Chảy máu cấp tính: chảy máu nhanh và với số lượng máu lớn. Có thể là chảy máu ngoài (chấn thương, đứt một mạch máu lớn, tổn thương động mạch) hoặc chảy máu trong (tiêu hoá, tử cung, tiết niệu, sau phúc mạc). Đôi khi hệ thống cầm máu không bình thường.
- Khối lượng máu giảm sút nhanh (giảm thể tích máu) gây ra thỉu hoặc ngất, choáng váng, toát mồ hôi, thở nhanh, hạ huyết áp tư thế đứng.
- Trong lúc và ngay sau khi chảy máu số lượng hồng cầu, hàm lượng hemoglobin, và hematocrit lại tăng lên một cách nghịch lý là do khối lượng máu giảm và co mạch. Có thể thấy tăng bạch cầu tới khoảng 30.000/pl và tăng số lượng tiểu cầu tới 1 triệu trong 1 µl vào những giờ sau khi bị chảy máu.
Sau một vài giờ máu bị loãng ra dẫn tới tụt số lượng hồng cầu và hàm lượng hemoglobin. Thiếu máu thuộc thể hồng cầu bình thường và đẳng sắc, bởi vì cả hồng cầu và hemoglobin đều giảm song song. Trong máu ngoại vi xuất hiện các hồng cầu lưới 24 giờ sau chảy máu, và số lượng này còn tăng lên vào những ngày tiếp sau nữa. Nếu dự trữ sắt của cơ thể không đủ thì sẽ xuất hiện thiếu máu nhược sắc tạm thời.
Giai đoạn hồi phục: Vào những ngày sau khi bị chảy máu, tủy đồ cho thấy tăng sản của toàn bộ những dòng tế bào, nhưng đặc biệt là dòng hồng cầu với rất nhiều nguyên hồng cầu bình thường, và các dấu hiệu chuyển tiếp nhanh từ nguyên hồng cầu ưa base sang ưa acid (tủy đồ “màu hồng”). Số lượng hồng cầu lưới có thể đạt tới 20.000/ µl, rồi lại rút xuống thấp hơn trong một vài ngày.
Tăng bilirubin huyết, và trong trường hợp chảy máu nặng thì urê huyết cũng tăng.
Điều trị: đảm bảo cầm máu. Truyền máu nếu thấy cần thiết. Chỉ nên chỉ định dùng muối sắt II nếu lượng dự trữ sắt trong cơ thể không đủ (khi thấy thiếu máu nhược sắc).
Chảy máu nhiều lần: lượng máu mất vừa phải và mất nhiều lần (tiêu hoá, tiết niệu, tử cung) đưa tới thiếu máu thiếu sắt (xem bệnh này).