Nội dung

Tên khoa học:

Chaenomeles lagenaria (Lois.) Koidz (Cydonia lagenaria Lois) Họ Hoa Hồng (Rosaceae)

Tên tiếng Trung: 木瓜

Mộc qua

Thu mộc qua (Trấn Nam Bản Thảo), Toan Mộc qua, Tra tử (Vân Nam Dược Dụng Thực Vật Danh Lục)

Liều dùng và chú ý:

Liều: 6 – 12g.

Mộc qua được hái quả chín về cho vào nước sôi đun khoảng 5 – 10 phút lấy ra phơi hay sấy cho vỏ nhân cắt dọc thành 2 – 4 miếng, phơi cho vỏ thành màu đỏ là được. Dùng sống hoặc sao. Trên thị trường có nhiều loại Mộc qua khác nhau nên cần nghiên cứu để xác định tác dụng dược lý của thuốc hơn.

Khí vị:

vị chua, khí ấm, không độc, vào Túc thiếu âm, Túc dương minh và Túc quyết âm kinh, kỵ đồ sắt.

Chủ dụng:

Khí thoát thì cố sáp lại, khí trệ thì điều hòa, có tác dụng bình Vị, tư nhuận Tỳ, bổ Phế, trừ thấp, chữa chứng hoắc loạn chuyển gân, cước khí, bôn đồn, khí xông lên, kiết lỵ, chữa cả lỵ nhiệt, lỵ hàn, gân cứng thì làm mềm dãn, gân mềm dãn thì thông lợi được, có thể chữa tê thấp, trừ ỉa chảy mùa hè, phù thũng, đau bụng, có thể chỉ khát, giáng đờm, tiêu thực, hạ khí, giải độc Rượu, điều hòa vinh vệ. Có sách nói: giải quyết gân cốt bị thấp thì không gì bằng Mộc qua, làm mạnh gân cốt thì không gì bằng Đỗ trọng.

Kỵ dụng:

Vì tinh huyết không đủ mà tê chân, vì bội thực tổn thương Vị khí mà thổ tả đều phải cấm dùng, cũng như uống độc vị Mộc qua thì hại răng vì nó khắc phạt Can khí. Nội kinh nói phần âm sinh ra là nhờ ngũ vị.

Cách chế:

Dùng dao bằng đồng bóc vỏ và hạt, trộn với sữa bò 3 giờ rồi phơi khô dùng.

Nhận xét:

Mộc qua cảm thụ vị chua của phương Đông cho nên chỉ chuyên chạy vào Can, chữa bệnh về gân, phàm khi bị chuyển gân (vọp bẻ) chỉ gọi đến tên Mộc qua, hoặc viết chữ Mộc qua tại chỗ bị bệnh thời khỏi, đủ biết nó chữa bệnh gân rất hay.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thiên gia diệu phương”

Bài Bạch thược mộc qua thang

Bạch thược 30g Mộc qua 12g, Kê huyết đằng 16g, Uy linh tiên 16g. Cam thảo 12g. sắc, chia uống 3-4 lần trong ngày.

Có tác dụng bồ Can, Thận, sơ thông gân mạch.

Chữa chứng phì đại xương.

Gia giảm: Bệnh ở cổ gia Cát căn, ở ngực gia cẩu tích, ở eo lưng và hạ bộ gia Đỗ trọng, Ngưu tất. Nếu tiêu lỏng thêm Bạch linh 20g.

“Y phương khảo”

Bài Lục hòa thang Mộc qua 6g, Bán hạ, Hạnh nhân, Nhân sâm, Bạch truật, Biển đậu, Hoắc hương, Xích phục linh, đều 8g, Sa nhân, Hậu phác, đều 3g, Cam thảo 2g. sắc, chia uống vài lần trong ngày. Có tác dụng điều hòa trung tiêu, hóa thấp, thăng thanh giáng trọc.

Trị mùa hè ăn uống không điều độ, thấp tà làm tổn thương Tỳ Vị, hoắc loạn thổ tả, mỏi mệt hay nằm, ngực và cách mạc đầy cứng, rêu lưỡi trắng nhờn.

“Tế sinh phương”

Bài Thực tỳ tán

Mộc qua, Bạch truật, Thảo quả đều 8-12g, chế Phụ tử 4-6g, Can khương 4-8g, Bach linh 12-16g, Hậu phác, Đại phúc bì, Mộc hương, Binh lang, đều 4-8g, chích Thảo 4g, Đại táo 3 quả, sinh Khương 3 nhát. Cùng tán nhỏ, liều uống 8-12g, ngày 2 lần.

Trị Tỳ Thận dương hư, hàn thấp ứ trệ, nửa thân dưới phù nặng, ngực bụng đầy trướng, chân tay lạnh, tiêu lỏng, rêu lưỡi dày, mạch trầm trì.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Nhị truật thang gia giảm

Trần bì 8g, Bán hạ 10g, Bạch linh 6g, Cam thảo 4g, Thương truật 6g, Mộc qua 8g, Ý dĩ 20g, chỉ thực 6g, Câu đằng 6g.

Chủ trị: Khi huyết hư kém sinh hàn trễ, người già yếu hay mắc chừng đau tay, mỏi vai. Bài này có Nhị trần ở trong, có tác dụng phá hàn đàm, tăng công năng của Vị Tràng, sinh khí huyết để đuổi phong hàn.

Người hư yếu có thể hợp với bài Bát trân thang.

0/50 ratings
Bình luận đóng