Mục lục
SƠN DƯƠNG
Tên khác: Dê núi, tu kêt (Tày), tu dâng (Thái).
Tên khoa học: Capricornis sumatrensis Bechstein Họ Bò (Bovidae).
MÔ TẢ
Thân nhỏ, cao 50 – 60cm, có bộ lông dày và cứng, màu xám đen. Đầu múp, đôi sừng không phân nhánh, cong về phía sau, bờm ngắn phủ từ trán đến vai, tai nhỏ, mõm nhọn, ở dưới tai, mõm và xung quanh mắt, mũi, có lông dài màu vàng nhạt, trên trán có lông ngắn màu trắng. Đuôi ngắn.
PHÂN BỐ, NƠI SỐNG
Trên thế giới, sơn dương phân bố ở châu Á bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam.
Ở Việt Nam, sơn dương sống hoang ở Tây Bắc, Việt Bắc, vùng biển Đông Bắc, Khu bổn và Tây Nguyên.
Sơn dương có ở rừng núi đá vôi, chỗ cheo leo, hiểm trở từ lưng chừng đến đỉnh núi, trong các hang nhỏ. Sống theo đàn, ăn cỏ, lá, quả, rêu. Thời kỳ động dục vào tháng 9-11. Sinh con vào tháng 3 – 4, mỗi năm một lứa, mỗi lứa 1 con.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN
Xương sơn dương thu hoạch khi giết và xả thịt. Rồi nấu thành cao đặc để dùng. Có khi, người ta còn nấu xương sơn dương với xương dê nhà và đặc biệt với xương hổ để tăng giá trị chữa bệnh của cao hổ cốt. Cách nấu cao xương sơn dương giống như nấu cao hổ cốt.
Sừng sơn dương còn nguyên cả đế, cạo sạch thịt và lông, phơi cho khô.
Tiết sơn dương, hứng lấy khi cắt tiết con vật và được dùng ngay.
Ngoài ra, thịt và mật sơn dương cũng được dùng.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Xương sơn dương chứa calci phosphat, oscein, các muối Fe, K, Na, Mg.
Tiết sơn dương có albumin, hemoglobin, chất béo, đường, muối khoáng.
Thịt sơn dương chứa protid, lipid, các vitamin.
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
- Xương sơn dương có vị ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng trừ thấp, mạnh gân cốt, giảm đau chữa thiếu máu, tê thấp, nhức mỏi gân xương, đau lưng.
Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g cao cắt mỏng dưới dạng rượu ngâm hoặc uống với nước ấm.
- Tiết sơn dương có vị mặn, tanh, tính bình, có tác dụng tán ứ, trừ độc, chữa ngộ độc nấm độc hoặc thức ăn nhiễm độc (uống ngay tiết còn nóng) hoặc chữa ứ huyết, tụ máu bầm tím gây sưng đau (pha tiết với rượu mà uống).
- Sừng sơn dương đốt thành than, tán nhỏ, uống mỗi lần 12 g với rượu là thuốc chữa sẩy thai (Nam dược thần hiệu). Để chữa sốt cao, mê man, lấy sừng sơn dương chặt nhỏ, rang khô rồi nghiền thành bột, rây mịn, uống ngày hai lần, mỗi lần 2 – 5g.
- Thịt sơn dương được dùng theo kinh nghiệm của đồng bào miền núi để tăng cường thể lực, bớt mệt mỏi trong lao động, giảm đau xương, đau mình. Người bị ngoại cảm, sốt cao, không được dùng thịt sơn dương.
- Mật sơn dương chữa hen suyễn, bệnh ngoài da
BÀI THUỐC
- Chữa đau đầu, nôn mửa, mê man: Sừng sơn dương (1 cái) chặt nhỏ, sao vàng cho khô giòn, tán thành bột, sắc với xuyên khung (10g), thiên ma (5g), và 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
- Chữa sốt cao, co giật: Sừng sơn dương (30g), câu đằng (10g). Tất cả giã nhỏ, sắc uống trong ngày.