Đại cương.
1.1. Khái niệm:
Các bệnh viêm của cơ bao gồm nhiều bệnh với các bản chất khác nhau. Hiện nay người ta phân ra hai loại:
- Bệnh viêm cơ do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, mang các đặc điểm của một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng.
- Bệnh viêm cơ thuộc nhóm bệnh tạo keo, mang bản chất tự miễn, gây nên bởi tổn thương lan rộng của mô cơ vân, đó là bệnh viêm đa cơ.
1.2. Viêm cơ nhiễm khuẩn:
Viêm cơ khu trú ở cơ trong các bệnh nhiễm khuẩn hiếm gặp, thường do các vi khuẩn Staphylocoque, Gonocoque, Pneumocoque… gây nên viêm cơ cấp ít khi gặp viêm cơ mạn tính, thường khu trú tại một số cơ vân như cơ tứ đầu đùi, cơ ngực lớn, cơ delta…
Bệnh thường xuất hiện trong quá trình của một nhiễm khuẩn huyết, hay biểu hiện bề ngoài như là nguyên phát, nhưng thực ra nó có hể phát hiện thấy ổ nhiễm khuẩn ở xa như nhọt, viêm mủ da, chín mé, vết xước hoặc vết cắn…
Viêm cơ cấp được biểu hiện bằng các dấu hiệu toàn thân của một nhiễm khuẩn cấp và các dấu hiệu như đau dữ dội ở một vị trí cơ nào đó, tăng khối lượng của cơ, nề do viêm tổ chức. Sờ thấy khối cơ sưng nóng, không có giới hạn rõ rệt, rắn chắc, ít khi mềm, mõm. Về điều trị chỉ dùng kháng sinh và dẫn lưu ổ mủ, có thể kết hợp lý liệu như điện xung, sóng ngắn, bó nến.
Viêm cơ mạn tính được biểu hiện dưới dạng cơ sưng, không đau, tiến triển chậm, thường khu trú ở thân của cơ. Tuỳ theo độ cứng hay mềm của khối cơ mà có thể nghĩ tới một u ác tính hay một áp xe do lao để chẩn đoán phân biệt. Trong y văn cổ điển thường mô tả viêm cơ do thương hàn, lao, giang mai nhưng ngày nay không còn ý nghĩa nữa.
1.3. Viêm cơ nhiễm ký sinh trùng:
Bệnh giun xoắn là một bệnh ký sinh trùng thường gặp ở các nước châu Âu và châu Phi, hay thấy khu trú ở cơ, có ấu trùng Trichinella spiralis có ở trong mô liên kết của cơ. Các cơ bị nhiễm trùng thường gặp là: cơ hoành, các cơ liên sườn, cơ thanh quản, lưỡi và các cơ vận nhãn. Triệu chứng lâm sàng toàn thân biểu hiện một bệnh nhiễm ký sinh trùng, khu trú ở cơ như đau gây trở ngại co cơ, làm các động tác trở nên khó khăn như nhai, vận động nhãn cầu, thở.
Bệnh ấu trùng sán lợn cũng có thể kèm theo khu trú ở các cơ khác nhau, hay gặp ở các cơ tứ chi, thân mình, đặc biệt là ở lưỡi.
Bệnh sán dây, bệnh Toxoplasma cũng có thể khu trú ở cơ.
1.4. Các bệnh viêm đa cơ và viêm bì cơ:
Thuật ngữ viêm cơ nguyên phát hay viêm đa cơ được xếp trong mục các bệnh viêm nhưng không nhiễm khuẩn, không mưng mủ, khu trú nhiều, lan rộng ở các cơ vân-xương, hiện nay căn nguyên còn chưa sáng tỏ.
Quá trình bệnh lý không nhất thiết giới hạn ở mô cơ mà có thể tổn thương da, tạo nên bảng lâm sàng của bệnh viêm bì-cơ, có thể gặp các dạng khác nữa, chứng tỏ viêm cơ chỉ là biểu hiện ở cơ của các bệnh toàn thân.
Thuật ngữ viêm bì-cơ được dùng lần đầu tiên bởi Unverricht (1891) để chỉ một bệnh cấp tính xâm nhập lan rộng ở hệ cơ và đáng chú ý ở sự kết hợp với các tổn thương da; sau này Petges và cộng sự đã phát hiện thấy có cả các thể mạn tính của viêm bì cơ. Trong trường hợp viêm chỉ khu trú ở cơ mà không có tổn thương da thì gọi là viêm đa cơ cấp tính hay mạn tính. Nhưng dù có biểu hiện các thể bệnh khác nhau, ngày nay người ta đưa ra một thể bệnh thống nhất là “bệnh tạo keo”. Bệnh viêm bì-cơ và viêm đa cơ có những nét đặc trưng lâm sàng, sinh học và tổ chức bệnh học riêng.
Lâm sàng.
Viêm đa cơ thường hay gặp nhất ở người trưởng thành, nhưng rải rác vẫn xảy ra ở các lứa tuổi khác.
2.1. Triệu chứng cơ:
Bệnh thường khởi phát một cách âm ỉ, đôi khi tương đối đột ngột. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên đáng lưu ý là hội chứng da hay hội chứng cơ, còn một số trường hợp khác bệnh nhân thấy sốt nhẹ toàn thân mệt mỏi, kèm theo đau các khớp hay hội chứng Raynaud. Lâm sàng có các triệu chứng kết hợp của hội chứng cơ, hội chứng da và các triệu chứng toàn thân theo các mức độ khác nhau.
Hội chứng cơ: hay gặp viêm cơ ở gốc chi; các cơ bị viêm xưng đau, có thể teo hoặc co cứng tuỳ giai đoạn của viêm. Đôi khi đau cơ tự phát một cách dữ dội hay có thể do tác động co cơ chủ động và thăm khám. Trạng thái đau cơ này đã làm bệnh nhân vận động khó khăn ở giai đoạn cấp, nếu viêm cơ mạn tính thì đau cơ ít, bệnh nhân vẫn có thể vận động được. Độ rắn chắc của cơ khi sờ nắn thường thay đổi, giai đoạn đầu thường xưng nề, sau đó đến xơ cứng, teo cơ và co rút cơ.
ở các khối cơ có thể thấy ba dạng như phồng, rắn và co cứng nhưng không phải nhất thiết các giai đoạn này tiến triển nối tiếp nhau, ở giai đoạn cấp, đầu tiên là phù nề, ở thể mạn tính xuất hiện ngay triệu chứng rắn và co cứng cơ.
Sức cơ giảm, rối loạn vận động nổi bật gặp ở các cơ đai, gốc chi, tạo nên dáng đi đặc trưng như kiểu bệnh cơ, nâng tay khó khăn. Khi rối loạn vận động ở mức vừa phải thường thấy mệt mỏi và có các triệu chứng giống như bệnh nhược cơ. ở các thể nặng, người bệnh nằm im bất động, không có khả năng thực hiện các động tác.
Tổn thương cơ thường hay lan tràn ra tất cả hệ cơ xương, có thể gặp triệu chứng khó nuốt, liên quan đến tổn thương cơ màn hầu-hầu. Triệu chứng này hay gặp ngoài ra có thể gặp tổn thương cơ thanh quản, lưỡi, các cơ vận động nhãn cầu. Nếu tổn thương lan đến các cơ hô hấp có thể dẫn đến tử vong do liệt hô hấp. Cơ tim hiếm khi bị tổn thương.
Triệu chứng điện thần kinh cơ cho thấy các dây thần kinh ngoại vi không bị tổn thương trên điện cơ đồ thấy xuất hiện các sóng bất thường, dạng sóng điện cơ của các đơn vị vận động bị lởm chởm, không ngăn, chứng tỏ rối loạn trên có nguồn gốc từ các cơ nhưng nhìn chung cũng không có giá trị đặc hiệu.
Giải phẫu bệnh lý rất cần thiết cho chẩn đoán lâm sàng làm nổi bật các triệu chứng viêm cơ kín đáo, nếu kết hợp với phản ứng viêm có hình ảnh tổn thương thoái hoá của các sợi cơ. Các sợi cơ là vị trí của các tổn thương thoái hoá trầm trọng biểu hiện như tăng các nhân của màng sợi cơ, các sợi cơ thoái hoá xen kẽ với các sợi còn nguyên vẹn tạo nên dạng lấm tấm trên phiến đồ cơ. Đó là điểm khác cơ bản với thoái hoá cơ do căn nguyên thần kinh. Phản ứng viêm được biểu hiện bằng các hình ảnh giãn mạch máu, thâm nhiễm limpho bào quanh các tĩnh mạch nhỏ hay trải thành từng mảng trong mỗi bó sợi cơ và mỗi bao cơ.
Triệu chứng tổn thương da kết hợp với tổn thương cơ hình thành bệnh viêm bì-cơ, với các dạng lâm sàng khác nhau, phần lớn các tổn thương khu trú ở mặt và ở gốc chi, giống như hình ảnh của bệnh luput ban đỏ cấp hay bán cấp.
Hai triệu chứng chủ yếu là ban đỏ và nề. ở mặt xuất hiện các ổ viêm nề quanh ổ mắt như màu hoa cà hay màu hoa sứ. Đôi khi kín đáo nhưng đây là triệu chứng hàng đầu. Ban đỏ trải dài thành các mảng cân đối ở mặt tương tự như hình
đeo kính hay hình cánh dơi. ở khuỷu tay và đầu gối hai bên ban có màu đỏ rõ rệt trên nền da có vảy. ở bàn tay, ban thành mảng dài, ở mu tay theo các đốt bàn và ngón tay. Thâm nhiễm ban đỏ quanh móng tay là triệu chứng đặc trưng nhất.
Viêm nề biểu hiện rõ rệt nhất ở mặt với các đặc điểm đàn hồi, đau và biến đổi từ ngày này sang ngày khác, có thể thấy da teo hoặc biến đổi sắc tố, giãn mao mạch tạo nên hình lốm đốm sặc sỡ (da đốm) hay gặp dạng này trong các thể mạn tính.
Triệu chứng hay gặp sau cùng là viêm niêm mạc miệng – hầu như viêm miệng ban đỏ có các vết xước đau, chứng bạch sản sừng hoá.
– Triệu chứng toàn thân:
Đau khớp là triệu chứng thường gặp và đôi khi giống như viêm đa khớp tiến triển. Xuất hiện xưng đau nhiều hạch, đôi khi gặp chứng lách to, gan to kín đáo. Nhịp tim nhanh là biểu hiện duy nhất về rối loạn tim mạch. Tổn thương thận hiếm khi gặp. Có thể mất phản xạ gân xương nhưng rất khó xác định do các cơ bị viêm đau và co cứng. Khám mắt thấy tổn thương võng mạc như xuất huyết, xuất tiết thành từng đám. Đôi khi có hiện tượng canxi hoá ngoài da ở trẻ em. Toàn trạng suy sụp làm bệnh nhân rất lo ngại. Nhịp tim nhanh, cơ thể gầy sút, sốt kéo dài, tăng độ lắng hồng cầu, thiếu máu vừa phải nhưng số lượng bạch cầu bình thường.
Điện di có triệu chứng tăng globulin huyết, xét nghiệm tế bào LE và yếu tố Haserick đều âm tính nhưng phản ứng ngưng kết hoa hồng có thể dương tính khi có biểu hiện bệnh lý ở khớp theo kiểu viêm đa khớp mạn tính tiến triển.
3. Các thể lâm sàng và tiến triển.
Tuỳ theo triệu chứng cơ xuất hiện đơn độc hay có kết hợp với triệu chứng da và quá trình tiến triển của bệnh, người ta chia ra các thể như sau:
- Viêm bì-cơ cấp hay mạn.
- Viêm da-cơ cấp hay mạn.
Nhưng cách phân loại trên không mang tính bao quát về lâm sàng hay tiến triển của nhóm bệnh này. Bệnh viêm đa cơ có thể phát triển kịch phát trong vài tuần và tử vong. Còn các thể khác sau giai đoạn cấp tính hoặc sau điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Cũng có thể bệnh xuất hiện một cách âm ỉ và tiến triển nặng dần xen kẽ là các giai đoạn ổn định dài.
Đối với các thể mạn tính của viêm đa cơ đôi khi chẩn đoán khó khăn vì thiếu các triệu chứng tổn thương da và lâm sàng viêm cơ lại kín đáo. Vì vậy cần chẩn đoán với bệnh nhược cơ. Người ta thường cho rằng bệnh viêm đa cơ gần giống với bệnh viêm cơ tiến triển muộn. Bệnh này có các biểu hiện lâm sàng như: teo cơ ở gốc chi tiến triển dần dần, giải phẫu bệnh lý có hoại tử ở các sợi cơ và phản ứng ở các tế bào kẽ tương đối rõ. Điều trị đặc hiệu là corticoid.
Tiên lượng xấu đối với các thể cấp của viêm đa cơ và viêm bì – cơ; tương đối tốt đối với các thể mạn tính, đặc biệt là tổn thương chỉ khu trú ở cơ. Tỷ lệ tử vong chung chiếm tới 50% số trường hợp. Căn nguyên của viêm đa cơ hiện nay còn ít được biết rõ nhưng thường có sự tồn tại của bệnh này với các u nội tạng đặc biệt là u buồng trứng và u vú, vì vậy cần khám lâm sàng toàn diện.
Mặt khác người ta cho rằng viêm đa cơ có liên quan tới bệnh tạo keo, vì vậy cần xác định vai trò của miễn dịch. Cũng có tác giả cho rằng bệnh viêm đa cơ có liên quan đến virut.
4. Điều trị:
Corticoid là liệu pháp tốt nhất: prednisolon 60mg/ngày trong giai đoạn cấp, củng cố 30mg/ngày, ngoài ra còn dùng các vitamin nhóm B, E, A, D…. và kết hợp với lý liệu pháp.