Mục lục
Tên khoa học:
Vitex trifolia L. Họ Cỏ Roi Ngựa (Verbenaceae)
Tên khác: Hột quan âm.
Mô tả:
Mạn kinh tử là một cây nhỏ hay nhỡ, mùi thơm, có thể cao tới 3m. cành non có 4 cạnh, có lông mềm bao phủ. Lá kép và thường gồm 3 lá chét. Có thứ chỉ có 1 lá chét (var. unifoliata). Trên cùng một cành nhiều khi phía trên hay phía dưới có lá đơn, chỉ gồm 1 lá chét. Cuống gầy hơi tròn có lông, dài 1 – 3cm, lá chét không cuống phiến lá chét hình trứng ngược hay hình cám dài 2,45 – 9cm, rộng 1 – 3cm, phía dưới hẹp lại. Mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông trắng. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân không nổi rõ. Hoa màu lơ nhạt, dài 13 -14mm, mọc thành chùy xim ở đầu cành, nhiều khi phía dưới có lá. Quả hình bầu dục có rãnh, đầu hơi dẹt, rộng chừng 6mm, được che kín quá nửa bởi đài phát triển và tồn tại. Mạn kinh tử có hình dáng rất đặc biệt. Hình cầu đường kính 5 – 6mm, mặt ngoài màu nâu đỏ đen, hơi phủ lớp phấn màu trắng tro (nếu soi kính sẽ thấy lông). Trên đỉnh có chỗ hơi hõm xuống. Phía cuống có đài tồn tại 1/2 – 2/3 quả, phía trên đài chia 5 hay 2 thùy. Vỏ ngoài mỏng, vỏ giữa xốp, vỏ trong màu xám vàng, chất nhẹ nhưng chắc, cắt ngang trông như có dầu, màu trắng có 4 ngăn, mỗi ngăn có 1 hạt. Vị đắng mùi thơm đặc biệt.
Cách Bào chế:
Theo Trung Y:
+ Dùng Mạn kinh tử thì bỏ tai, tẩm rượu một lúc, đồ chín độ 3 giờ, phơi khô dùng (Lôi Công Bào Chích Luận)
+ Bỏ tai, giã nát dùng (Bản Thảo Cương Mục)
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
+ Sấy bỏ tạp chất, dùng sống (thường dùng).
+ Tẩm rượu sao qua dùng trong trường hợp phong thấp, co giật.
+ Hạt, lá làm gối gối đầu để trị đau đầu, nhức mỏi.
Thành phần chủ yếu:
Quả có tinh dầu, trong tinh dầu có Cam phen, pinen, ditecpen alcool và tecphenilaxetat, có ancaloit, vitamin A.
Liều lượng thường dùng:
4 -16g.
Chú ý lúc dùng thuốc:
Dùng thận trọng đối với bệnh nhân đau đầu, đau mắt đỏ do huyết hư. Có tác giả dùng Mạn kinh tử và mở gấu lượng bằng nhau trộn với giấm thanh bôi vào tóc làm cho tóc đen và dài ( theo sách Thanh Huệ Phương).
Khí vị:
Vị đắng, cay, hơi ôn, không độc, khí vị thanh bạc, tính nổi mà đưa lên, thuộc loại dương dược, lại có thuyết nói âm ở trong dương, thuốc của kinh Thái dương, lại vào kinh Túc quyết âm, cả Túc dương minh, ghét Ô đầu, Thạch cao.
Chủ dụng:
Chữa gân xương hàn nhiệt thấp tê co quắp, chữa nhức đầu thuộc kinh Thái dương, chảy nước mắt, mắt mờ, lợi khớp xương, ù ù trong đầu, thông 9 khiếu, trừ trúng độc, tan phong thấp, làm sáng mắt, răng lung lay thì vững lại.
Cấm kỵ:
Vị hư thì cấm uống vì sinh ra đờm, chứng nhức đầu vì huyết hư dùng nó bệnh càng thêm nặng.
Nhận xét:
Mạn kinh tử bẩm thụ dương khí để sinh hóa theo hành Kim mà thành ra, mùi vị đắng, cay, ôn tán cho nên nó chủ chữa tà khí phong hàn thấp nhiệt và bệnh của 3 kinh Túc thái âm, Túc quyết âm và Túc dương minh.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Lan thất bí tàng”
Bài Trợ dương hòa huyết thang
Mạn kinh tử l,2g, Bạch chỉ 0,8g, Phòng phong 2,5g, Đương quy 2g, Sài hồ 2g, Thăng ma 2,5g, Hoàng kỳ 4g, Cam thảo 2g. Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Chữa nhiệt tà ủng tắc ở trên, mắt kéo màng trắng, nhiều ghèn và nước mắt, không đau nhưng khô rít khó mở mắt, hoa mắt, mắt không tỏ do uổng quá nhiều thuốc đắng lạnh.
“Thiên gia diệu phương”
Bài Phòng phong thược dược bạch chỉ thang Phòng phong 30g, Hồng hoa 10g, Tế tân 3g, Xuyên khung 15g, Cúc hoa 15g, Bạc hà 10g, Bạch thược 30g, Bạch chỉ 15g,
Mạn kinh tử 10g, Liên kiều 15g, Sinh Thạch cao 30g.
Sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, khứ ứ thông kinh. Chữa đau đầu do mạch máu.
Gia giảm: Nhức trán nhiều thêm Cát căn, Thăng ma. Mé trái đau nhiều thêm Cảo bản, Độc hoạt. Sau gáy đau nhiều thêm Khương hoạt, Ma hoàng. Đỉnh đầu đau nhiều thêm Long đởm thảo, Trân châu mẫu. Váng đầu thêm Ngưu tất, Hạ khô thảo, Hoàng tinh. Mất ngủ nhiều thêm Bá tử nhân, táo nhân. Mất ngủ kèm mộng mị thêm Dạ giao đằng, Hợp hoan bì. Kèm nóng ruột thêm Trúc diệp, Liên tử tâm, ăn kém thêm Tiêu tam tiên, Thảo đậu khấu.
“Những bài thuốc tâm huyết..
Bài Đầu thống phương Bạch thược 10g, Hoàng cầm (sao Rượu) 8g, Cúc hoa 10g, Mạn kinh tử 6g, Sinh Địa hoàng 15g, Đương quy 10g, Cam thảo 6g, Xuyên khung 5g.
Gia giảm: Hai mắt và đỉnh đầu chướng đau có thể gia Thạch quyết minh 15g; Phía trước trán chướng đau và thấy mạch đại, rêu lưỡi vàng gia Sinh Thạch cao 30g; Trung tiêu có thấp tà, vùng bụng trướng đầy hoặc Can Đỏm có phong nhiệt phạm Vị gây nôn mửa thì bỏ Sinh địa, Cam thảo, gia Bán hạ 8g, Quất hồng 6g, Phục linh 10g. Có tà khí phong nhiệt không tuyên giáng được gia Sinh Long cốt 15g, Sinh Mẫu lệ 25g. Phong tà quấy rối dai dẵng đau đầu không chịu nổi thì hòa thêm 6g bột Toàn yết vào nước thuốc uống. Phong tà và thực hỏa theo đường mạch của Đởm xông ngược lên đường gân ở cạnh cổ và phía sâu Tai căng đau thì bỏ Sinh địa, Xuyên khung, Cam thảo, gia Đởm nam tinh 6g, Cương tàm 10g, Câu đằng 10g. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, thanh nhiệt, trừ phong. Chữa đau đầu mà trướng lâu ngày không khỏi, thuộc âm hư phong nhiệt xông lên trên, Tâm phiền, sợ gió, phát sổt, miệng ráo, mắt chướng đau.