Bông ổi

Cây gốc ở Trung Mỹ, được nhập trồng làm cảnh, nay phổ biến rộng rãi, mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven bờ biển. Các bộ phận của cây thu hái vào mùa khô, phơi hay sấy khô. Cũng có khi dùng tươi.

Bông ổi, Trâm ổi, Thơm ổi, Hoa ngũ sắc, Tứ quý – Lantana camara L., thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae

bông ổi
bông ổi

Mô tả: Cây nhỏ, cao tới 1,5m-2m hay hơn. Thân có gai; cành dài, hình vuông, có gai ngắn và lông ráp. Lá mọc đối, khía rạng, mặt dưới có lông. Cụm hoa là những bông co lại thành đầu giả mọc ở nách các lá ở ngọn. Hoa lưỡng tính, không đều, thoạt tiên vàng dợi rồi vàng kim, vàng tươi, sau cùng đỏ chói, ít khi toàn hoa trắng. Quả bạch hình cầu, nằm trong lá dài, khi chín màu đen; nhân gồm 1-2 hạt cứng, xù xì. Bộ phận dùng: Lá, hoa và rễ – Folium, Flos et Radix Lantanae.

Nơi sống và thu hái: Cây gốc ở Trung Mỹ, được nhập trồng làm cảnh, nay phổ biến rộng rãi, mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven bờ biển. Các bộ phận của cây thu hái vào mùa khô, phơi hay sấy khô. Cũng có khi dùng tươi.

Thành phần hoá học: Lá chứa 0,2% tinh dầu; ở hoa khô chỉ có 0,07%. Tinh dầu có 8% terpen bicyclic và 10-12% L-a-phelandren. Tinh dầu bông ổi Ấn Độ chứa cameren, isocameren và micranen. Trong vỏ có 0,08% lantanin, là một alcaloid. Lá trong thời kỳ có hoa chứa 0,31-0,68% lantanin, còn có lantaden.

Tính vị, tác dụng: Lá có vị đắng, hôi, tính mát, hơi có độc, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, tiêu sưng. Hoa có vị ngọt, tính mát, có tác dụng cầm máu. Rễ có vị dịu, tính mát, có tác dụng hạ sốt, tiêu độc, giảm đau. Người ta biết lantanin, cũng như quinin, làm giảm sự tuần hoàn và hạ nhiệt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rễ thường dùng trị sốt lâu không dứt, quai bị, phong thấp đau xương, chấn thương bầm giáp. Hoa dùng trị lao với ho ra máu và hạ huyết áp. Liều dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Lá dùng ngoài đắp vết thương, vết loét hoặc dùng để cầm máu; cũng dùng trị ghẻ lở, viêm da, các vết chàm và dùng chườm nóng trị thấp khớp. Thường dùng tươi giã đắp ngoài hay nấu nước để rửa. Hoa dùng làm thuốc trị ho với liều 12g, dạng thuốc sắc hay hâm nóng hoặc chế xi rô.

Đơn thuốc:

  1. Viêm da, eczema, tinea, mụn nhọt, nấu lá tươi để rửa ngoài.
  2. Chấn thương bầm giập, vết thương chảy máu, giã lá tươi đắp ngoài. Hoặc dùng 30g lá khô, với 10g gừng khô tán bột rắc lên vết thương ngày một lần.
  3. Ho ra máu và lao phổi, dùng hoa khô 6-10g nấu nước uống.

Bông tai

Bông tai. Ngô thì – Asclepias curussavica L. thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae

Mô tả: Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 60-150cm, phân cành nhánh thừa, có mủ trắng. Lá mọc đối, có cuống ngắn, thon hẹp hình ngọn giáo, dài 6-8 cm; cuống 3-4 mm. Cụm hoa dạng tán ở ngọn thân; mang 6-12 hoa màu vàng ở giữa, nâu ở xung quanh; cánh hoa dính nhau ở phần góc và rũ xuống; nhị làm thành một cột to, màu đỏ, tràng phụ màu vàng,dạng thuỳ quăn đính vào cột nhị. Quả đại xếp đứng từng đôi, dài 6-8 cm; hạt có mào lông. Hoa tháng 5-12

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Asclepiadis Curassavicae

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Trung Mỹ, cũng được thuần hoá ở nhiều xứ nhiệt đới. Ở nước ta, cây thường được trồng vì hoa có dáng lạ nom như cái hoa tai. Có thể thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học: Có các glucosid aselepiadin và vincetoxin. Trong lá có 3 glucosid trợ tim trong đó có aselepiaside D.

Tính vị, tác dụng: Cây có vị đắng, tính hàn, có độc, có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, hoạt huyết, chỉ huyết, trợ tim. Rễ có tác dụng gây nôn, tẩy; dịch lá trừ giun và làm ra mồ hôi.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc thường được dùng trị: 1. Viêm tai, mụn nhọt và viêm mủ da; 2. Thông kinh. Liều dùng 6-9g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị 1. Vết gẫy, vết đứt; 2. Eczema, nấm tóc. Lấy lá tươi giã đắp. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ trong điều trị bệnh trĩ và bệnh lậu; lá được dùng làm thuốc cầm máu và trị bệnh lậu. Còn cây thường dùng trong điều trị bệnh lao phổi. Ở nước ta, cây được dùng trị kiết lỵ, ỉa chảy và tẩy giun. Ngày dùng 8-16g, dạng thuốc sắc.

Đơn thuốc:

  1. Trị viêm vú, nhọt và viêm mủ da, dùng Bông tai 6-9g sắc uống, cũng đồng thời lấy nước lau, rửa bên ngoài. 2. Eczema: ép thân cây lấy nhựa bôi.

Ghi chú: Cây có độc, khi dùng uống trong phải cẩn thận. Đặc biệt là nhựa cây không được dùng để uống trong.

Bông vải

Bông vải, Bông hải đảo – Gossypium barbadense L., thuộc họ Bông – Malvaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao đến tận 3m. Lá có cuống dài, phiến non có lông về sau không lông, có 3-5 thuỳ sâu đến một nửa. Hoa to 5-8 cm, vàng vàng, tâm đỏ bầm; lá đài phụ rời nhau hay dính nhau ít, có khía rất sâu; đài hình chén; ống nhị dài 1,5cm. Quả nang xoan, 3-4 mảnh; hạt nhiều, có lông trắng dễ tróc. Ra hoa vào mùa hè thu.

Bộ phận dùng: Hạt và đầu hạt – Semen et Oleum Gossypii

Nơi sống và thu hái: Cây trồng từ lâu ở nước ta, có thời gian sinh trưởng dài, phẩm chất xơ tốt nhất (dài 36-38cm) đến 70mm, độ mịn cao, chịu sâu bệnh tốt do lá thưa, nhưng năng suất thấp hơn bông luồi.

Thành phần hoá học: Các bộ phận của cây, nhất là hạt, chứa nhiều gossypol. Tính vị, tác dụng: Hạt làm dịu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, người ta dùng hạt để trị lỵ, và có thể làm thuốc bổ phổi. Dầu hạt dùng làm tan các vết chàm và vết tàn nhang ở da.

Bông vàng

Bông vàng, Dây huỳnh, Huỳnh anh – Allamanda cathartica L., thuộc họ Trúc đào – Apocynaceae.

Mô tả: Cây nhỏ mọc thành bụi, trườn, có mủ trắng, không lông; nhánh tròn, cỡ 1cm, có cành dọc. Lá to mọc đối hay vòng 3-6, hình thuôn dài, đầu nhọn. Hoa mọc thành chuỳ gần ngọn, màu vàng tươi, to, gần như đều; lá đài rời, xanh, 3 to, 2 nhỏ; tràng có một ống hẹp rời rộng; 5 nhị đính ở trên phần hẹp, 5 vảy có lông; bầu hình trứng 1 ô, chứa nhiều noãn. Quả nang có gai, mở thành 2 van cứng; hạt ít. Ra hoa quanh năm, chủ yếu vào tháng 9-10. Bộ phận dùng: Cành, lá và nhựa – Ramulus, Folium et Semen Allamandae Catiharticae.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Mỹ châu nhiệt đới (Brazin, Guyan), được trồng khắp nơi làm cảnh vì có hoa đẹp quanh năm.

Tính vị, tác dụng: Vỏ cây, nhựa và hạt có độc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cành lá sắc uống làm thuốc tẩy, trị sốt, sốt rét, tê thấp. Lá hãm uống tẩy và chữa bệnh táo bón dai dẳng sau khi bị nhiễm độc chì. Thuốc hãm của lá tẩy nhẹ; với liều cao, nó gây xổ và gây nôn. Nhựa mủ là một loại thuốc tẩy nhưng ít được dùng hơn. Nó gây xổ ở liều 8-10 giọt trong một poxio phù hợp; với liều cao hơn sẽ là chất tẩy mạnh. Ở Trung Quốc, có nơi người ta dùng toàn cây làm thuốc chữa ghẻ ngứa, sát trùng, diệt bọ gậy.

Bông vàng lá hẹp

Bông vàng lá hẹp, Huỳnh anh lá hẹp – Allamanda neriifolia Hook., thuộc họ Trúc đào – Apocynaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao 1-2m, có các nhánh kéo dài, có nhựa mủ trắng. Lá thuôn, mọc đối, thường là mọc vòng 4, phiến thon, dài 8-14 cm, rộng 2-4 cm, không lông; cuống ngắn, có tuyến ở nách. Cụm hoa dạng bó 5-10 hoa ở ngọn cây; hoa màu vàng da cam, có rạch màu đỏ son.

Bộ phận dùng: Toàn cây – Herba Allamandae Neriifoliae.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Brazil, được nhập trồng làm cảnh ở Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Trung Quốc, người ta sử dụng cây làm thuốc sát trùng, diệt bọ gậy.

Bông xanh

Bông xanh – Petrea volubilis jacq, thuộc họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae.

Mô tả: Dây leo to có nhánh và lá ráp, có lông cứng. Lá dài, hoa có cuống rất ngắn, hình trái xoan, bầu dục hay thuôn, tròn và hơi dạng tim ở gốc, nguyên, bóng, hơi ráp ở mặt trên, nhạt màu hơn ở mặt dưới, dài 8-11cm. Hoa xanh lam hay trắng, thành chùm ở ngọn, kéo dài; lá đài nhỏ và đài hoa tồn tại; cánh hoa dễ rụng. Quả nang dai bao bởi đài tồn tại, không mở, có 2 ô, chỉ có một hạt, phát triển. Ra hoa cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Bộ phận dùng: Lá – Folium Petreae.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở quần đảo Antilles, được nhập trồng ở các vườn hoa làm cây cảnh và trồng làm hàng rào.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá ráp nên được dùng để mài bóng kim khí, ngà và sừng. Cũng được dùng làm thuốc gây toát mồ hôi và kích thích.

0/50 ratings
Bình luận đóng