Mục lục
HÒE
Tên khác: Hòe hoa, hòe mễ, lài luồng (Tày)
Tên khoa học: Stypnolobium japonicum (L.) Schott
Họ Đậu (Fabaceae).
MÔ TẢ
Cây nhỏ hay cây nhỡ, có thân cành hình trụ, nhẵn, vỏ lúc đầu màu lục nhạt sau hơi nứt nẻ, màu xám nhạt, có những chấm trắng. Lá mọc so le, kép lông chim gồm nhiều lá chét mép nguyên, mặt trên nhẵn, mặt dưới nhạt hơi có lông.
Cụm hoa mọc thành chùm dài phân nhánh ở đầu cành; hoa nhỏ nhiều màu trắng hoặc vàng nhạt, đài hình chuông, tràng có cánh cờ rộng, nhị 10 rời nhau.
Quả đậu nhẵn, thắt lại giữa các hạt; hạt 2 – 5, hơi dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa quả: tháng 5-11.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, hòe phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, được trồng nhiều ở một số nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản.
Ở Việt Nam, hòe được trồng ở các tỉnh phía Bắc và sau đó, được đưa vào trồng ở các tỉnh Tây Nguyên và ven biển miền Trung. Tỉnh có nhiều hòe nhất là Thái Bình. Cây thường được trồng xen với các cây cho quả trong vườn gia đình.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Nụ hoa thu hái chủ yếu vào tháng 5 – 7 ở những chùm hoa có từ 5 đến 10 hoa nở, chọn những nụ có màu vàng lục vào buổi sáng. Không thu hoạch nụ quá sớm, hàm lượng hoạt chất hình thành thấp, nếu để muộn, năng suất dược liệu không cao và hàm lượng hoạt chất giảm. Sau đó, phơi nắng nhẹ hoặc sấy lửa nhỏ và thật nhanh cho khô để bảo đảm phẩm chất. Khi dùng, để sống hoặc sao vàng, sao cháy.
Hoa hòe và quả hòe cũng được dùng. Hoa đã nở và quả chín lấy vỏ quả, còn hạt để phát triển trồng. Các bộ phận được dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Nụ hòe chứa rutin với hàm lượng 20 – 30%, sophorin A, B, C, sophoradiol, betulin. Rutin còn có trong nhiều bộ phận khác của cây như hoa đã nở, quả, hạt, lá, gỗ. Hàm lượng rutin có thể giảm dần từ dược liệu để sống qua sao vàng đến sao cháy.
Quả hòe chứa quercetin, genistein, sophoricosid, kaempferol, sophorose.
Hạt hòe chứa flavonoid toàn phần, alcaloid cytisin, chất béo.
Lá hòe có protein và lipid.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Rutin và quercetin trong hòe có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, hồi phục tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương.
Ngoài ra, chúng còn có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, cầm máu. Quercetin còn làm giãn mạch vành, cải thiện tuần hoàn tim.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Hòe được dùng làm thuốc trong cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.
Y học hiện đại dùng rutin là chủ yếu để cầm máu trong trường hợp xuất huyết, đề phòng xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não.
Liều dùng hàng ngày: Viên rutin 0,02g dùng riêng hoặc phối hợp với vitamin c 0,05g (viên rutin C): mỗi lần 1 – 2 viên, ngày 2 – 3 lần.
Trong y học cổ truyền, nụ hòe được gọi là hòe mễ, là một vị thuốc “mát” được dùng trong những trường hợp “nhiệt”. Ngày dùng 8 – 16g hãm với nước sôi hoặc sắc uống làm thuốc cầm máu để chữa ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, đại tiện ra máu, nôn ra máu.
Hoa hòe, tên thuốc là hòe hoa, cũng có tác dụng như nụ hòe với liều dùng hàng ngày là 10 – 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Quả hòe, tên thuốc là hòe giác, để sống, uống mỗi ngày 10g dưới dạng nước sắc chữa sốt xuất huyết khi sốt đã lui nhưng còn xuất huyết nhẹ, chảy máu dưới da, chảy máu chân răng. Nếu đem sao tồn tính rồi hãm hoặc sắc uống lại chữa đại tiện ra máu. Quả hòe tán bột, trộn với tiết dê làm thành bánh, phơi khô, mỗi lần uống 8g với rượu vào các lúc đói chữa trĩ sưng đau (Nam dược thần hiệu).
Dùng ngoài, quả hòe phối hợp với khổ sâm (lượng bằng nhau), giã nhỏ, tán rây thành bột mịn, hòa với nước làm thành bánh, đắp chữa lòi dom.
Chú ý: – Phụ nữ có thai không được dùng quả hòe vì dễ bị sẩy thai.
- Người cao tuổi bị tăng huyết áp dùng hòe mễ rất tốt, vừa nhẹ nhàng, êm dịu, vừa làm bền chắc thành mạch chống hiện tượng phình võ, xuất huyết.
BÀI THUỐC
- Chữa cao huyết áp, đầu óc căng thẳng, khó ngủ, đau đầu: Hòe mễ (10g, sao thơm), hạ khô thảo (12g, sao vàng), cúc hoa vàng (5g, sấy khô, vò nát vụn). Tất cả giã nhỏ, trộn đều, hãm với 1000ml nước sôi trong 15 phút, uống làm nhiều lần trong ngày.
Hoặc hòe mễ (100g sao vàng), thảo quyết minh (100g, sao đen). Trộn đều, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 5g hãm uống.
Hoặc hòe mễ (12g), kỷ tử, cúc hoa vàng, quyết minh tử, thục địa, huyền sâm, hoài sơn, trạch tả, ngưu tất (mỗi vị cũng 12 g). sắc uống trong ngày.
- Chữa cao huyết áp, đau mắt: Hòe mễ (10g), lá sen hoặc ngó sen (10g), cúc hoa vàng (4g). Tất cả nghiền nhỏ, sắc uống ngày một thang.
- Chữa đại tiện ra máu: Hòe mễ (20g, sao), trắc bách diệp (20g, sao) chỉ thực hoặc chỉ xác (12g), hoàng liên (8g), kinh giới tuệ (8g, sao đen). Tất cả thái nhỏ, sắc uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa viêm ruột, trĩ nội: Quả hòe (100g), kim ngân hoa (100g), cam thảo dây (12g), nghệ vàng (10g). Quả hòe sao kỹ đến khi có màu tím sẫm, tán bột. Các dược liệu khác phơi khô, tán bột. Trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g vào lúc đói. (Kinh nghiệm của lương y Am, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).
Bài thuốc ứng dụng từ hoa hòe
Theo Đông y, hoa hòe có vị đắng, nhạt, mùi thơm, tính bình. Tác dụng hạ nhiệt, mát huyết, cầm máu, sáng mắt, bổ não, hạ huyết áp, lương huyết, chỉ huyết, chữa nôn ra máu, chảy máu cam, kiết lỵ ra máu, trĩ ra máu, băng huyết, đau mắt đỏ, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi, phòng đứt mạch máu não.
Bài 1. Thuốc chữa bệnh đi ngoài ra máu
+ Hoa hòe (sao cháy) | 15g |
+ Rau diếp cá | 12g |
+ Địa du (sao đen) | 10g |
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 500ml nước, đun kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần, uống hết trong ngày trước bữa ăn, mỗi lần uống 60ml nước thuốc, cần uống liền 5-7 ngày.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh đầu choáng váng
+ Hoa hòe (sao vàng) 15g
+ Hạt muồng (sao thơm) 12g
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 400ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần, uống sau bữa ăn. Cần uống liền 7 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh sốt xuất huyết
+ Hoa hòe 12g
+ Cỏ mực 10g
+ Hạt muồng (sao thơm) 15g
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 400ml nước. Đun kỹ lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia 3 lần, uống hết trong ngày vào lúc đói. Cần uống liên tục 3-5 ngày.
Bài 4. Thuốc chữa bệnh cao huyết áp
+ Hoa hòe | 9g |
+ Hạ khô thảo | 6g |
+ Đỗ trọng | 15g |
+ Mã đề | 10g |
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 500ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh chia làm 3 lần uống hết trong ngày vào lúc đói. cần uống liền 5-7 ngày.
Bài 5. Thuốc chữa bệnh huyết áp cao bị chóng mặt, nôn
+ Hoa hòe | 9g |
+ Đỗ trọng | 15g |
+ Huyền sâm | 10g |
+ Hạt muồng | 8g |
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 500ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh chia làm 3 lần uống hết trong ngày vào lúc đói. cần uống liên tục 5-7 ngày.
Bài 6. Thuốc chữa xuất huyết cấp tính do viêm thận
+ Hoa hòe 30g
+ Hy thiêm 30g
Cho thuốc vào nồi cùng 350ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150ml nước đặc. Chia thuốc làm 3 lần uống hết trong ngày vào lúc đói. Cần uống liên tục trong 3 ngày.