SA NHÂN
Tên khoa học: Amomum sp.
Họ Gừng – Zingiberaceae.
Các loài sau đây cho vị dược liệu sa nhân dùng trong ngành Dược:
+ Amomum ovoideum Pierre
+ Amomum villosum Lour., var. xanthioides (Wall.) T.L Wu ex Senjen Chen
+ Amomum longiligulare T.L.Wu
+ Amomum thyrsoideum Gagnep.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo, cao 0,5 – 1,5m trông hơi giống cây riềng nhưng thân rễ không thành củ, mà mọc bò ngang, chằng chịt như mạng lưới. Lá xanh, nhẵn bóng, có bẹ, không cuống, mọc so le. Ở mép giữa bẹ lá và phiến lá có một lưỡi lá nhỏ dài 0,2 – 0,5cm, riêng loài A. longiligulare thì dài hơn (3 – 5cm). Hoa màu trắng, mọc thành chùm ở sát gốc. Quả nang, 3 ô, có gai mềm, khi chín có màu nâu hồng (A. ovoideum) hoặc màu xanh lục (A. villosum). Hạt màu nâu sẫm, hình khối đa diện có mùi thơm của camphor.
Mùa ra hoa tháng 5 – 6. Mùa quả chín tháng 7 – 8.
Mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Sơn La, Phú Thọ, Bắc Cạn, các tỉnh miền trung như Quảng Nam, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Cây sa nhân thường ưa mọc dưới tầng cây râm mát, dọc theo bờ suối.
Trồng trọt và thu hái
Trồng sa nhân bằng các gốc đã được cắt ngọn.
Thu hoạch vào thánh 7 – 8 khi vỏ quả có màu vàng sẫm.
Bộ phận dùng
– Quả gần chín, được bóc vỏ và phơi khô – Fructus amomi.
– Tinh dầu – Oleum Amomi.
Quả sa nhân là một khối hạt hình bầu dục hay hình trứng dài 0,8 – 1,5cm, đường kính 0,6 – 1cm, màu nâu nhạt hay nâu sẫm có 3 vách ngăn, mỗi ngăn chứa 7 – 16 hạt. Hạt có áo mỏng trắng mờ. Hạt cứng, nâu sẫm, hình khối đa diện, nhăn nheo. Mùi thơm, vị cay.
* Vi phẫu:
– Vỏ hạt: Gồm có vỏ ngoài và vỏ trong:
+ Vỏ ngoài: Lớp tế bào biểu bì có màng dày, ngoài có tầng cutin; lớp tế bào hạ bì màng dày, màu tím sẫm; lớp tế bào chứa tinh dầu hình vuông, màng mỏng.
+ Vỏ trong: Gồm lớp tế bào mô cứng, màng dày màu nâu.
– Nhân hạt: Gồm ngoại nhũ, cấu tạo bởi các lớp tế bào thành mỏng, có chứa tinh bột. Nội nhũ gồm các tế bào nhỏ hơn. Cây mầm nằm ở giữa khối nội nhũ.
Thành phần hoá học
– Hạt có chứa tinh dầu: DĐ III (2002) qui định hàm lượng tinh dầu trong quả không dưới 1,5%.
Trong hạt còn có chứa chất béo.
– Tinh dầu sa nhân là chất lỏng không màu, mùi thơm hắc, vị nồng và đắng. d29: 0,947 – 0,956; nD29: 1,465 – 1,466; D29: + 38,850 đến + 410;. Thành phần chính của tinh dầu là camphor (37,4 – 50,8%), bornylacetat (33,7 – 39,1%), borneol (0,1 – 6,4%). Tỷ lệ hàm lượng giữa 2 thành phần camphor và bornyl acetat thay đổi theo từng loài. Ở loài Amomum longiligulare hàm lượng camphor bao giờ cũng cao hơn hàm lượng bornyl acetat còn ở loài Amomum ovoideum thì ngược lại.
Công dụng
Sa nhân dùng để chữa ăn không tiêu, đầy hơi, nôn mửa, an thai.
Tính vị: Cay, ấm, tác dụng vào kinh tỳ, thận và vị. Có tác dụng ôn trung, hành khí, hoà vị, làm cho tiêu hoá dễ dàng.
Ngoài ra sa nhân còn làm tăng tính ấm của các vị thuốc (chế thục địa). Dùng làm gia vị, pha chế rượu mùi.
Tinh dầu sa nhân được dùng làm dầu cao xoa bóp.
Ghi chú
Trên thị trường còn có một số dược liệu mang tên sa nhân, có nguồn gốc thực vật như sau:
– Amomum auranntiacum H.T. Tsai et A.W.Zhao: Hàm lượng tinh dầu trong quả là 2,2%. Thành phần chính của tinh dầu là linalol (14%) và nerolidol (78,4%). Sa nhân này được xuất sang Trung Quốc với giá đắt hơn sa nhân dược dụng.
– A. lappaceum Ridl. (sa nhân thầu dầu): Tinh dầu tập trung chủ yếu ở vỏ quả (0,89%), ở hạt thấp (0,10%). Thành phần chính của tinh dầu vỏ quả là b -pinen (62,4%), a -pinen (14,4%) và các hợp chất hydrocarbon monoterpenic khác.
– Sa nhân trên ngọn: Là hạt của một loài Alpinia sp. được nhân dân các tỉnh vùng núi phía Bắc (Lai Châu, Lào Cai v.v…) thu hoạch và bán với tên “Sa nhân”. Cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. quả có chưa 0,19% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là linalol (11,4%), citronelol (10,5%), geraniol (31,2%), geranylacetat (8,0%) .
– Sa nhân hồi (Amomum schmidtii Gagnep.): Lá có mùi hồi, chứa 0,85% tinh dầu (tính trên nguyên liệu tươi). Thành phần chính là trans-p-(1-butenyl)-anisol (thường gọi là methyl anethol). Cây này được phát
hiện ở Quảng Nam và vùng Tam Đảo. Cần nghiên cứu khai thác và sử dụng.
– A. pavieanum Pierre: Lá chứa 0,06% tinh dầu (nguyên liệu tươi). Thành phần chính của tinh dầu là methylchavicol (86,0%)
– A. unifolium Gagnep. ( Sa nhân một lá): Lá chứa 0,6% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là citral (36,7 – 39,4%) và geraniol (28,5 – 29,9%).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật