ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO

Tên khác:             Trùng thảo

Tên khoa học: Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc.

Họ Nang khuẩn (Ascomycetes)

MÔ TẢ

Loài nấm nhỏ có thân hình trụ, mảnh, dài 3 – 6cm, có thể đến 10 – 11cm, đặc khi còn non, sau trở nên rỗng giữa. Phần dưới thân nấm to, thuôn dần về phía ngọn, kết thúc bằng một phần rộng loe thành hình thoi, đầu nhọn, có đường kính 2,5 – 6mm; phần này có vỏ ngoài sần sùi, lấm tấm những hạt nhỏ mà khi soi kính hiển vi đó là tử nang xác (bộ phận sinh sản).

Tử nang xác hình trứng hay hơi tròn, trong chứa các nang hình sợi có cuống ngắn. Trong nang, có nhiều bào tử ngăn vách riêng biệt.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Đông trùng hạ thảo phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, trong những khu rừng ẩm ướt thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Tây Khang, Vân Nam.

Sự hình thành đông trùng hạ thảo diễn biến như sau: Vào mùa đông, từ đầu một con sâu non thuộc loại bọ Cánh bướm nằm trong đất mọc lên một giống nấm. Nấm này ký sinh và phát triển vào toàn thân con sâu để hút hết chất bổ làm cho sâu chết. Đến mùa hạ, nấm mọc chồi lên khỏi mặt đất nhưng phần gốc vẫn dính ở đầu con sâu và phát triển dần thành cây nấm hoàn chỉnh.

Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Toàn bộ phần nấm và xác sâu.

Vào tháng 6 – 7, khi phát hiện đông trùng hạ thảo, cần nhẹ tay đào bới để lấy được đầy đủ xác sâu trong đất. Đem về, rửa sạch, phơi cho se, phun rượu, rồi phơi khô hẳn. Về mặt thương phẩm, dược liệu thường được buộc lại thành từng bó nhỏ.

Phần xác sâu trong vị thuốc dài 2,5 – 3cm, đường kính 3 – 5mm, màu vàng nâu hoặc xám nâu.

Ở Việt Nam, đông trùng hạ thảo được thay thế bằng một loại sâu khác, sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le. Sâu dài 3,5cm, màu vàng nhạt, được tẩm mật rồi sao vàng, sấy khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Đông trùng hạ thảo chứa protid, chất béo, một acid đặc biệt là acid cordicepic. Các acid amin chủ yếu là arginin, alanin, histidin, prolin, acid glutamic.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Theo tài liệu nước ngoài, đông trùng hạ thảo có tác dụng làm tăng lượng huyết cho tim, làm giãn khí quản, ức chế đối với một số vi khuẩn.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Theo các sách thuốc cổ, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ dưỡng, hóa đòm, chống viêm, cầm máu, chữa suy nhược thần kinh, đau lưng, ho đờm, chân tay nhức mỏi, liệt dương, ho ra máu.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g dưới dạng rượu ngâm.

Có sách thuốc cổ coi đông trùng hạ thảo bổ ngang nhân sâm.

Đối với đông trùng hạ thảo Việt Nam, người ta thường dùng dạng thức ăn – vị thuốc như xào nấu với trứng để ăn cho bổ.

BÀI THUỐC

Chữa viêm khí quản mạn tính, ho nhiều: Đông trùng hạ thảo (10g), tang bạch bì (8g), khoản đông hoa (6g), cam thảo (3g), tiểu hồi (2g).

Tất cả phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

0/50 ratings
Bình luận đóng