SÂM BỐ CHÍNH
Radix Hibisci sagittifolii
            Dược liệu là rễ củ của cây sâm bố chính – Abelmoschus sagittifolius (Kurz.) Merr. họ Bông – Malvaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
Cây thuộc thảo cao 0,5-1 m, sống nhiều năm, mọc đứng yếu ớt. Thân có lông. Lá mọc so le thường chia thành 5 thùy, thùy giữa dài và nhọn, gân lá hình chân vịt, gân mặt trên gần cuống có màu tía. Lá kèm hình sợi. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, 5 cánh màu hồng, đài phụ
gồm 7-10 bộ phận, đài hoa sớm rụng, Nhiều nhị dính liền nhau thành một ống, bầu có lông, vòi có 5 núm nhụy. Quả hình trứng nhọn, mặt ngoài có lông. Hạt hình thận màu nâu. Sâm bố chính được trồng ở nhiều nơi nước ta, gieo hạt vào tháng 2-3, cây ưa ánh sáng. Cần phân biệt với sâm báo, mọc ở núi Báo (Thanh Hóa) có hoa màu vàng cây nhỏ hơn.
Bộ phận dùng và chế biến
Rễ hình trụ thót dần về phía dưới dài 10-20 cm, đường kính 0,5-2,5 cm. Nhiều khi gặp những củ có phân nhánh và nom giống hình người. Người ta thu hoạch vào tháng 11-12 hoặc 1-2, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi khô hay cạo vỏ, đồ chín rồi làm khô. Vết bẻ có màu trắng, có nhiều bột, không có xơ, vị nhạt, nhầy dính khi tiếp xúc với nước.
Vi phẫu. Lớp bần gồm 2-3 hàng tế bào, lớp bần này không thấy ở rễ đã cạo vỏ. Mô mềm vỏ chứa nhiều hạt tinh bột. Rải rác trong mô mềm có các tinh thể calci oxalat hình cầu gai và các túi chứa chất nhầy. Liber hình nón trong có các đám sợi. Tia ruột gồm 2-3 hàng tế bào loe thành hình phễu về phía liber và chứa nhiều tinh bột. Gỗ chạy vào tận ruột.
Bột. Bột có màu trắng ngà, soi kính hiển vi thấy nhiều hạt tinh bột riêng lẻ, hình cầu hoặc nửa cầu, kích thước 10-30mm có nhiều hạt kép 2-3, có sợi liber rộng khoảng 20mm, các mảnh mạch mạng và mạch chấm, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mô mềm gồm tế bào chứa tinh bột.
Thành phần hóa học
            Chất nhầy khoảng-40%, nhiều tinh bột. Các thành phần khác chưa được nghiên cứu.
Công dụng.

            Ở nước ta nhân dân dùng sâm bố chính để làm thốc bổ, thuốc chữa ho. Ngày dùng 16-20g hoặc có thể đến 40g. Sâm bố chính đã được ghi vào dược điển Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng