Lở mồm long móng là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, truyền sang người từ động vật có 2 móng.

TÁC NHÂN GÂY BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN BẰNG XÉT NGHIỆM

  1. Tác nhân gây bệnh là một virut nhỏ, kích thước 8-20nm. Có 3 typ huyết thanh 0,A,C ; những loại này là độc lập về phương diện miễn dịch học (không có miễn dịch chéo). Virut có thể truyền cho chuột lang.

Virut lở mồm long móng rất bền vững ở ngoài cơ thể. Chúng có thể sống gần 3 tuần trên bộ lông của súc vật, gần một tháng trong bộ da súc vật và rất lâu trong các chất bài tiết của súc vật ốm, 2 tháng trong phân súc vật, 4 tháng trong thức ăn của gia súc (rơm, cỏ khô, tấm cám). Đó là do virut được bảo vệ môi trường có anbumin (chất nhày, mảnh mô).

Đồng thời virut này rất nhạy cảm với mọi yếu tố lý học hay hoá học. Chúng chết sau 5-8 ngày trên phân đang lên men và trên đất vào mùa hè, sau 3-5 phút ở nhiệt độ 50°. Chúng rất nhạy cảm với kiềm và axit. Chúng chết nhanh trong sữa bị chua và sau 2-3 ngày trong thịt bị chua, kalihydroxyt và natri hydroxyt 1-3%, dung dịch focmalin 1% giết nhanh chóng virut.

+ Bệnh sinh và biểu hiện lâm sàng

Virut vào cơ thể qua niêm mạc và da bị tổn thương. Phương thức lây bệnh khác nhau ở người và ở súc vật. Động vật chủ yếu bị lây qua niêm mạc đường tiêu hoá (mồm, họng, ruột). Người chủ yếu bị lây qua da bị tổn thương và qua các niêm mạc nhìn thấy được (mắt, mũi, mồm). Tại nơi xâm nhập, virut gây ra một kích động đầu tiên aptơ (rộp môi), rồi vào máu (virémie). Virut aptơ có tính hướng da cho nên tại đây sẽ sinh ra những aptơ thứ phát. Aptơ sẽ bị vỡ và chất chứa bên trong mảnh tế bào biểu mô và dịch thể, có nhiều virut sẽ dây vào những vật xung quanh. Do có nhiễm khuẩn máu, tác nhân gây bệnh có thể thêm khả năng ra khỏi cơ thể qua hệ thống bài tiết cùng với mật, phân, nước tiểu, sữa, nước bọt.

Thời kỳ ủ bệnh là 2-3 ngày, ít khi là 8 ngày. Diễn biến lâm sàng gồm : sốt và nổi ban rộp (aptơ) trên niêm mạc mồm, đôi khi trên da. Các tổn thương quanh da thường khu trú quanh miệng, ở cánh mũi, ở kẽ và đầu ngón tay, ngón chân. Trong thời gian ốm (1-2 tuần) người bệnh rất yếu, nhưng hết mệt mỏi nhanh chóng, sau khi nhiệt độ trở lại bình thường.

  1. Chẩn đoán bằng xét nghiệm

Tiêm truyền cho chuột lang vào da bàn chân dịch rỉ của mụn mủ hoặc mảnh vỏ bọc (đã nghiền nhỏ trong dung dịch sinh lý). Còn có thể làm phản ứng kết hợp bổ thể.

QUÁ TRÌNH TRUYỀN NHIỄM

  1. Nguồn truyền nhiễm

Bệnh lở mồm long móng là một bệnh của gia súc. Nguồn lây là bò, dê, cừu, lợn. Các chất bài tiết của chúng, sẽ làm lây bệnh trong suốt thời kỳ bệnh phát, trong vòng 10-15 ngày và đôi khi lâu hơn (nếu móng bị bệnh).

  1. Đường truyền nhiễm

Giữa súc vật với súc vật, bệnh truyền chủ yếu qua thức ăn, cũng có thể qua nước (nếu súc vật lành và ốm uống cùng một nơi).

Theo Gromashevsky, thì bệnh này truyền sang người khi tiếp xúc với súc vật ốm và khi ăn phải sữa súc vật ốm.

  1. Tính miễn dịch

Miễn dịch có sau khi khỏi bệnh là bền vững, nhưng chỉ có giá trị đối với typ huyết thanh gây bệnh thôi.

ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ

Dịch tễ học của bệnh lở mồm long móng, một phần nào đó giống bệnh sổ mũi ngựa ; nhưng khác với bệnh sổ mũi ngựa tác nhân gây bệnh lở mồm long móng được giải phóng ra khỏi cơ thể súc vật cả với sữa. Điều này tạo ra khả năng lây bệnh cho người bằng đường tiêu hoá. Ở bệnh lở mồm long móng, có thể nói tới 2 thể dịch bệnh (như ở bệnh Brucella) :

  • Dịch bệnh do nghề nghiệp (người chăn nuôi gia súc, thú y)
  • Dịch bệnh do ăn uống sữa. Nhiều tác giả nhận thấy bệnh lở mồm chủ yếu ở trẻ em. Sở dĩ như vậy, là do cơ chế truyền nhiễm.

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG VÀ CHỐNG BỆNH

  1. Chống bệnh

Các biện pháp chống bệnh cơ bản là phải tác động lên nguồn truyền nhiễm, cho nên trạm vệ sinh phòng dịch phải liên lạc chặt chẽ với cơ quan thú y. Biện pháp quan trọng nhất là theo dõi đàn gia súc để thanh toán bệnh này ở gia súc, nếu không có bệnh thì cũng phải ngăn ngừa không để cho bệnh từ ngoài vào.

– Nếu bệnh phát sinh trong gia súc thì cần phải triệt để cách ly các gia súc bị bệnh. Do thời kỳ ủ bệnh ngắn và do virut aptơ rất bền vững, cho nên phải triệt để thực hiện các biện pháp kiểm dịch 13 ngày là kiểm dịch đầy đủ, và 14 ngày là kiểm dịch bổ sung. Cấm không được xuất những gia súc ra khỏi những ổ dịch súc vật. Đặc biệt, cần phải đề phòng khả năng đưa bệnh vào bằng thức ăn (rơm cỏ) của gia súc, bằng các phương tiện vận chuyển và nhân viên phục vụ.

Phải tẩy uế phân bằng phương pháp nhiệt sinh học (biothermique). Phải ủ phân có lót (rơm, than bùn) dày 20-30cm ; trên cùng phủ rơm và phủ đất. Sau 2-3 tuần, phân sẽ được khử khuẩn.

Máng ăn, các đồ dùng phải tẩy uế bằng dung dịch focmalin hoặc natri hydroxyt nóng. Thức ăn thừa, ổ rơm đều phải đốt. Gia súc khỏi bệnh phải được tắm rửa bằng dung dịch kali hydroxyt hay natri 1-2% còn nóng, móng phải cạo sạch và tẩy uế.

Phải tiêm phòng cho đàn gia súc lành để tạo miễn dịch thụ động, người ta dùng huyết thanh của các động vật đã khỏi bệnh và đã được tăng miễn dịch. Người ta còn tiêm hỗn hợp huyết thanh miễn dịch với virut

Để tạo miễn dịch chủ động, người ta dùng vacxin sống hoặc vacxin chết

  1. Phòng bệnh

Phòng bệnh cho súc vật cũng là phòng bệnh cho người. Nhân viên chăm sóc súc vật ốm phải mặc quần áo phòng hộ đặc biệt và tuân theo các quy định vệ sinh cá nhân.

Sữa súc vật ốm phải đun sôi hoặc hấp trước khi dùng

Người bệnh phải cách ly ở bệnh viện lây. Sau khi đưa người bệnh vào bệnh viện, phải lau nhà bằng dung dịch natri hydroxyt 1% nóng, hoặc dung dịch lysol 5%. Khi đã khỏi hoàn toàn mọi tổn thương trên da, người bệnh được phép ra viện, nhưng trước đó phải xử lý họ đầy đủ về mặt vệ sinh.

0/50 ratings
Bình luận đóng