiện lâm sàng
- Nhiễm độc cấp Amphetamine:Các triệu chứng trên xuất hiện cấp diễn, có liên quan trực tiếp sau khi sử dụng Amphetamine vài phút đến 3 giờ. Bệnh nhân có cảm giác nhiều năng lượng, hưng phấn quá mức. Triệu chứng khác thường gặp là lo âu, bồn chồn, ảo giác (ảo thị, ảo thanh …), bệnh nhân có hành vi công kích, gây hấn, tấn công người khác, ảo giác, rối loạn ý thức, mê sảng, hôn mê.Có biểu hiện ý tưởng bị theo dõi, bị truy hại. Biểu hiện cơ thể: tăng nhịp tim, tăng huyết áp, đau ngực, tăng thân nhiệt, vã mồ hôi, ớn lạnh, buồn nôn, tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương.
- Trạng thái cai Amphetamine, xuất hiện sau khi ngưng sử dụng Amphetamine một vài ngày. Triệu chứng phổ biến hàng đầu của hội chứng cai là thèm mãnh liệt Amphetamine. Người bệnh mệt mỏi, mất ngủ hay ngủ nhiều, tăng khẩu vị, cảm giác thèm khát, kích thích hoặc ức chế tâm thần vận động, có những giấc mơ đáng sợ. Tình trạng rối loạn cảm xúc, chủ yếu là trầm cảm. Người bệnh khí sắc giảm, bi quan, ý nghĩ tiêu cực, ý tưởng tự sát.
- Rối loạn loạn thần:Phổ biến là hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng liên hệ, ảo thị. Loạn thần liên quan sử dụng Amphetamine cảgiai đoạn ban đầu kích thích, tăng khả năng tập trung, tiếp theo là tiền loạn thần và sau đó tiến triển thành loạn thần thực sự với ảo giác và hoang tưởng liên hệ.Xuất hiện nhiều loại ảo giác (ảo khứu, ảo xúc giác).Bên cạnh đó, rối loạn tư duy, hành vi bạo lực và hành vi tự hủy hoại. Ngoài ra, người bệnh lo âu, hoảng sợ và trầm cảm.
Điều trị rối loạn tâm thần do Amphetamine
- Điều trị nhiễm độc Amphetamine:Tăng thải độc bằng truyền ringerlactat, bù nước và điện giải, cân bằng kiềm toan. Bệnh nhân lo âu: diazepam 5 -4 10mg/lần, uống hoặc tiêm bắp. Nếu kích động, có hoang tưởng, ảo giác cấp diễn: tiêm bắp haloperidol 5 – 10mg/lần, có thể sử dụng 2 lần/ngày. Nếu bệnh nhân có nhiều triệu chứng cơ thể, đặc biệt là rối loạn về tim mạch, biểu hiện nhiễm độc nặng… cần chuyển đến chuyên khoa chống độc, hồi sức tích cực, cấp cứu.
- Điều trị loạn thần do sử dụng Amphetamine:Bệnh nhân kích động, tiêm bắp haloperidol 5 mg/lần, 1 -3 lần/ngày, trong 2-3 ngày đầu; khi bệnh nhân hợp tác điều trị, uống haloperidol 5 mg/lần, 1-3 lần/ngày hoặc risperidol 2 mg/lần, 2-3 lần/ngày hoặc olanzapine 5 mg/lần, 2-3 lần/ngày.
- Điều trị trầm cảm và ý tưởng tự sát do sử dụng Amphetamine, khi bệnh nhân lo âu cấp: diazepam 5 đến 10 mg
tiêm bắp 3 giờ một lần, có thể điều trị bằng propranolol 10-20 mg. Thuốc chống trầm amitriptylin, trazodone, hay fluoxetine (prozac) được chỉ định cùng với an thần kinh nếu bệnh nhân có ý tưởng tự sát mãnh liệt
- Điều trị trạng thái cai Amphetamine,bằng phối hợp nhiều phương pháp điều trị (hóa dược, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, liệu pháp lao động tái thích ứng tại cộng đồng …). Cần thiết lập tốt mối quan hệ điều trị sau cai để giải quyết tốt các rối loạn trầm cảm và nhân cách thường tồn tại rất lâu về sau.