Mục lục
Định nghĩa
Bệnh do virus, gặp ở trẻ nhỏ, rất lây và thường lành tính, có sốt, ho, viêm kết mạc và nội ban rồi ngoại ban toàn thân.
Căn nguyên
Virus sởi (morbillivirus) thuộc nhóm myxovirus. Bệnh rất lây; gầy miễn dịch vĩnh viễn nên hay gặp ở trẻ và hiếm gặp ở người lớn. Miễn dịch được truyền từ mẹ sang con và tồn tại cho đến tháng thứ 5. Lây theo các giọt nước mũi, nước bọt của bệnh nhân từ lúc trước khi có triệu chứng cho đến 5 ngày sau khi có nổi ban. Virus vào hệ bạch huyết và phát triển ở đó.
Dịch tễ học
Bệnh sởi có ở mọi nơi trên thế giới, nhất là ở trẻ con từ 2 đến 10 tuổi. Bệnh thành dịch ở các vùng thành thị; tản phát hay thành dịch ở nông thôn. Bệnh sởi là bệnh lành tính ở các nước công nghiệp. Tại Pháp, mỗi năm có 300.000 trường hợp, chỉ có 20 trường hợp tử vong. Bệnh nặng ở trẻ bị suy dinh dưỡng và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ em ở các nước đang phát triển; là nguyên nhân gây chết 2 triệu trẻ mỗi năm ở các nước này (theo Tổ chức Y tế Thế giới).
Triệu chứng
Ủ BỆNH: 7-14 ngày.
XÂM NHẬP: khởi phát đột ngột, sốt, trẻ quấy khóc, sợ ánh sáng, 12 giờ sau có viêm kết mạc, và viêm long ở đường hô hấp và ở các ống lệ (khởi phát mũi-mắt).
Nội ban: mũi họng đỏ, phù, nổi hạch cổ.
Nốt Koplik: xuất hiện vào ngày thứ 2 – 4 ở mặt trong má; là những quầng nhỏ, màu đỏ, ở giữa có một điểm màu xanh lơ, ấn vào thấy mất màu và nổi cao; kích thước bằng đầu ghim, số lượng nhiều hoặc ít và chủ yếu có ở phía đối diện với răng hàm.
Tổn thương đường hô hấp: viêm thanh quản rít, giọng khàn, ho có thể gây khó thở và ngạt. Viêm phế quản, nghe phổi có ran, vùng rốn phổi đậm, các nhánh phế quản đậm.
Chán ăn, đôi khi có ỉa chảy.
Viêm long mắt-mũi.
NỔI BAN Ở DA: sốt lui sau 36-48 giờ rồi lại tăng lên đồng thời với nổi ban, bắt đầu từ trán, má, chân tóc và phía sau tai. Ban là các chấm đỏ, tròn hay hình bầu dục, gộp lại thành mảng; bao giờ cũng có những khoảng da lành giữa các mảng ban. Ngoại ban trở thành ban dát sần và mọc lan ra toàn thân trong vòng 2-4 ngày, từ đầu xuống chân, nhiều khi dày hơn ở phía trước. Đến ngày thứ 5, các vết sần mò đi, có màu nâu và bay đi theo thứ tự chỗ nào mọc trước thì bay trước. Sốt giảm dần trong 24 giờ. Nếu sốt kéo dài hay tăng lên thì cần phải nghĩ đến biến chứng.
BONG VẨY: bắt đầu từ mặt vào ngày thứ 6 hay thứ 7 sau khi mọc. Vẩy bong nhỏ mịn như bột cám.
LẠI SỨC: cần theo dõi cẩn thận. Hình ảnh bất thường trên phim X quang phổi có thể tồn tại nhiều tuần.
SỞI KHÔNG ĐIỂN HÌNH: nổi ban thoáng qua hay không có ban, có khi là ban dát sẩn, mụn nước, giống mày đay hay giống đám xuất huyết. Có phù ở bàn tay, bàn chân. Thể này thấy ở người trẻ tuổi, trẻ con được tiêm phòng hay được điều trị bằng globulin miễn dịch.
SỞI NẶNG: gặp ở trẻ còn bú, sốt 40- 41°, da xám, viêm long nặng, mất nước; trẻ có thể bị chết trong 3-4 ngày do truy tuần hoàn. Các thể hô hấp ác tính kèm theo viêm long gây ngạt, viêm phế quản phế nang, phù phổi cấp.
THỂ KẾT HỢP: hiếm khi có sởi kết hợp với tinh hồng nhiệt, với ho gà (biến chứng phổi), với bạch hầu hay với lao.
SỞI Ở NGƯỜI LỚN: có các tiền triệu và các nốt Koplik tồn tại lâu, đau bụng và đau cơ, rối loạn gan, có nguy cơ viêm não và viêm phổi. Với phụ nữ có mang, nguy cơ thai chết có liên quan với mức độ sởi nặng của mẹ nhưng không có nguy cơ sinh quái thai.
Biến chứng
Bội nhiễm vi khuẩn: viêm tai giữa, viêm thanh quản (muộn, kèm theo sốt lại), viêm khí-phế quản. Viêm phế quản-phổi xảy ra vào ngày thứ 3 từ lúc nổi ban và nặng ở trẻ còn bú. Trẻ con mắc sỏi đặc biệt dễ bị bệnh do liên cầu khuẩn.
Viêm não-màng não cấp do sởi (1 trong 1000 trường hợp): xảy ra 4-7 ngày sau khi mọc sởi, có các rối loạn thần kinh, co giật. Tiên lượng sống tốt. Đôi khi có di chứng thần kinh.
Viêm toàn não xơ hoá bán cấp: do virus sởi vẫn còn trong não và xuất hiện sau vài năm; bao giờ cũng dẫn đến tử vong sau 1-3 năm (xem viêm não xơ hoá bán cấp).
Đám xuất huyết do giảm tiểu cầu: có thể có ở giai đoạn sởi cấp.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Xác định virus bằng nuôi cấy tế bào chỉ làm được vào thời kỳ đầu của bệnh cho đến ngày thứ 2.
Phản ứng huyết thanh: cố định bổ thể, ức chế ngưng kết hồng cầu, miễn dịch huỳnh quang. Hiệu giá kháng thể tăng lên ngay từ lúc mới mọc sởi và tồn tại trong nhiều tháng.
Máu: bao giờ cũng có giảm bạch cầu. Nếu có tăng bạch cầu thì phải nghĩ đến biến chứng.
Xét nghiệm nước mũi: đầu giai đoạn mọc sởi, soi tiêu bản nước mũi nhuộm Giemsa thấy có các tế bào khổng lồ có nhiều nhân của Warthin-Finekeldey.
Dịch não tuỷ: trong trường hợp bị viêm não do sởi, các protein tăng nhẹ và các bạch cầu lympho to, bạch cầu đơn nhân tăng vừa phải (100-200/pl).
Chẩn đoán
Trước đây chưa bị sởi. Có điều kiện bị lây 7-14 ngày trước.
sốt, sổ mũi, viêm long đường hô hấp, nốt Koplik.
Sau 2-4 ngày, nổi ban hồng, đỏ tươi, dát sần, mọc từ mặt xuống chân.
Giảm bạch cầu.
Chẩn đoán phân biệt
Tinh hồng nhiệt: viêm họng đỏ, ban đỏ màng lớn, lan toả, hợp lại với nhau, không có viêm long và không có nốt Koplik.
Rubeon: ban tương tự nhưng hết vào ngày thứ 3, nổi hạch cổ và hạch gáy, tăng tương bào (plasmocyt), không có viêm long. Ban mọc ở mặt rồi xuống thân và các chi.
Ban dị ứng với thuốc hay với thức ăn: không có tiền triệu sốt, ban không mọc từ mặt xuống thân mình.
Bệnh do virus ECHO hay do Coxsacki: ngoại ban dạng sởi.
Ngoại ban đột ngột: hiếm gặp ở trẻ trên 3 tuổi, không có nốt Koplik, ban vừa mọc vừa nổi đồng thời.
Bệnh huyết thanh.
Tiên lượng: tỷ lệ tử vong ở các nước công nghiệp là dưới 0,2%. Tỷ lệ này ở các nước đang phát triển là trên 10%. Sởi có thể nặng ở trẻ dưới 3 tuổi và nếu bị suy dinh dưỡng.
Điều trị
Điều trị triệu chứng: sát khuẩn mũi họng, giảm sốt, giảm ho, bù nước theo đường uống trong lúc sốt.
Chọn kháng sinh để điều trị bội nhiễm vi khuẩn tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh.
Nếu bị khó thở thanh quản: dùng corticoid theo đường tĩnh mạch. Nếu cần thì mở khí quản.
Phòng bệnh
Tiêm phòng: vaccin sởi (xem vaccin này), virus sống giảm độc lực, tiêm dưới da một mũi gây miễn dịch giống như sởi tự nhiên. Nên tiêm phòng cho trẻ từ 12-24 tháng, kết hợp với vaccin quai bị và vaccin rubeon (vaccin ROR).
Globulin miễn dịch đặc hiệu của người: dùng trong vòng 48 giờ sau khi bị nhiễm để tránh hoặc làm giảm bệnh, nhất là cho trẻ còn bú.
Bắt buộc phải khai báo và nghỉ học.