MỞ ĐẦU

  • Nhắc lại cấu tạo màng não: màng não (meninx) gồm có 3 lớp

+ Màng cứng (dura mater); là một màng xơ dày, dính chặt vào mặt trong xương sọ và gồm có hai lá. Trong khoang sọ hai lá này dính với nhau, chúng chỉ tách ra ở những chỗ tạo thành xoang tĩnh mạch.

+ Màng nhện (arachnoidea): là một màng mỏng, gồm những sợi lỏng lẻo. Màng nhện nằm sát mặt trong của màng cứng.

+ Màng nuôi hay còn gọi là màng mềm (pia mater): dính sát tổ chức não, có nhiều mạch máu. Giữa màng nhện và màng nuôi có khoang dưới nhện chữa dịch não tuỷ.

  • Chức năng của màng não là bao quanh và bảo vệ não bộ, tuỷ sống cũng như phần đầu của các dây thần kinh sọ não.

Khi màng não bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên lâm sàng sẽ thấy biểu hiện của hội chứng màng não (meningismus). Trước khi khám tìm các triệu chứng khách quan của hội chứng màng não, người thầy thuốc cần xác định xem bệnh nhân có các triệu chứng cơ năng của hội chứng màng não không? Các triệu chứng đó là: đau đầu, nôn, táo bón, tăng cảm toàn thân. Tuy nhiên, ở người già, trẻ em và bệnh nhân hôn mê mặc dù có kích thích màng não nhưng các dấu hiệu thường biểu hiện không rõ hoặc thậm chí không có.

KHÁM HỘI CHỨNG MÀNG NÃO

Quan sát

Tư thế cò súng: các trường hợp có hội chứng màng não điển hình ta sẽ quan sát thấy bệnh nhân nằm ở tư thế màng não (bệnh nhân nằm nghiêng, đầu ngửa ra sau, hai tay co, hai đầu gối co sát bụng, lưng cong ra sau).

Khám các dấu hiệu màng não

Dấu hiệu cứng gáy (nucheal Rigidity)

  • Cần phân biệt dấu hiệu cứng gáy với dấu hiệu cứng cổ (cervlcal rigidity).

Cách khám: bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc đặt một tay sau gáy, tay còn lại đặt nhẹ trên ngực bệnh nhân và thực hiện động tác gấp thụ động đầu bệnh nhân ra trước (hình 2.51).

Bình thường cằm bệnh nhân đưa sát được vào ngực.

Nghiệm pháp dương tính biểu hiện:

+ Cằm bệnh nhân không đưa sát được vào ngực.

+ Bệnh nhân thấy đau sau gáy (bệnh nhân nhăn mặt vì đau).

Khám dấu hiệu cứng gáy

Dấu hiệu Kernig

Cách khám:

  • Tư thế bệnh nhân: nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng (hình 2.52).

Khám dấu hiệu

  • Thầy thuốc đặt một chân bệnh nhân ở thư thế đùi vuông góc với mặt giường, cẳng chân vuông góc với đùi (khớp gối tạo thành góc 90°). Tiếp theo, giữ nguyên tư thế của đùi và nâng cẳng chân bệnh nhân lên theo hướng thẳng với đùi (mở khớp gối dần đến 180°), tới mức không mở được nữa thì thôi. Đo góc tạo bởi đùi và cẳng chân bệnh nhân (góc mở của khớp gối). Sau đó khám tiếp chân bên đối diện.
  • Đánh giá kết quả: bình thường góc này là 180°.

Trong trường hợp có hội chứng màng não, góc Kernig này sẽ nhỏ hơn 180°. Khi ghi trong bệnh án tốt nhất nên ghi góc Kernig, ví dụ: dấu hiệu Kernig 135°.

Dấu hiệu Brudzinski

Dấu hiệu Brudzinski trên

Cách khám:

+ Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, tư thế thoải mái.

+ Thầy thuốc đặt một tay sau gáy bệnh nhân và nhẹ nhàng gấp đầu bệnh nhân vào ngực.

Đánh giá kết quả: bình thường có thể gấp cổ lại dễ dàng, nhẹ nhàng và hai chân bệnh nhân vẫn duỗi thẳng.

Dấu hiệu dương tính biểu hiện: bệnh nhân gấp và khép chân lại.

Dấu hiệu Brudzinski dưới (hay đối bên)

  • Cách khám:

+ Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng.

+ Thầy thuốc gấp cẳng chân một bên của bệnh nhân vào đùi và gấp đùi bên đó vào bụng, chân còn lại vẫn duỗi thẳng (hình 2.53b).

  • Kết quả bình thường: chân còn lại vẫn giữ nguyên tư thế.
  • Dấu hiệu dương tính khi: chân bên đối diện co lại

Khám dấu hiệu

Gấp đùi một bên của bệnh nhân vào bụng, nghiệm pháp dương tính khi chân bên đối diện co lại
Dấu hiệu Brudzinski mu

  • Cách khám:

+ Bệnh nhân nằm ngừa, hai chân duỗi thẳng thoải mái.

+ Thầy thuốc dùng ngón tay cái của mình ấn mạnh trên xương mu của bệnh nhân.

Đánh giá kết quả: bình thường hai chân bệnh nhân vẫn duỗi thẳng.

Dấu hiệu dương tính khi: hai chân bệnh nhân khép và co lại.

Dấu hiệu vạch màng não (dấu hiệu Trousseau)

Đây là dấu hiệu phản ánh tình trạng rối loạn vận mạch không đặc hiệu. Bản thân dấu hiệu có độ nhậy và độ đặc hiệu không cao trong hội chứng màng não.

  • Cách khám:

Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, bộc lộ vùng bụng.

Thầy thuốc dùng kim đầu tù vạch các đường trên da bụng bệnh nhân ở cả hai bên (thường vạch theo các đường: đường núm vú, đường nối hai cung sườn và đường nối hai xương chậu).

Dấu hiệu vạch màng não dương tính khi: các đường vạch nổi màu đỏ và tồn tại quá năm phút.

0/50 ratings
Bình luận đóng