Mũi là cửa ngõ của đường hô hấp, có chức năng sưởi ấm không khí trước khi vào phổi nhờ ở hệ thống niêm mạc mũi, có nhiều mạch máu. Ngoài ra, mũi còn có chức năng ngửi và cộng hưởng phát âm.
Viêm mũi cấp tính là bệnh rất phổ biến, nhất là mùa lạnh, thời tiết thay đổi thất thường là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây bệnh viêm đường hô hấp trên như cúm, sởi, thủy đậu, bạch cầu… hay các bệnh viêm V.A, viêm amidan, viêm xoang cấp, viêm họng cấp.
Toàn thân bệnh nhi mệt mỏi, hơi sốt, người hơi rét, khi cặp nhiệt độ không tăng. Bệnh nhi thấy khó chịu, ăn kém, ngủ kém, người gai gai rét.
Bệnh nhi thấy ngứa mũi, hắt hơi nhiều lần. Mũi chảy nước trong và chất nhầy, về sau, mũi chảy mủ, có lẫn vài gợn máu làm cho bệnh nhi lúc nào cũng khịt mũi, hắt hơi nhiều lần, thường vào buổi sáng.
Tắc mũi một bên, về sau tắc mũi hai bên, nhiều nhất vào ban đêm, lúc sáng sớm hay khi nằm ngủ. Bệnh nhi nằm nghiêng đầu về bên mũi ít tắc để dễ thở. Bệnh nhi phải há mồm để thở gây nóng, rát, khô họng, và xuất hiện ho nhiều, ngửi kém, nếu điều trị kịp thời sẽ khỏi bệnh rất nhanh.
Thăm khám phát hiện niêm mạc mũi viêm đỏ, xung huyết, nhất là các cuốn mũi đỏ rực, sàn mũi đọng đầy chất nhầy hay mủ. Những khe cuốn mũi xung huyết nhưng không có mủ, đặt thuốc co mạch, cuốn dưới còn co lại.
Diễn biến của bệnh không quá bảy ngày. Bệnh nhi xì mũi, nước mũi loãng dần, đỡ tắc mũi, dễ thở hơn và trở về trạng thái bình thường. Một số trường hợp xuất hiện biến chứng viêm xoang, viêm thanh quản, viêm khí phế quản nếu trẻ bị viêm tai giữa.
* Các thể lâm sàng của viêm mũi:
- Viêm mũi cấp tính do cúm: Triệu chứng toàn thân rất nặng, khởi phát đột ngột, sốt cao, kèm theo những cơn rét run, đau đầu, đau mình mẩy. Bệnh lan truyền nhanh chóng trong cơ thể với thời gian ngắn. Triệu chứng viêm xuất hiện ở niêm mạc họng thanh quản…
- Viêm mũi do sởi: Viêm mũi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi, có dấu hiệu chảy mủ lẫn máu kéo dài.
Mắt và hệ thông lệ đạo đều bị virut xâm nhập. Màng tiếp hợp sưng đỏ, chảy nước mắt. Mí mắt bị phù nề. Giọng nói khàn, ho nhiều, khó thỏ, ở mức độ nhẹ.
- Viêm mũi do thủy đậu: Thể này ít gặp. Nốt thủy đậu có mủ ở tiền đình mũi và mũi chảy nhiều chất nhầy.
- Viêm mũi do bạch cầu: Có thể là nguyên phát hay thứ phát của bệnh bạch cầu họng, ớ họng xuất hiện giả mạc trắng, dai, dính ở trong niêm mạc họng và trên tiền đình mũi, cần lấy giả mạc tìm vi khuẩn.
- Viêm mũi ở trẻ nhỏ: Trẻ khó thở do hốc mũi hẹp, đồng thời ngạt thở, ngạt mũi, khó thở, mũi chảy nước.
- Viêm mũi do lậu cầu khuẩn ở trẻ nhỏ: Người mẹ bị lậu, lậu cầu khuẩn truyền sang con từ hốc mũi. Bệnh khởi phát 3-4 ngày sau sinh. Hai hốc mũi, môi sưng vều, đỏ, mũi chảy nước vàng, xanh, tắc mũi, trẻ không bú được sữa mẹ. Hai mí mắt bị sưng, mắt sưng mọng, không mở ra được. Màng tiếp hợp đỏ, phù nề.
Phòng tránh: Không cho trẻ ra ngoài khi trời gió, mưa. Nơi nào có dịch cúm, cần nhỏ mũi hàng loạt, nhất là trẻ đi mẫu giáo.
Cần điều trị dứt điểm vẹo vách ngăn, sứt môi, hở hàm ếch, viêm V.A, viêm amidan và nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều sữa, chất đạm, vitamin và tập luyện thân thể, đặc biệt duy trì tập thở.
Điều trị viêm mũi cấp, tắc mũi khi trẻ không bú được do virut cần chống ngạt mũi bằng cách hút hết chất nước, chất nhầy của mũi, hút một lần trong ngày, hút nhiều ngày liền cho hết dịch và chất nhầy. Nhỏ thuốc vào mũi nhiều lần: Colidi, otrivin, sunfarin, naphazolin…
Xông mũi, họng bằng tinh dầu bạc hà, bằng kháng sinh chống viêm, ngày một lần, cho đến khi khỏi bệnh.
Dùng kháng sinh thích hợp với từng lứa tuổi, uống đủ liều, không kéo dài dễ gây tổn thương các vi khuẩn có lợi ở đường ruột. Cho trẻ bú và cho ăn đều nhưng tăng cường chất đạm, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C.
Khi trẻ bị viêm mũi cấp tính, cần để ở nhà điều trị khỏi bệnh mới cho đi học.