Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt còn có nhiều tên gọi khác nhau trong y văn như viêm màng ngoài tim dày dính, viêm màng ngoài tim chèn ép, bệnh tim “áo giáp”, bệnh “cứng màng tim”, v.v… Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt được hình thành chủ yếu do màng tim bị dày ra, thành sẹo, tạo nên một vỏ bọc cứng dính chặt vào lớp màng ngoài trên tim (thượng tâm mạc), bao bọc lấy tim, kém di động hoặc không di động. Kết quả cuối cùng là tim bị chèn ép, nghĩa là co bóp khó khăn ở thì tâm thu và thì tâm trương.

Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là bệnh thấp và bệnh lao. Ngoài ra, bệnh này còn có thể phát sinh ra sau khi bị nhiễm trùng máu, viêm phổi, chấn thương tim và màng ngoài tim. Quá trình viêm màng ngoài tim là biểu hiện tại chỗ của trạng thái nhiễm trùng chung của toàn cơ thể. Rất hiếm khi thấy viêm màng ngoài tim co thắt phát triển trên cơ sở lan tràn sự nhiễm trùng từ các cơ quan lân cận tới. Trong đại đa số các trường hợp, quá trình hình thành viêm màng ngoài tim co thắt được bắt đầu bằng hiện tượng viêm xuất tiết cấp tính màng ngoài tim. Sau đó, các chất xuất tiết tiêu tan đi, rồi các sợi huyết còn lại chóng bị các tổ chức hạt thay thế và biến thành tổ chức liên kết và cuối cùng thành sẹo. về sau, tổ chức sẹo màng ngoài tim bị thoái hóa kính (hyalinose) co dúm lại và thường bị vôi hóa (calcitication). Trong trường hợp đó, người ta gọi bệnh này là bệnh “cứng tim”, hay bệnh “áo giáp tim”. Phần màng ngoài tim bao phủ tâm nhĩ phải và tâm thất phải thường bị tổn thương nặng nhất so với phần màng ngoài tim bao phủ trên tâm thất trái.

Đại đa số các tác giả cho rằng, trong bệnh viêm màng ngoài tim co thắt, chủ yếu chức năng tâm trương của các tâm thất bị tổn thương nặng, do đó mà thể tích tâm thu của các tâm thất bị giảm đi. Trong bệnh này, sự rối loạn chức năng của tim còn phụ thuộc vào sự biến đổi ở cơ tim nữa. Những sự biến đổi đó xảy ra do quá trình viêm chuyển từ màng ngoài tim vào trong cơ tim và do màng ngoài tim dày chèn ép vào các động mạch vành tim. Sự giảm nuôi dưỡng cơ tim sẽ dẫn tới sự rối loại dinh dưỡng trong cơ tim.

Triệu chứng chính của bệnh viêm màng ngoài tim co thắt có liên quan mật thiết đến tình trạng suy tim mạn tính do bệnh gây nên. Các dấu hiệu thường hay gặp nhất trong bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là: khó thở, suy yếu toàn thân, tim đập nhanh, bụng to và do có cổ trướng (ascite), phù hai chi dưới, đôi khi đau tức ở dưới sườn phải do gan bị to ra vì ứ đọng máu trong gan. Thường thấy khó thở xuất hiện khi làm việc gắng sức do thể tích tâm thu bị giảm và cơ tim bị biến đổi. Bụng to thường là nguyên cớ làm cho bệnh nhân phải đi khám bệnh để điều trị. Các triệu chứng khác không kém phần quan trọng để chẩn đoán bệnh là: tĩnh mạch cổ nổi rõ, mỏm tim không đập, diện tích tim không to như trong viêm màng ngoài tim có mủ cấp tính, áp lực tĩnh mạch tăng cao, trên băng ghi điện tim thấy các sóng bị giảm thế, khoảng cách s – T không đúng chỗ, làn sóng T âm tính trong 3 đạo trình chuẩn. Pick (1896) đánh giá dấu hiện gan to và cổ trướng như hậu quả của hiện tượng “giả xơ gan”. Hai dấu hiệu này gặp thường xuyên trong bệnh viêm màng ngoài tim co thắt. Trong bệnh viêm màng ngoài tim co thắt thường không nghe thấy tiếng thổi bệnh lý ở tim như trong các trường hợp bệnh tim khác. Cũng không thấy có hiện tượng lá lách to như trong trường hợp xơ gan thực sự với hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Bệnh viêm màng tim co thắt chỉ có thể điều trị khỏi được bằng phương pháp mổ xẻ: cắt bỏ rộng màng ngoài tim dày cứng. Chống chỉ định mổ trong các trường hợp bệnh quá nặng và tuổi cao với những biến đổi nặng ở cơ tim. Trước khi mổ, cần phải điều trị nâng cao thể trạng của bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp thiếu đạm nặng. Nếu có tràn dịch màng phổi và cổ trướng, cần phải chọc hút bớt dịch màng phổi, màng bụng ra trước khi tiến hành mổ xẻ cắt bỏ màng ngoài tim. Để chuẩn bị mổ, cho bệnh nhân thuốc trợ tim, lợi tiểu, dung dịch Kalium, v.v… cắt bỏ rộng màng ngoài tim, giải phóng hai tâm thất, nhĩ phải và hai lỗ vào tim của tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới, cho kết quả tốt nhất. Sau khi mổ, bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn, cổ trướng tiêu đi, gan nhỏ lại với kích thước bình thường, khả năng lao động được phục hồi lại. Tỷ lệ tử vong sau mổ thường thấp hơn nhiều so với bệnh viêm màng ngoài tim có mủ cấp tính, cắt màng ngoài tim ít, giải phóng từng phần nhỏ trên các buồng tim không cho kết quả tốt dài lâu.

5/52 ratings
Bình luận đóng