Tiêu chảy là biểu hiện của một bệnh ở đường tiêu hóa thường gặp, các bệnh lỵ vi khuẩn, viêm ruột, tiêu hóa không tốt, trúng độc thức ăn v.v… đều gầy nên tiêu chảy, bệnh này càng thấy nhiều ở trẻ em. Có rất nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy, càng ăn uống nhiều thì càng bị tiêu chảy nhiều, cho nên cần hạn chế ăn uống, hạn chế ăn canh và uống nước. Thậm chí có người còn cho rằng cứ để cho đi hết các thứ trong bụng đi là sẽ hết tiêu chảy, cho nên khi bị tiêu chảy họ hoàn toàn kiêng ăn, tuyệt đối không ăn, không uống gì. Nhưng đa số người thì cũng từ việc lo cho người bệnh, nhất là đối với trẻ em, khi bị tiêu chảy thì công năng của dạ dày và ruột đã bị tổn thương, cần để cho dạ dày và ruột được nghỉ ngơi thích đáng, khôi phục lại sức khỏe, tránh tăng thêm gánh nặng cho dạ dày và ruột, tránh làm tiêu chảy nặng thêm lên, cho nên đã áp dụng biện pháp hạn chế ăn uống. Họ thường chỉ cho người bệnh uống rất ít nước cháo loãng, canh miến, canh mì cho thêm vào ít thức ăn thanh đạm, còn về những thức ăn giàu chất dinh dưỡng như sữa bò, trứng gà, các loại thịt v.v… thì hoàn toàn kiêng. Còn một số chuyên gia thì không thể không lo ngại nêu ra rằng biện pháp ăn kiêng khem và hạn chế ăn uống như vậy có thể sẽ làm cho cơ thể người bệnh tiêu chảy càng thêm hư nhược, bệnh tình càng nặng thêm lên, thậm chí có thể gây nên tử vong.
Phần lớn tiêu chảy là do vi khuẩn hoặc virus gây nên, biện pháp tốt nhất điều trị tiêu chảy là rất nhanh thanh trừ các vi khuẩn và virus gây bệnh trong đường ruột, thúc đẩy sự phục hồi nhanh niêm mạc ruột đã bị tổn hại. Còn hạn chế quá khắt khe ăn uống không giúp ích gì cho hai mục đích trên. Tuy nó có thể làm cho lượng phân tiêu chảy giảm thiểu đi đôi chút, nhưng do nguyên nhân gây bệnh không được thanh trừ, đường ruột vẫn bị các vi khuẩn và virus gây bệnh xâm hại, phần lớn vẫn tiếp tục bị tiêu chảy như thường. Còn nếu khi đó không còn bị tiêu chảy thì ngược lại sẽ làm cho những độc tố do vi khuẩn và virus gây bệnh sản sinh ra càng nhiều lưu trệ lại ở trong đường ruột, sinh ra tác hại càng lớn hơn đối với niêm mạc cũng như đối với toàn bộ cơ thể.
Một số người bị bệnh lỵ vi khuẩn do trúng độc, lượng phân tiêu chảy rất ít, thậm chí căn bản không thấy có triệu chứng tiêu chảy, nhưng triệu chứng trúng độc có tính toàn thân của họ thì lại hết sức nghiêm trọng, uy hiếp càng lớn đối với tính mệnh.
Khi bị tiêu chảy, do vì thành phần nước và chất dinh dưỡng, nhất là các thành phần điện giải như nước, kali, natri, clo v.v… bị mất đi rất nhiều, người bệnh thường rất hư nhược, khi đó, cơ thể bức thiết cần phải bổ sung dinh dưỡng, nếu khi đó áp dụng những biện pháp hạn chế ăn uống, không uống nhiều nước, thì sẽ làm cho cơ thể người bệnh hấp thu không bù lại được với mất đi. Điều này càng làm bệnh tình nặng thêm nguy hiểm đối với người bệnh, nhất là trẻ em và người già yếu. Quan điểm cho rằng “cứ để cho ra hết các thứ trong bụng đi là sẽ hết tiêu chảy” hết sức sai lầm. Người bị tiêu chảy nếu quả là đã đến mức hết không còn gì để tiêu chảy nữa, không có nước có thể chảy ra được nữa thì e rằng người bệnh đã đến lúc không còn có thuốc gì để cứu chữa được nữa rồi.
Nếu chỉ để cho người bệnh tiêu chảy uống nước cháo loãng, ăn nước canh miến không thôi thì cách làm này cũng không thể chấp nhận được. Cách làm chính xác cần phải là: Đồng thời với việc tăng cường uống nước, tăng cường ăn những thức ăn giàu thành phần dinh dưỡng như protein, muối vô cơ, nhưng phải chế biến thế nào để thật dễ tiêu hóa, để cho người bệnh nhai nuốt được từ từ vào họng, ăn ít một, chia làm nhiều bữa, để đạt được mục đích vừa tăng thêm dinh dưỡng, lại vừa dễ tiêu hóa, hấp thu. Các thức ăn như sữa bò, các loại trứng, các loại thịt, các chế phẩm của đỗ, đậu, chỉ cần ăn đúng cách, đều là những thức ăn tốt, cần thiết cho người bệnh tiêu chảy. Trước đây mười mấy năm, Tổ chức Y tế thế giới đã có một báo cáo tại Manila, thủ đô của Philippin đề nghị các bà mẹ không nên hạn chế ăn uống đối với những trẻ em bị bệnh tiêu chảy. Trong báo cáo có nói: Các trẻ em dinh dưỡng không tốt càng dễ bị bệnh tiêu chảy mà bệnh tiêu chảy lại càng làm nặng thêm tình trạng dinh dưỡng không tốt. Không cho các trẻ bị bệnh tiêu chảy ăn uống tốt, hết sức có hại, bởi vì trẻ không có cách gì để bổ sung các chất dinh dưỡng hết sức cần thiết đã bị mất đi lượng lớn.
Các chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ cũng cho rằng tăng thêm dinh dưỡng ăn uống cho những trẻ em bị bệnh tiêu chảy có thể hạ thấp khả năng phát sinh các chứng bệnh bội nhiễm. Các chuyên gia đó còn cho rằng ở thời kỳ khôi phục lại sức khỏe của những trẻ em bị tiêu chảy, lượng hấp thu nhiệt năng cần tăng thêm 25%, lượng hấp thu chất protein cần tăng lên gấp đôi. Đối với những người lớn bị bệnh tiêu chảy cũng cần phải tăng lên thích đáng các chất dinh dưỡng.