Khái niệm
Bề mặt lưỡi hiện rêu trắng gọi là chứng “Rêu lưỡi trắng”. “Rêu”, Trung văn gọi là chữ “Đài”, nhưng cổ đại thường viết là “Thai”.
Mục Bạch thiệt loại chẩn pháp sách Biện thiệt chỉ nam nói: “… Bề mặt lưỡi có mầu đỏ nhạt, rêu lưỡi hơi trắng bị nhiễm thấp hoặc khô, không trơn không ráo đó là cái rêu vô bệnh… “Tức .là nói chất lưỡi của người bình thường thì đỏ nhạt, rêu lưỡi hơi trắng, so với loại rêu lưỡi trắng thuộc tính chất bệnh lý cần phải phân biệt. Ngoài ra, nếu rêu lưỡi trắng mà kèm theo nhớt có thể tham khảo mục “Rêu lưỡi trắng nhớt”.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Rêu lưỡi trắng do phong hàn phạm Biểu: Có chứng Rêu lưỡi trắng mỏng, kiêm các chứng sợ lạnh hoặc sợ gió đầu gáy đau cứng phát nhiệt không mồ hôi, đau mình mạch Phù Khẩn.
- Rêu lưỡi trắng do phong thấp xâm phạm phần Biểu: Có chứng Rêu lưỡi trắng trơn, sợ lạnh phát sốt không mồ hôi, đầu đau, đầu nặng, lưng và cột sống đau nặng nề chân tay mình mẩy nhức mỏi hoặc đau nhức toàn thân không xoay chuyển được mạch Khẩn.
- Rêu lưỡi trắng do Tỳ dương hư suy: Có chứng Rêu lưỡi trắng và sạch, sáng bóng ít tân dịch trông giống như rải rác những mảng tuyết ở bề mặt lưỡi, sắc trắng nói chung cũng giống như rêu lưỡi trắng, tục gọi là “Tuyết hoa đài” kiêm chứng sắc mặt không tươi, bụng lạnh đau ưa ấm ưa xoa bóp bụng đầy có lúc giảm kém ăn đại tiện nhão, tiểu tiện trong, thân mình và chân tay lạnh, nằm co yếu ớt, đoản hơi biếng nói, mạch Trì hoặc Hoãn vô lực.
Phân tích
- Chứng Rêu lưỡi trắng do phong hàn phạm Biểu: Tà khí phong hàn từ ngoài xâm phạm vào cơ biểu, từ bì mao lọt vào, tà khí phạm vào kinh Thái dương Bàng quang. Hàn là âm tà dễ tổn thương dương khí cho nên sách Biện thiệt chỉ nam có nói: “Lưỡi không có rêu mà nhuận hoặc hơi trắng mỏng đó là phong hàn, chứng ở bên ngoài tất phải ố hàn phật nhiệt”. Yếu điểm biện chứng là phát nhiệt nhẹ mà ố hàn nặng, không có mồ hôi, không khát, rêu lưỡi trắng nhuận, chất lưỡi bình thường, đau đầu đau mình, mạch Phù Khẩn. Điều trị nên dùng phép tân ôn giải biểu cho uống phương Ma hoàng thang.
- Chứng Rêu lưỡi trắng do phong thấp xâm phạm vùng Biểu: Nguyên nhân bệnh do sáng sớm nhiễm lạnh hoặc đi đường xa vã mồ hôi vừa đầm đìa lại bị mưa lạnh, bị nhiễm hàn thấp từ bên ngoài, tà khí ẩn náu ở cơ biểu gây nên. Tà khí chưa truyền vào lý cho nên rêu lưỡi trắng mà hơi trơn. Sách Biện thiệt chỉ nam nói” Hàn thấp vốn là ân tà, mầu trắng là hiện tượng mát cho nên rêu lưỡi trắng trơn là do phong hàn kiêm thấp. Tính của hàn thấp nặng đục ngưng trệ cho nên đầu đau đầu nặng, lưng và cột sống nặng đau hoặc toàn thân đau nhức, mạch Huyền Khẩn, dương khí bị lấn át không phát tiết được cho nên ố hàn phát nhiệt cơ biểu không có mồ hôi. Chứng này với chứng rêu lưỡi trắng thuộc biểu chứng phong hàn rất giống nhau, nhưng chứng phong hàn phạm biểu thì rêu lưỡi trắng nhuận lại kiêm cả biểu chứng phong hàn. Còn chứng hàn thấp phạm biểu rêu lưỡi trắng trơn thì kiêm cả chứng thấp tà uất ở cơ biểu, Điều trị nên sơ phong tán thấp, dùng phương Khương hoạt thắng thấp thang.
- Chứng Rêu lưỡi trắng do Tỳ dương hư suy: Chứng này là do bệnh lâu ngày, Tỳ dương suy tổn hoặc là dùng thuốc thổ hạ nhiều trung khí bị tổn thương lớn, hoặc bị nhiễm lạnh do uống lạnh, Tỳ dương suy vi dần dần, hàn từ bên trong ngưng kết vít lấp Trung tiêu, vừa không thể vận hóa được thủy thấp vừa không chuyển vận được tân dịch đến nỗi rêu lưỡi trắng sạch, ít tân dịch không sáng bóng giống như hoa tuyết, Sách Biện thiệt chỉ nam nói: “Lưỡi nổi rêu trắng từng mảng như hoa tuyết tục gọi là Hoa tuyết đài, nguyên nhân do Tỳ lạnh mà bị vít lấp”.Yếu điểm biện chứng là ngoài triệu chứng rêu lưỡi trắng còn thêm chứng trong bụng lạnh đau, bụng đầy ưa ấm, chân tay mát lạnh , cơ thể lạnh thở yếu, Đây là những hiện tượng do Tỳ không được vận chuyển vận mạnh, hư hàn từ bên trong, điều trị nên dùng phép ôn trung kiện Tỳ dùng thuốc cam ôn để phù dương dùng phương Phụ tử Lý trung thang.
Lưỡi thấy rêu trắng nói chung chỉ về hàn chứng. Sách Thương hàn luận bản chỉ viết: “Nếu thấy rêu cáu bẩn sắc trắng là thuộc biểu hàn, nếu trắng đậm là hàn chứng nặng” Hàn có biểu hàn lý hàn khác nhau. Biểu hàn phần nhiều thấy rêu lưỡi trắng mỏng. Lý hàn thì rêu lưỡi trắng hơi dầy. Nếu có kiêm thấp thì rêu lưỡi trắng hơi nhớt. Nếu Tỳ dương hư suy dẫn đến rêu lưỡi trắng thì rêu trắng mà sạch, tân dịch ít mà sáng bóng giống như hoa tuyết, Lại căn cứ vào biểu hiện lâm sàng để phân biệt khá dễ. Nói chung rêu lưỡi trắng mỏng nói lên bệnh tình khá nhẹ. Rêu lưỡi trắng dầy nói lên lý hàn nặng, rêu lưỡi trắng như hoa tuyết là dấu hiệu Tỳ khí bại tuyệt rất nguy. Như sách Thương hàn thiệt giám nói: “Rêu lưỡi trắng có khi cũng là chứng chết chớ có coi thường”.
Trích dẫn y văn
Rêu lưỡi khô và dầy sắc trắng, bệnh đã 4,5 ngày chưa dùng qua thuốc phát hãn, tà nhiệt dần dần lấn vào sâu, hơi khát nước, nếu uống nhiều thì lại sinh lạnh, ứ đọng ở vùng ngực, doanh nhiệt mà Vị lạnh cho nên khiến cho phát sốt phiền táo, chân tay nghịch lạnh và rêu lưỡi trắng dầy và khô, mốc trắng đầy miệng. Điều trị nên uống Tứ nghịch tán gia Can khương (Thương hàn thiệt giám – Bạch thai thiệt tổng luận).
Lưỡi có rêu trắng như đồ vật nấu chín dầy dặn bao phủ cả lưỡi đó là vì uống lạnh quá nhiều, mạch không xuât hiện thì chết, dùng Tứ nghịch thang mà cứu vãn (Tứ chẩn quyết vị – Vọng chẩn).
Rêu lưỡi trắng dầy mà khô ráo đó là Vị táo khí bị tổn thương trong thuốc tư nhuận gia thêm Cam thảo là theo cái ý dùng vị ngọt làm cho tân dịch quay trở về… Nếu rêu trắng khô mỏng là tân dịch của Phế tổn thương gia Mạch đông, Hoa lộ và Lô căn chấp là những thứ mát mẻ nhẹ nhàng là điều tốt trên mọi điều tốt. Nếu rêu lưỡi trắng lại có sắc tía ở phía dưới là do thấp lấn át nhiệt ẩn náu. Trước hết nên tiết bỏ thấp và thấu nhiệt đề phòng nó can thiệp lẫn nhau không làm cho quấy rối, lại dùng phép từ lý thấu ra ngoài sẽ biến thành lưỡi nhuận (Ôn nhiệt kinh vĩ – Diệp Hương Nham Ngoại cảm ôn nhiệt thiên).
Khắp miệng có rêu lưỡi trắng khô khan ráo nẻ cạo không sạch hoặc rêu lưỡi không sạch hết, đó là chứng lý nhiệt kết thực… Lưỡi và khắp miệng nổi lên như mốc trắng hoặc là nổi từng điểm mốc, đó là bản thân Vị bị hư bại thường là tử vong (Biện thiện chỉ nam – Biện thiệt tri nhan sắc).