Bệnh chốc là bệnh ngoài da, gặp nhiều ở trẻ em và lứa tuổi học đường. Bệnh lây lan trong các thành viên của gia đình, trong lớp học. Sau khi khỏi bệnh, không để lại di chứng trên da. Nhưng độc tố của vi khuẩn gây cho các em bị suy kiệt, dễ suy dinh dưỡng.

* Nguyên nhân: Vi khuẩn tụ cầu, liên cầu bêta tan máu nhóm A xâm nhập qua da gây bệnh

* Biểu hiện lâm sàng:

Ban đầu, trên da trẻ xuất hiện các dát nhỏ. Trên những dát này lại xuất hiện các bọng nước hình tròn, bầu dục, to bằng hạt ngô. Bên trong bọng nước, chứa dịch màu vàng trong, về sau nhanh chóng trở nên đục và hóa mủ. Bọng nước vỡ ra đóng vảy màu vàng. Cạy vảy lên, có một vết lõm hay vết chợt nông, tròn đều, màu đỏ hồng. Xung quanh vảy tiết màu vàng, có viền vảy mỏng. Nhiều bọng nước liên kết với nhau thành từng mảng, vỡ bọng vảy tiết, hơi lõm ở giữa, 10 ngày sau vảy tiết sẽ bong, còn lại dát màu thẫm, bong vảy, không để lại sẹo.

Những bọng nước xuất hiện nhiều ở da mặt, má, da đầu, xung quanh các hố tự nhiên như rốn, vú, nách, bẹn, hậu môn và toàn thân.

Trẻ bị ngứa gãi nhiều thường bị bội nhiễm. Vi khuẩn từ nơi da bệnh lan sang nơi da lành, càng làm cho bệnh lan khắp thân thể. Có thể gặp các thương tổn do liên cầu như viêm kẽ tai, viêm kẽ mũi, kẽ má, lở mép…

Bệnh chốc là bệnh lành tính, điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ khỏi bệnh trong vài tuần. Nếu không điều trị kịp thời sẽ có những biến chứng: Viêm hạch, áp xe. Trẻ bị chốc lan rộng có thể biến chứng viêm thận.

Chốc có nhiều hình thể khác nhau, to, nhỏ, bằng đầu ngón tay, đầu chiếc đũa, có loại bé như đầu đanh ghim.

Điều trị bệnh chốc ở thể nhẹ: Chỉ điều trị tại chỗ, chưa cần điều trị toàn thân: Làm bong vảy bằng phun thuốc dung dịch muối đẳng trương hay đắp gạc có thấm dung dịch thuốc tím 1/10000. vảy dày dùng mỡ salicylic 3% bôi trên mụn chốc ngày một lần, dùng hai ngày cho vẩy mềm. Làm bong vảy bằng cách rửa sạch và bôi thuốc này, ngày hai lần. Dùng một trong hai dung dịch: Milian hoặc dung dịch nitrat bạc 5%.

Các thương tổn có nhiều vẩy tiết, chảy nước nhiều trên diện rộng, nên băng lại vào ban đêm. Dùng các thuốc mỡ, thuốc hồ, kem kháng sinh erythromycin, tetracyclin, kem dalibour.

Điều trị toàn thân cho những trường hợp nặng, vết chốc lở to, lan rộng, có bội nhiễm, phải dùng kháng sinh: Erythromycin, ampicillin, gentamycin, lincocin… do bác sĩ chỉ định.

Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách truyền tĩnh mạch các dung dịch chứa nhiều loại vitamin.

Phòng ngừa: Cần giữ sạch da bằng cách tắm mỗi ngày một lần, không quên kì cọ các nơi kín, tránh gây thương tổn da, dễ nhiễm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu.

0/50 ratings
Bình luận đóng