PHAN TẢ DIỆP
Folium Sennae
            Phan Tả Diệp là lá chét của 2 loài :
            – Phan Tả Diệp Ấn Độ hay Tinnevelly hay Phan Tả Diệp lá hẹp – Cassia angustifolia Vahl.
            – Phan Tả Diệp Khartoum hay Alexandrie thuộc Ai Cập hay Phan Tả Diệp lá nhọn – Cassia acutifolia Del., thuộc họ Vang -Caesalpiniaceae.
            Hai loài này có thành phần hóa học và một số tính chất gần giống nhau nên được trình bày chung.
Đặc điểm thực vật và phân bố
            Cây nhỏ cao có thể đến 1m mọc thành bụi, lá mọc so le, lá kép lông chim chẵn, loài C. acutifolia có từ 4 – 5 đôi lá chét, loài C.angustifolia có 5 – 8 đôi. Lá chét loài angustifolia dài 3 – 5cm, rộng 7 – 20mm (ở phần giữa lá), đỉnh nhọn. Lá chét loài acutifolia ngắn hơn, chiều dài 2 – 4cm, rộng 5 – 15mm, gốc lá lệch rõ rệt. 
Chỉ số lỗ khí* của C.acutifolia là 10 – 12,5 – 15, của C.angustifolia là 14 – 17,5 – 20. Hoa mọc thành chùm ở nách lá, cánh hoa màu vàng, có 10 nhị trong đó có 3 nhị lép. Qủa loại đậu, dẹt chứa 6 – 8 hạt. Qủa cũng được dùng như lá chét.
            C. angustifolia nguồn gốc A-rập, mọc hoang ở Yêmen, Xô-ma-li, được trồng ở Nam Ấn Độ (vùng Tinnevelly). Cây đòi hỏi khí hậu nóng nhưng lại mọc tốt nhất ở đất ẩm mát.
            C. acutifolia nguồn gốc ở châu Phi, mọc hoang và trồng ở Xu đăng được xuất cảng khắp thế giới qua hải cảng Alexandrie (Ai cập).
            Phan tả diệp đã trồng thành công ở Udơbêkistan và Tatgikistan. Ta có nhập hạt giống trồng thử  thì thấy cây mọc được ở khí hậu nước ta. Hàng năm thế giới sản xuất đến hàng nghìn tấn lá Phan tả diệp.
            Vi Phẫu: Lá chét cắt ngang thấy dưới lớp biểu bì trên và biểu bì dưới đều có mô mềm giậu, lớp giữa là mô khuyết. Trên biểu bì có lông che chở đơn bào thành dầy, xù xì, hơi phình ở gốc. Phần ứng với gân chính có 1 cung libe gỗ bao bọc bởi các sợi vỏ trụ có kèm theo những tế bào mang tinh thể calci oxalat hình khối.
            Bột :Mảnh biểu bì gồm các tế bào nhiều góc có thành tế bào thẳng, các lỗ khí có tế bào bạn xếp theo kiểu cà phê (hay bình trục thức). Lông che chở đơn bào có thành xù xì, xung quanh chân lông có các tế bào biểu bì chụm lại hình hoa thị. Sợi kèm theo tế bào có calci oxalat hình khối.
Thành phần hóa học
            Phan Tả Diệp chứa khoảng 2 – 3% những dẫn chất anthranoid.
            + Những dẫn chất Anthranoid ở dạng tự do: chiếm tỉ lệ ít (0,05 – 0,10%) trong đó chủ yếu là  rhein, ngoài ra có một ít aloe emodin và chrysophanol.
            + Những Anthraglycosid : Sennosid A và B được Stoll (Thụy Sĩ) cùng các cộng sự phân lập và xác định công thức vào năm 1949. Đây là thành phần chính của lá phan tả diệp. Những chất này có màu vàng dễ kết tinh, phản ứng acid, hơi tan trong nước, tan trong cồn. Khi thủy phân bằng acid, mỗi phân tử sennosid A hoặc B giải phóng ra 2 phân tử  glucose. Phần aglycon là các sennidin A hoặc B, đây là hai đồng phân, sennidin A là đồng phân quay phải còn sennidin B là đồng phân meso. Cấu tạo của chúng là dirhein anthron, phần đường đính vào vị trí 8 và 8’ để tạo thành sennosid. Các sennidin không bền ngoài không khí, bị oxy hóa thành dirhein và rhein.
            Năm 1965 Lemli (Bỉ) còn tách được từ lá các sennosid C và D. Hai glucosid này cũng là hai đồng phân mà aglycon là một heterodianthron của rhein và aloe -emodin.
            Ngoài ra còn có aloe -emodin glucosid, rhein -8- glucosid.
            + Những dẫn chất flavonoid: kaempferol, isorhamnetin và những glycosid của chúng.
            + Chất nhựa: (ít được nghiên cứu) Chất nhựa này gây tác dụng phụ (đau bụng), tan được trong cồn và nước nóng nhưng để nguội thì tủa, do đó nước hãm cần để nguội và lọc loại nhựa trước khi uống.
            Quả, ngoài sennosid A và B còn có glucosennosid A và B là những glycosid sơ cấp, tan nhiều trong nước hơn các sennosid tương ứng. Ngoài ra còn có rhein 8 -monoglucosid, rhein -8 – diglucosid, rhein – anthron -8 – glucosid và chrysophanol glucosid.
            Hạt không chứa anthranoid nhưng sau khi nẩy mầm thì có chrysophanol rồi aloe emodin và sau cùng là rhein được tạo thành trong cây con. Anthranoid ở trong lá non chuyển vào  bầu và tích lũy ở đó nhưng lại giảm đi khi hạt phát triển.
            Định lượng. (theo Dược điển Pháp 1972)
            Trong bình cầu 100ml, cân chính xác 1 lượng bột lá khoảng 0,150g. Thêm 30ml nước trộn và cân. Nhúng bình vào nồi cách thủy và đun hồi lưu 15 phút. Để nguội, cân và thêm nước cho đến khối lượng ban đầu. Ly tâm, lấy 20ml cho vào bình gạn và thêm 1 giọt HCl (T.T). Lắc hai lần với 15ml chloroform, tách lớp chloroform. Ly tâm lấy lớp nước và hút 10ml dung dịch cho vào một bình 100ml đáy tròn cổ mài. Điều chỉnh pH 7 – 8 với khoảng 20,2ml dung dịch natri carbonat 5%. Thêm 20ml dung dịch sắt ba chlorid 10%, lắc đều. Đun hồi lưu trên cách thủy trong 20 phút.Thêm 1ml HCl (T.T) và đun thêm 20 phút. Lắc cho tan tủa. Để nguội, chuyển sang bình gạn. Lắc 3 lần, mỗi lần với 25ml ether (đã được dùng để tráng bình). Gộp 3 dịch chiết ether lại, rửa 2 lần mỗi lần 15ml nước. Cho dịch ether vào bình có ngấn, thêm đủ 100ml với ether. Lấy 10ml dung dịch ether, bốc hơi và hòa cặn trong 10ml KOH 1N, lọc, nếu cần thì dùng phễu xốp. Mặt khác, hòa 0,100g 1,8-dihydroxyanthraquinon trong 250ml ether, lấy 5ml dung dịch và thêm đủ 100ml với ether, lấy 5ml dung dịch ether bốc hơi đến khô rồi hòa cặn trong 10ml KOH 1N. Đo mật độ quang dung dịch ở 500nm trong cốc dầy 1cm, cốc đối chiếu là nước.
             (1mg 1,8-dihydroxyanthraquinon tương đương với 1,797mg sennosid. )
            Sắc ký: tiến hành sắc ký lớp mỏng, dùng chất hấp phụ là silicagel GF254(chỉ thị huỳnh quang). Đun sôi 0,50g bột lá với 5ml hỗn hợp bằng nhau cồn và nước. Ly tâm, lấy dung dịch để chấm sắc ký. Đặt lên đường xuất phát của bản sắc ký 10ml dung dịch thành 1 vết dài 15mm và rộng 5mm. Khai triển bằng hệ: n propanol – acetat ethyl – nước (4 :40 :30). Để bốc hơi hết dung môi, phun acid nitric 25% và sấy 120° trong 10 phút. Để nguội rồi phun dung dịch KOH 5% trong cồn 50° cho đến khi xuất hiện vết. Phải có 2 vết nâu tía Rf 0,1 – 0,2 (sennosid B) và Rf 0,3 – 0,35 (sennosid A). Các vết này phài có Rf gần với Rf của các chất mẫu. Ngoài ra còn có 2 vết có màu nâu tía nhạt (sennosid C và D) ở phía trên các vết nói trên. Giữa 2 vết sennosid C và D còn có 1 vết đỏ của rhein glucosid có Rf 0,5 – 0,7 (Dược điển Pháp 1972). Có thể tiến hành trên silicagel thường và dùng dung môi benzen – acid acetic (80 :20) để tách các genin có nhóm COOH hoặc tiến hành với bột polyamid để tách các genin trung tính với dung môi benzen – acid acetic (90 :10) (Moes, 1964).
            Sắc ký trên giấy tiến hành với hệ dung môi: propanol – acetat ethyl – nước (4 :3 :3) để tách các sennosid, các vết sennosid A, B, cho các vết màu nâu dưới ánh đèn tử ngoại (Lemli 1965).
Tác dụng và công dụng
            Từ thế kỷ IX người A rập đã biết tác dụng nhuận và tẩy của phan tả diệp sau đó phan tả diệp được nhập vào châu Âu, hiện nay được dùn
g rất phổ biến.
            Tùy theo liều mà có tác dụng nhuận hoặc tẩy. Nếu uống thì có tác dụng sau 10 – 12 giờ, nếu thụt thì có tác dụng nhanh. Tác dụng chủ yếu là gây co bóp ruột già ngoài ra còn tác dụng lên cơ trơn của bàng quang và tử cung nên phải thận  trọng đối với người có thai, viêm tử cung, viêm bàng quang. Liều: giúp tiêu hóa 1 – 2g lá, nhuận 3 -4 g, tẩy xổ 5 -7g.
            Dùng dưới hình thức thuốc hãm, hoặc thuốc thụt. Để loại bớt chất gây đau bụng, trước khi dùng rửa dược liệu qua rượu hoặc sau khi hãm cần để nguội lọc loại chất nhựa.

            Quả cũng được dùng như lá sau khi loại hạt. Các sennosid A, B cũng được chiết xuất và dùng với liều 0,01 – 0,04g để làm thuốc nhuận tràng.

* Chú  thích: Chỉ số lỗ khí =100K/(B+K); K là  số tế bào  lỗ khí  trên một diện tích lá nhất định và B là số tế bào biểu bì  của cùng một  diện  tích lá.
 https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng