MƠ TAM THỂ

Tên khác: Cây lá mơ, mơ lông, dây thối địt, ngưu bì đống, co tốt ma (Thái) Tên khoa học: Paederia scandens (Lour.) Merr. Họ Cà phê (Rubiaceae)

MÔ TẢ

Dây leo, có thân non hơi dẹt, sau tròn, màu tím đỏ. Lá mọc đối, mép nguyên, mặt trên màu lục, mặt dưới màu tím đỏ, hai mặt đều có lông mềm như nhung, dày hơn ở mặt dưới.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành xim dài hơn lá, phân nhánh nhiều tỏa rộng; hoa màu trắng điểm tím nhạt, đài hình chuông, tràng hình phễu, cánh hoa xoăn ở đầu, nhị 4 – 5, bầu 2 ô.

Quả hình cầu, nhẵn, màu nâu bóng.

Toàn thân vò ra có mùi khó ngửi.

Mùa hoa quả: tháng 8 – 10.

Trong thiên nhiên, còn có loài mơ lông mà hai mặt lá có màu lục, cũng được dùng.

Cây Mơ tam thể
Cây Mơ tam thể

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Mơ tam thể phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới châu Á và Nam Mỹ, tập trung ở các nước Ấn Độ, Nam Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang phổ biến ở khắp nơi từ đồng bằng đến miền núi, trừ vùng cao lạnh. Mơ tam thể được coi như cây theo người vì ở đâu có người ở là ở đó có cây mọc. Thường gặp ở bờ bụi, bãi hoang, nương rẫy.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIÊN

Cả cây mơ tam thể, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hè. Thường dùng tươi.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Lá chứa tinh dầu nặng mùi của disulfur carbon, protein, acid béo, paederosid, scandenosid, asperulosid, acid paederosidic, acid oleanolic.

Quả mơ tam thể có chất paederinin.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Mơ tam thể được dùng làm thuốc chữa kiết lỵ trực khuẩn theo kinh nghiệm dân gian. Khi dùng, lấy lá (20 – 30g) để tươi, lau sạch, thái nhỏ trộn với trứng gà (1 quả) hoặc chỉ lấy riêng lòng đỏ, bọc vào lá chuối đem nướng hoặc rán khô trên chảo (không dùng mỡ). Ăn làm 2 – 3 lần trong ngày. Dùng liền 2 – 3 ngày.

Để chữa giun, nhất là giun kim, lấy lá mơ tam thể (30 – 50g) rửa sạch, giã nát với ít muối, vắt lấy nước uống. Dùng vào buổi sáng lúc đói. Có thể giã lá, thêm nước chín được nước cốt, bơm thụt vào hậu môn, làm vào buổi tối trước khi đi ngủ, giữ lại khoảng 15-20 phút.

Ngoài ra, lá mơ tam thể phơi khô (20 – 40g), sắc với 400ml nước còn 100ml, uống còn chữa viêm dạ dày, sôi bụng, ăn không tiêu.

BÀI THUỐC

Chữa kiết lỵ lâu ngày (lỵ trực khuẩn và lỵ a míp): Lá mơ tam thể (20g), lá trâu cổ (20g), lá lốt (10g), nụ sim (10g). Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày. Có thể tán bột làm viên uống.

Hoặc lá mơ tam thể (25g), rau sam (20g), vỏ măng cụt (10g), hạt cau khô (10g), thổ phục linh (5g), bạch thược (5g). Sắc uống ngày một thang.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng