Mục lục
Tên khoa học:
Docynia doumeri Schneid. Họ khoa học: Họ Hoa hồng (Rosaceae).
Tên khác:
Xích qua tử, Thử tra, Dương cầu (Đường Bản Thảo), Hầu tra (Thế Y Đắc Hiệu phương), Mao tra (Nhật Dụng Bản Thảo), Phàm tử, Hệ mai (Nhĩ Nhã), Đường cầu tử (Bản Thảo Đồ Kinh), Sơn lý quả (Thực Liệu Bản Thảo), Hầu lê, Sơn quả tử, Sơn tra tử, Sơn thường tử, Tiểu nang tử, Mộc đào tử, Địa chi lê, Hòa viên tử, Thị tra tử, Đường cầu tử, Sơn lật hồng quả, Ưởng sơn hồng quả (Hòa Hán Dược Khảo), Ty thế đoạn, Toan táo (Bách Nhất Tuyển phương), Đường lê tử (Toàn Ấu Tâm Giám), Thường cầu, Tra nhục, Mao tra, Sơn lý hồng quả, Sơn tra thán, Tiêu sơn tra, Sao tra nhục, Sinh sơn tra (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Toan mai tử, Sơn lê (Trung Quốc Thụ Mộc Phân Loại Học).
Mô Tả:
Cây cao 6-10m, mang nhiều cành, cành non có nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng nhọn. Hoa tự thành tán, có 4-5 hoa màu trắng, 5 lá đài, 5 cánh hoa, bầu có 5 tâm bì. Quả thịt, hình cầu, đường kính 1,5-3cm, có khi to hơn, trên chòm còn vết của đài sót lại.
Mọc hoang ở các vùng núi cao ở miền Bắc như Hoàng Liên Sơn, Cao Lạng, Hà Tuyên. Có thể trồng bằng hạt hay chiết cành.
Thu hái:
Mùa thu lúc quả chín, hái về, cắt ngang khoanh, phơi cho thật khô.
Phần dùng làm thuốc:
Quả chín khô (Fructus Crataegi Pinnatifidae).
Mô tả dược liệu:
+ Bắc Sơn tra: là những miếng cắt ngang khoanh tròn, mép hơi cuộn lại, nhăn dọc, đường kính 1,6-2,6cm, dầy độ 0,1cm. Vỏ ngoài mầu đỏ hồng, có vằn nhăn và chấm nhỏ mầu trắng tro, cùi mầu nâu nhạt. Ơû mặt cắt có thể nhìn thấy 5-6 hạt mầu vàng nhạt, hạt đa số đã rụng, có khoanh to, còn thấy cuống ngắn và nhỏ hoặc vết lõm. Mùi hơi thoảng thơm, vị chua, hơi ngọt (Dược Tài Học).
+ Nam Sơn tra: hình cầu tròn, đường kính 1-1,9cm, thỉnh thoảng có miếng dẹt như cái bánh, mặt ngoài mầu đỏ tro, có vằn và chấm nhỏ, mặt đầu lõm xuống, mép hơi lồi, đầu kia có vết của cuống quả. Chất cứng, hạt to, cùi mỏng, mầu đỏ nâu. Không mùi, vị chua, hơi chát.
Bào chế:
+ Sơn tra: Rây cho hết hạt đã rụng là được.
+ Sao Sơn tra: Cho Sơn tra vào nồi, sao nhỏ lửa cho đến khi mặt ngoài thành mầu vàng nhạt, để nguội dùng.
+ Tiêu Sơn tra: Cho Sơn tra vào nồi, sao to lửa cho đến khi mặt ngoài thành mầu nâu, mặt trong mầu nâu vàng, phun nước, lấy ra là được.
+ Sơn tra thán: Cho Sơn tra vào nồi, sao to lửa cho đến khi mặt ngoài thành mầu đen nhưng còn tồn tính, phun nước, lấy ra phơi khô (Dược Tài Học).
Bảo quản:
Để nơi khô ráo, chống mọt.
Thành phần hóa học:
+ Trong Sơn tra có Citric acid, Crataegic acid, Cafeic acid, Vitamin C, Hydrad carbon, Protid, Lipid, Calci, Phospho, Fer, Oleanic acid, Cholin, Acetyl cholin, Phytosterin (Trung Dược Học).
+ Loại Sơn tra hồng có: Epicatechin, Quercetin, Hyperoside, Chlorogenic acid, Citric acid, Citric acid symmetrical monomethyl ester, Citric acid symmetrical dimethyl ester, Citric acid symmetrical trimethyl ester, Sucrose, Flavan polymers (Tạ Ngọc Nô, Thựcậttt Học Báo 1981, 23 (5): 383).
+ Ursolic acid 0,27% (Giả Nguyên Ấn, Trung Quốc Trung Dược Tạp Chí 1989, 14 (8): 466).
Tác dụng dược lý:
Tác dụng làm mạnh tim, hạ áp, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, gĩan mạch và chống loạn nhịp tim: Nước cất Sơn tra thực nghiệm trên động vật có tác dụng phòng và giảm bớt thiếu máu cơ tim (Trung Dược Học). Thí nghiệm trên thỏ gây tê, chích tĩnh mạch dịch chiết Sơn tra, thấy làm hạ áp đến 3 giờ. Thí nghiệm khác, thuốc gây nên dãn mạch. Thí nghiệm ở Trung Quốc và các nước khác cho thấy Sơn tra Sơn tra mọc ở nhiều nơi trên thế giới hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị chứng xơ cứng động mạch. Những thay đổi quan sát được ở súc vật thí nghiệm về mức độ Cholesterol trống rỗng trong động mạch và động mạch chủ. Nghiên cứu 20 ca thấy Cholesterol giảm từ 253mg% xuống 207mg% (Chinese Herbal Medicine).
Tác dụng hạ Lipid trong máu, giảm xơ mỡ động mạch. Cơ chế chủ yếu là do thuốc có tác dụng tăng nhanh bài tiết Cholesterol chứ không phải chống hấp thu Cholesterol (Trung Dược Học).
Sau khi uống Sơn tra, lượng enzym trong dạ dày tăng, giúp tiêu hóa tốt hơn, lượng acid béo tăng giúp tiêu hóa chất béo tốt hơn (Trung Dược Học).
Tác dụng ức chế trực khuẩn thương hàn, lỵ, bạch hầu, mủ xanh, liên cầu khuẩn Bêta, tụ cầu vàng (Trung Dược Học). Nước sắc Sơn tra 20% và đường cho 2 nhóm bệnh nhân bị lỵ trực khuẩn dùng. Trong tổng số 54 bệnh nhân, chỉ có 3 ca không có dấu hiệu tiến bộ trong vòng 1 tuần mà thôi (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng an thần, làm tăng tính thẩm thấu của mao mạch và làm co tử cung (Trung Dược Học).
Khí vị:
Vị chua, khí bình, không độc, vào kinh Túc dương minh, Túc thái âm.
Chủ dụng:
Tiêu thức ăn tích tụ, là thuốc chủ yếu của nhi khoa, chữa đau Dạ con cho sản phụ, còn nên dùng nó để tiêu huyết trệ, chữa sang lở, hành khí kết, khỏi đầy trướng, mạnh Tỳ Vị. là vì vị chua thuộc Giáp, ngọt thuộc Kỷ, Giáp Kỷ hóa Thổ cho nên cho vào thuốc bổ Tỳ để giúp Tỳ vận hóa. Lại như tác dụng tiêu huyết cục, hóa thịt tích cũng cần dùng vì vị chua vào Gan trừ bỏ huyết tích trệ, thịt tích trệ cũng là huyết dịch hóa ra. Hột của Sơn tra chủ về thúc đẻ và chữa Sán khí.
Hợp dụng:
Cùng dùng với Sâm, Truật thì tiêu được tích trệ, cùng dùng với Khung Quy thì tan được huyết cũ.
Cấm kỵ:
Nếu Tỳ hư không vận hóa được mà uống nhiều, uống lâu thì càng hại đến khí sinh hóa của Tỳ Vị, lại càng trệ thêm, vì Sơn tra không có khả năng dẹp yên rối loạn, lại không có lực bổ ích cho chân nguyên, chỉ có dùng tạm để giúp cho các vị thuốc khác.
Cách chế:
Thứ lâu năm thì tốt, rửa sạch, đồ mềm bỏ hạt dùng.
Nhận xét:
Sơn tra khéo trừ được thịt tanh tao tích trệ, không giống với Mạch nha tiêu ngũ cốc tích trệ. Trọng Cảnh chữa thương hàn gồm 113 phương chưa từng dùng Mạch nha, Sơn tra là vì sao? Là vì tính nó chậm, giống như người không có khả năng dẹp loạn, cho nên chỉ dùng Tiểu, Đại thừa khí thôi. Nếu không có thịt cá tích trệ thì không nên dùng Sơn tra, e rằng không ích lợi gì mà còn có hại ít nhiều.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Hóa thực dưỡng tỳ thang
Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Bán hạ đều 8g, Trần bì, Đại táo, Mạch nha, Son tra, Thần khúc đều 4g, Sa nhân 3g, Can khương 2g, Cam thảo 2g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Áp dụng: Những người yếu Dạ dày, giãn, mất trương lực Dạ dày, thiếu dịch vị, không muốn ăn, ăn khó tiêu, liệt nhược nên dùng bài này. Thuốc này chữa hư chứng cho người có mạch hư, da thịt mềm mỏng
“Y phương tập giải”
Bài Kiện Tỳ hoàn
Đảng sâm 80g, Bạch truật 80g, Trần bì 80g, Chỉ thực 120g, Mạch nha 80g, Sơn tra 60g, Thần khúc vừa đủ.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 8-16g, ngày vài lần.
Trị Tỳ hư, khi yếu, ăn uống không tiêu.
“Thiên gia diệu phương”
Bài Thất tiếu tán gia vị
Ngũ linh chi 9g, Bồ hoàng 5g, Sơn tra nhục 15g, Bạch thược 12g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng hành khí, tiêu trệ, hoạt huyết, hóa ứ.
Chữa bệnh tắc môn Vị, hễ ăn vào là mửa ra.
Bài này tuy đơn giản mà có sức hành khí, thông trệ, hoạt huyết, hóa ứ, có thể thông được kết tắc ở Vị Tràng, cho nên chữa được chứng quan cách bất thông. Sau khi dùng bài này có kết quả có thể xuất hiện chứng Tỳ hư, khí nhược, nên kết hợp kiện Tỳ, bổ khí, dùng thêm các bài như Tứ quân tử thang, hoặc Sâm linh bạch truật tán.