Thuốc Propofol Abbott
Thuốc Propofol Abbott

PROPOFOL ABBOTT

ABBOTT

nhũ tương tiêm tĩnh mạch 10 mg/1 ml: ống 20 ml, chai 20 ml, chai 50 ml, chai 100 ml – Bảng A.

THÀNH PHẦN

cho 1 ml
Propofol10 mg

TẢ

Propofol Abbott dạng nhũ tương vô trùng, không có chứa nhiệt tố, chứa 10 mg/ml dùng tiêm tĩnh mạch ; công thức hóa học: 2,6-diisopropylphenol và có trọng lượng phân tử 178,27.

Propofol ít tan trong nước, nên được trình bày dưới dạng nhũ tương trắng đục. pKa 11,03. Ở pH sinh lý hệ số Octanol/nước của Propofol là 6761:1. Dạng nhũ tương đẳng trương có độ pH từ 6,0 đến 6,5. Các thành phần khác là dầu đậu nành (100 mg/ml), glycerol (22,5 mg/ml), phosphatide trứng (12 mg/ml) ; với nước lượng vừa đủ và sodium hydroxide cho độ pH từ 6,0 đến 8,5.

DƯỢC LỰC

Propofol là thuốc ngủ, an thần, gây mê tĩnh mạch tác dụng nhanh được dùng khởi mê, duy trì hay an thần liên tục cho người bệnh thở máy. Khi tiêm tĩnh mạch với liều điều trị, Propofol gây ngủ nhanh và êm dịu, thường khoảng 40 giây từ lúc bắt đầu tiêm (thời gian tuần hoàn từ cánh tay lên não). Cũng như những thuốc gây mê tĩnh mạch tác dụng nhanh khác, Propofol có thời gian bán cân bằng trong máu não khoảng từ 1 đến 3 phút nên cho tác dụng nhanh.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Tính chất dược động học của Propofol tùy thuộc vào nồng độ Propofol trong máu. Với một người bệnh, tình trạng ổn định của nồng độ thuốc trong máu tùy thuộc tốc độ thuốc truyền vào.

Hiệu quả huyết động học của Propofol trong thời gian khởi mê thay đổi. Nếu người bệnh tự thở, hiệu quả huyết động học chính yếu là gây tụt huyết áp (đôi khi giảm hơn 30%) kèm theo thay đổi một ít nhịp tim và ít có thay đổi cung lượng tim. Nếu người bệnh được hô hấp hỗ trợ hay điều khiển (hô hấp với áp lực dương), mức độ giảm cung lượng tim càng trầm trọng hơn. Những hậu quả này có lẽ do hiệu quả cường phế vị hay ức chế giao cảm trung ương. Nếu dùng thuốc opioids mạnh (ví dụ: Fentanyl) trong tiền mê, sự ức chế hô hấp và tuần hoàn càng nặng hơn. Nếu duy trì mê với Propofol truyền tĩnh mạch, sự kích thích của ống nội khí quản hay động tác phẫu thuật có thể làm tăng huyết áp về mức bình thường nhưng cung lượng tim vẫn còn giảm.

Những dữ kiện chưa đầy đủ về việc dùng Propofol để khởi mê, duy trì mê hay dùng cho người bệnh phải thở máy có tổng trạng suy kiệt hay già yếu, bệnh tim mạch (sức phun < 50%) hay người bệnh thuộc ASA III, IV ; nhưng có nhận xét rằng những người bệnh này sẽ có những rối loạn huyết động học nặng nề hơn và người ta khuyên nên dùng liều lượng Propofol ít hơn (xem phần Liều lượng và Cách dùng).

Khi khởi mê với Propofol người bệnh thường ngưng thở dù người lớn hay trẻ em.

Trong khi duy trì mê, Propofol gây suy giảm hô hấp thường kết hợp với ứ đọng thán khí tùy mức độ tiêm truyền và kết hợp với những thuốc khác (ví dụ: thuốc an thần, opioids.v.v..).

Những người bệnh có áp lực nội nhãn bình thường, Propofol sẽ làm giảm áp lực nội nhãn kết hợp với sự giảm sức cản mạch máu toàn thân. Những nghiên cứu mới đây chứng minh rằng khi dùng Propofol trong tình trạng giảm thán khí sẽ tăng sức cản mạch máu não và giảm lượng máu qua não, giảm nhu cầu tiêu thụ dưỡng khí và giảm áp lực nội sọ. Propofol không ảnh hưởng đến sự đáp ứng của mạch máu não đối với sự thay đổi áp lực thán khí trong máu động mạch.

Những nghiên cứu trên súc vật và những kinh nghiệm còn hạn chế trên người bệnh không thấy bằng chứng nào Propofol gây ra chứng sốt ác tính.

Những nghiên cứu tiền lâm sàng nhận thấy rằng Propofol ít gây tăng lượng histamine trong huyết tương.

Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng tỏ rằng Propofol với nồng độ lâm sàng không ảnh hưởng đến sự tổng hợp các kích thích tố tuyến thượng thận.

Cần hiểu rõ những đặc tính, sự phân phối, thải trừ của Propofol để sử dụng cho chính xác. Propofol có ái lực cao với chất mỡ, và kết hợp với protein khoảng từ 97- 98%.

Dược động học của Propofol được phân đều ở ba ngăn hiện diện trong huyết tương, cân bằng nhanh chóng trong mô và thảy trừ chậm. Theo sau một liều tiêm tĩnh mạch, lượng Propofol trong huyết thanh giảm nhanh do thuốc phân tán vào mô nhanh (nửa thời gian: 2-4 phút) và thải trừ nhanh (nửa thời gian: 30-60 phút). Lượng phân tán một nửa cho sự giảm này cho một lần tiêm. Sau một thời gian truyền thuốc lâu dài, nồng độ thuốc trong huyết thanh giảm xuống chậm hơn do lượng thuốc tích tụ trong mô thải ra. Nồng độ thuốc trong huyết thanh còn 50% đỉnh cao sau ngưng khi truyền 5 phút nếu thời gian truyền một giờ và sau khi ngưng truyền 7 phút nếu thời gian truyền là 10 giờ. Truyền ngắt quảng để người bệnh ở săn sóc đặc biệt có những đáp ứng lâm sàng tương ứng với nồng độ Propofol trong huyết thanh khoảng 1 mg/ml. Nồng độ giảm 50% lượng này (0,5 mg/ml) thường người bệnh sẽ tỉnh dậy.

Propofol phân tán mạnh và thải trừ nhanh khỏi cơ thể (thanh thải toàn cơ thể 1,5 – 2 l/phút), sự biến dưỡng chính ở gan thành chất glucoronide không hoạt tính kết hợp với quinol thải ra nước tiểu.

Dược động học của thuốc tùy thuộc lượng thuốc truyền và không có sự tích lũy với tốc độ thuốc truyền bình thường.

Ở người già:

Lượng Propofol dùng để gây mê giảm dần theo tuổi của người bệnh, sự giảm liều này không tùy thuộc vào dược động học hay sự nhạy cảm của tế bào não được kiểm chứng bằng điện não đồ. Khi tiêm tĩnh mạch, Propofol đạt đến nồng độ cao trong máu nhanh hơn ở người già, điều này giải thích tính chất dược lực học của thuốc và cần giảm liều lượng thuốc. Nồng độ thuốc trong máu cao gây rối loạn hô hấp – tuần hoàn như: tụt huyết áp, ngưng thở, tắc đường thở gây thiếu dưỡng khí. Nồng độ thuốc trong máu cao phản ánh sự giảm thể tích phân phối và độ thanh thải của thuốc ở người già giữa các khoang của cơ thể ; vì vậy được khuyến cáo dùng liều thấp trong khởi mê hay duy trì mê ở người già (xem phần Liều lượng và Cách dùng).

Ở trẻ em:

Dược động học của Propofol ở trẻ từ 3 đến 12 tuổi đã được mô tả rõ ràng như kiểu ba ngăn của cơ thể. Một nghiên cứu ở trẻ em phải mổ khoảng 1 tới 2 giờ và mẫu máu được lấy trong vòng 8 giờ sau đó cho thấy nửa thời gian thải trừ từ 250-400 phút ; thể tích phân phối tới 10 l/kg và độ thanh thải vào khoảng 35 ml/kg/phút. Sự ước tính này cho thấy tính tan trong mỡ và độ thanh thải cao của Propofol. Những sự khác nhau về thời gian thải trừ và thể tích phân phối ở người bệnh trưởng thành và trẻ em cho thấy thuốc tác dụng kéo dài hơn ở người lớn. Độ thanh thải ở trẻ em cao hơn 50% so với người lớn.

Suy nhược cơ quan:

Dược động học của Propofol không thay đổi ở những người xơ gan hay suy thận mãn tính.

Dược động học của Propofol trên người bệnh suy gan, suy thận cấp tính chưa được nghiên cứu.

CHỈ ĐỊNH

Propofol là thuốc mê tĩnh mạch có thể dùng để khởi mê hay duy trì mê trong phương pháp gây mê cân bằng cho người bệnh mổ chương trình hay ngoại trú, người lớn và trẻ em lớn hơn 3 tuổi.

Propofol chỉ được dùng để đặt nội khí quản cho người bệnh trưởng thành thở máy ở săn sóc đặc biệt mục đích an thần hay ngăn chận những xung kích ; trong những trường hợp này, chỉ được những chuyên viên có khả năng và kinh nghiệm về hồi sức hô hấp tuần hoàn đối với những người bệnh nặng.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Propofol không được dùng cho những người có tiền căn dị ứng với nó hoặc dị ứng với các chất chứa trong dung dịch thuốc hoặc người bệnh có chống chỉ định về an thần, gây mê toàn diện. Propofol cũng không được dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, gây mê sản khoa và dùng gây an thần cho những trẻ em dưới 16 tuổi (xem phần Chú ý đề phòng).

CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG

Propofol có thể gây ra những rung cơ, co giật ; những dạng phản ứng quá mẫn như nổi mẩn đỏ, co thắt khí phế quản cũng có thể xảy ra.

Sự ngưng thở thường xảy ra khi tiêm khởi mê có thể kéo dài quá 60 giây cần hô hấp hỗ trợ. Đã có một vài báo cáo về tình trạng phù phổi cấp hay ngưng tim khi dùng Propofol, nhưng nguyên nhân chưa được xác định.

Không nên dùng Propofol cho những người bệnh động kinh vì có thể gây cơn khi tỉnh dậy. Propofol không có tính ly giải đối giao cảm nên có thể gây chậm nhịp tim từ trung bình cho tới nặng. Những trường hợp nhịp tim chậm hay dùng những dược chất gây chậm nhịp tim nên dùng chất chống cholinergic trước hay trong khi duy trì mê với Propofol. Người bệnh phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện tụt huyết áp hay nhịp tim chậm. Propofol không nên sử dụng cho những trường hợp điều trị bằng điện.

An thần trong săn sóc đặc biệt (xem phần Chú ý, Liều lượng và Cách dùng).

Propofol được bắt đầu dùng với liều nhỏ và thay đổi chậm (ít nhất là 5 phút mới tăng liều) để hạn chế tụt huyết áp và tránh quá liều. Cũng như những thuốc an thần khác, Propofol thay đổi theo từng người bệnh và từng thời gian.

Cần theo dõi sát người bệnh để phát hiện sớm những biến đổi về tim mạch như tụt huyết áp trầm trọng, có thể cải thiện nếu ngưng thuốc, truyền dịch hay dùng thuốc vận mạch.

Nếu ngưng Propofol đột ngột, người bệnh sẽ tỉnh nhanh kết hợp với sự lo âu, vật vã chống thở máy và sự cai thở máy sẽ gặp khó khăn vì vậy người ta khuyên nên duy trì một lượng Propofol đủ để duy trì một độ mê nhẹ trong suốt thời gian cai thở máy cho tới khi từ 10 tới 15 phút trước khi rút ống nội khí quản.

Bởi vì Propofol được pha trong nhũ tương nên nếu truyền nhiều, lâu sẽ gây tăng lượng triglycerides ; người bệnh có nguy cơ tăng lipide máu cần theo dõi tình trạng này. Khi dùng Propofol cần chú ý đến lượng mỡ có trong dung dịch ; 1 ml Propofol chứa khoảng 0,1 g mỡ.

Thông báo cho người bệnh:

Người bệnh cần được khuyến cáo về những hoạt động cần sự điều khiển của trí tuệ như điều khiển máy móc, xe cộ… có thể thay đổi sau khi gây mê một thời gian ngắn với Propofol. Nên tránh uống rượu.

THẬN TRỌNG LÚC DÙNG

Tôn trọng nguyên tắc vô trùng tuyệt đối trong khi sử dụng. Sản phẩm Propofol dùng duy nhất để tiêm tĩnh mạch nó không chứa một chất chống vi trùng nào vì vậy vi trùng sẽ sinh sản nhanh. Bỏ phần dư không dùng trong thời gian ngắn (xem phần Liều lượng, Cách dùng và Bảo quản).

Đã có những báo cáo do không tôn trọng nguyên tắc vô trùng khi dùng Propofol đã gây nhiễm vi trùng kết quả gây sốt, nhiễm trùng hoặc đe dọa sự sống hay tử vong cho người bệnh. Không được dùng Propofol khi nghi ngờ không được sạch.

Trong gây mê toàn diện hay an thần trong săn sóc đặc biệt, Propofol chỉ được sử dụng bởi những người có kinh nghiệm về gây mê hồi sức để xử trí với những rối loạn hô hấp – tuần hoàn ; cần phải có những monitors để theo dõi người bệnh.

Những người bệnh già, suy kiệt (người bệnh ASA III, IV) không được dùng Propofol tiêm nhanh hay liều lượng nhiều nếu không sẽ gây những tai biến như suy hô hấp – tuần hoàn, tụt huyết áp, ngưng thở, nghẹt đường thở hay thiếu dưỡng khí.

Nhi khoa:

Để đảm bảo độ an toàn cao, Propofol không dùng để gây mê cho trẻ em dưới 3 tuổi và không dùng với mục đích an thần cho tất cả trẻ em ở săn sóc đặc biệt.

Suy chức năng gan, thận:

Propofol không nên dùng lâu dài cho người bệnh có chức năng, gan thận suy kém.

Gây mê thần kinh sọ não:

Khi dùng Propofol cho người bệnh tăng áp lực nội sọ hay rối loạn tuần hoàn não sẽ gây giảm áp lực tưới máu não nên làm giảm ít áp lực trung bình ; nên tiêm thuốc chậm và không nên dùng liều cao cho những người này.

Khi nghi ngờ có tăng áp lực nội sọ, nên tăng thông khí để giảm nồng độ thán khí khi dùng Propofol.

AN TOÀN TIỀN LÂM SÀNG

Khả năng sinh ung thư, đột biến gen, thay đổi tính sinh sản:

Propofol không gây sinh ung thư ở loài vật thí nghiệm.

Propofol không gây đột biến gen ở loài vật trong thí nghiệm hay trong lâm sàng.

Nghiên cứu trên những con chuột cái với liều tiêm tĩnh mạch tới 15 mg/kg/ngày (gấp 6 lần lớn hơn liều dẫn đầu ở người) trong 2 tuần trước khi thụ thai tới ngày thứ 7 cho bú và ở chuột đực dùng liều tĩnh mạch tới 15 mg/kg/ngày trong 5 ngày đều không thấy sự thay đổi tính sinh sản.

LÚC CÓ THAI và LÚC NUÔI CON BÚ

Propofol không gây quái thai trên chuột và con bọ. Chưa có nghiên cứu trên con người.

Chuyển dạ và sinh nở:

Không dùng Propofol vì nó qua nhau thai.

Lúc nuôi con bú:

Propofol không dùng cho người mẹ đang cho con bú vì một lượng nhỏ Propofol tiêm hay uống đều qua sữa mẹ.

TƯƠNG TÁC THUỐC

Khởi mê với Propofol phải giảm liều khi đã dùng thuốc tiền mê, đặc biệt với thuốc giảm đau gây nghiện (ví dụ: morphine, meperidine, fentanyl.v.v…). và kết hợp opioids với thuốc an thần (ví dụ: thuốc ngủ, benzodiazepines, droperidol.v.v…). Những thuốc này làm tăng tác dụng an thần, gây mê của Propofol và có thể gây giảm huyết áp tâm thu, tâm trương hay huyết áp trung bình và giảm cung lượng tim.

Trong thời gian duy trì mê hay an thần, liều lượng Propofol cần điều chỉnh theo mức độ mê yêu cầu và phải giảm liều lượng Propofol khi kết hợp với thuốc giảm đau (ví dụ: N2O, opioids). Khi dùng đồng thời Propofol với các thuốc mê hô hấp mạnh (ví dụ: isoflurane, enflurane, sevoflurane và halothane) độ mê khó xác định. Những thuốc mê hô hấp này sẽ làm tăng hiệu quả an thần, gây mê và hô hấp tuần hoàn của Propofol.

Những thuốc mê chế ngự thần kinh trung ương khác (thuốc ngủ, an thần, thuốc mê hô hấp, opioids) có thể làm tăng tính chế ngự thần kinh của Propofol. Tiền mê bằng morphine (0,15 mg/kg) dùng N2O nồng độ 67% với dưỡng khí cho thấy giảm được liều lượng Propofol cần thiết để duy trì độ mê hơn là dùng Propofol với thuốc không gây nghiện (lorazepam) làm thuốc tiền mê.

Propofol không làm thay đổi tiềm thời, thời gian tác dụng, độ mạnh của các thuốc dãn cơ thông thường (ví dụ: succinylcholine và các thuốc dãn cơ không khử cực).

Propofol dung nạp với gây tê dưới, ngoài màng cứng, thuốc tiền mê, thuốc dãn cơ, thuốc mê hô hấp và thuốc giảm đau.

Chậm nhịp tim gây ra do suxamethonium, neostigmine nếu dùng Propofol có thể nguy hiểm. Ở người bệnh dùng cyclosporine nếu dùng mỡ nhũ tương có thể gây ra leucoencephalopathy.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Những kết quả nghiên cứu sâu rộng cho thấy hầu hết những phản ứng không mong muốn chỉ nhẹ và thoáng qua.

Để giảm đau tại nơi tiêm thuốc, có thể dùng đồng thời với lidocain hay chọn tĩnh mạch lớn ở cánh tay. Viêm hay thuyên tắc tĩnh mạch ít khi xảy ra. Tiêm thuốc ra ngoài mạch trên người bệnh hay ở vật thí nghiệm chỉ thấy phản ứng mô nhẹ tại chỗ nơi tiêm. Tiêm thuốc vào động mạch ở vật thí nghiệm không thấy gây biến chứng tại chỗ hay ở vùng xa.

Propofol dùng khởi mê thường êm dịu, đôi khi có những cử động hay kích thích, kích động nhỏ như nấc cụt, ho ở một vài người bệnh.

Cũng như những thuốc mê tĩnh mạch khác, Propofol có thể gây tụt huyết áp hay ngưng thở trong khi khởi mê tùy vào liều lượng nhịp độ thuốc tiêm vào và phối hợp với thuốc tiền mê, đôi lúc sự tụt huyết áp cần phải tăng lượng dịch truyền hay dùng thuốc vận mạch hay giảm lượng Propofol.

Đường thở phải luôn luôn được quan sát chặt chẽ vì trào ngược, ho hay ói mửa cũng đã xảy ra ở vài người bệnh trong khi thử nghiệm.

Những phản ứng dị ứng như nổi mẩn đỏ, co thắt khí phế quản và tụt huyết áp ít khi xảy ra.

Rối loạn nhịp tim như nhịp chậm, nhịp nhanh, ngoại tâm thu cũng ít khi xảy ra. Phù phổi, co cứng cơ hay co giật cũng ít gặp sau khi dùng Propofol.

Rất ít trường hợp nhận thấy thay đổi màu sắc nước tiểu sau một thời gian dài dùng Propofol. Một số ít người bệnh cảm thấy buồn nôn, ói, đau đầu hoặc sốt sau khi tỉnh mê.

Những phản ứng khác cũng được ghi nhận sau khởi mê hoặc duy trì:

Toàn thân: mỏi mệt, đau khắp người hay tứ chi, đau ngực, tăng tác dụng của thuốc, cứng cổ. Tim mạch: rung nhĩ, phân ly nhĩ thất, bloc nhánh, nhịp đôi, rối loạn nhịp tim các loại, chảy máu… kể cả tim ngưng đập.

Hệ thần kinh trung ương: mệt mỏi, lo, lắng, kích động, ảo giác, có những giấc mơ bất thường, lú lẫn, mất ngủ, buồn ngủ…

Tiêu hóa: khô miệng, tiêu chảy, tăng bài tiết nước bọt, phì đại tuyến mang tai… Huyết học: tăng bạch cầu, rối loạn đông máu…

Nơi tiêm: ngứa đỏ, thay đổi màu sắc…

Biến dưỡng: tăng kali huyết, tăng lipide huyết… Cơ xương: đau cơ…

Hô hấp: cảm giác nóng, thở khó, thở nhanh, thiếu dưỡng khí, viêm thanh quản… Da niêm: mắt đỏ, chảy nước mắt, da nổi mẫn, ngứa…

Niệu sinh dục: tiểu ít, bí tiểu…

Giác quan: cận viễn thị, nhìn đôi, đau tai, đau mắt, co giật nhãn cầu.

Những phản ứng khác cũng được ghi nhận sau khi dùng Propofol ở săn sóc đặc biệt:

Toàn thân: mỏi mệt, nhiễm trùng.

Tim mạch: giảm cung lượng tim, suy tim phải, nhanh thất.

Hệ thần kinh trung ương: tăng áp lực nội sọ, suy nghĩ bất thường. Tiêu hóa: liệt ruột, rối loạn chức năng gan.

Biến dưỡng: BUN, creatinine tăng; thiếu nước, tăng đường huyết, tăng lipide huyết, tăng áp lực thẩm thấu.

Niệu sinh dục: suy chức năng thận.

LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG

Người bệnh trưởng thành:

Khởi mê:

Hầu hết những người bệnh dưới 55 tuổi ; có ASA I, II cần khoảng từ 2 đến 2,5 mg/kg Propofol để khởi mê khi không có tiền mê hay được dùng benzodiazepines uống hay dùng thuốc giảm đau tiêm bắp. Khi khởi mê, nên tiêm Propofol ngắt quảng (khoảng 40 mg mỗi 10 giây), theo dõi sự đáp ứng của người bệnh cho đến khi đạt yêu cầu độ mê. Khi kết hợp với những thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch hay tiền mê với benzodiazepine đều ảnh hưởng đến liều lượng Propofol dùng để khởi mê.

Duy trì:

Ở người lớn, có thể duy trì mê bằng cách tiêm tĩnh mạch ngắt quảng Propofol. Liều lượng thuốc tiêm hay truyền tùy thuộc vào sự đáp ứng của người bệnh.

Truyền liên tục:

Lượng thuốc Propofol truyền nên bắt đầu ngay khi vừa khởi mê để duy trì độ mê ổn định. Lượng Propofol truyền cho người lớn thường từ 4 đến 12 mg/kg/giờ. Trong thời gian 10 tới 15 phút đầu sau khi khởi mê nên duy trì lượng thuốc cao để duy trì độ mê, nhưng khoảng 30 phút sau đó thường giảm bớt liều lượng xuống từ 30 đến 50%.

Tiêm ngắt quảng:

Duy trì độ mê ở người lớn, thường dùng liều 25 mg (2,5 ml) tới 50 mg (5 ml) mỗi lần tùy theo dấu hiệu lâm sàng mà thay đổi liều lượng thuốc dùng cho thích hợp.

An thần ở săn sóc đặc biệt:

Liều lượng Propofol dùng tùy theo tình trạng lâm sàng, sự đáp ứng của người bệnh cũng như lượng lipide máu. Đối với người lớn, được đặt nội khí quản thở máy, dùng Propofol với mục đích an thần nên bắt đầu với liều nhỏ truyền chậm để đạt hiệu quả mong muốn và tránh tai biến tụt huyết áp, cần duy trì liều nhỏ đạt hiệu quả để có thể theo dõi những dấu hiệu về thần kinh. Khi chấm dứt sử dụng Propofol nên thực hiện từ từ để tránh những tai biến do cai thuốc đột ngột hay cai thở máy (xem phần Thận trọng).

Propofol bắt đầu với liều 0,3 mg/kg/giờ (5 mg/kg/phút) ; vận tốc truyền sau đó duy trì từ 0,3 tới 0,6 mg/kg/phút cho tới khi đạt độ an toàn thích hợp. Tối thiểu phải sau 5 phút mới điều chỉnh liều lượng thuốc ; hầu hết người lớn liều lượng thuốc duy trì khoảng 0,3 tới 4 mg/kg/phút.

Người già, suy nhược hay người bệnh thuộc ASA III, IV:

Không được tiêm tĩnh mạch Propofol nhanh ở những người bệnh này; mà nên theo cách làm sau: (xem phần Chú ý).

Khởi mê:

Hầu hết người già yếu, nồng độ thuốc trong máu cao, độ thanh thải k m nên lượng thuốc Propofol thường dùng 1,5 mg/kg/phút (khoảng 20 mg mỗi 10 giây) và theo dõi sự đáp ứng của người bệnh.

Duy trì:

So với người trẻ, lượng thuốc Propofol dùng ở người già thấp hơn.

Bệnh thần kinh sọ não:

Để tránh tụt huyết áp nhiều và giảm áp lực tưới máu não, lượng thuốc Propofol truyền hay tiêm chậm tĩnh mạch vào khoảng 20 mg mỗi 10 giây thay vì dùng liều lượng lớn và tiêm nhanh. Khởi mê từ từ, theo dõi sự đáp ứng của người bệnh thường giảm được liều thuốc (1-2 mg/kg).

Nhi khoa:

Propofol không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi. Khởi mê:

Propofol phải được tiêm chậm và theo dõi dấu hiệu lâm sàng và sự đáp ứng của người bệnh, liều lượng thuốc phải căn cứ vào trọng lượng của cơ thể bé. Trẻ em lớn hơn 8 tuổi thường dùng khoảng 2,5 mg/kg. Trẻ càng bé liều dùng càng cao hơn. Chưa có kinh nghiệm dùng cho trẻ em có tình trạng kém, ASA III, IV.

Duy trì:

Tình trạng mê được duy trì bằng cách tiêm Propofol tĩnh mạch ngắt quảng hay truyền liên tục ; tốc độ truyền thường từ 9 tới 15 mg/kg/giờ có thể duy trì được độ mê thích hợp.

An thần:

Propofol không dùng với mục đích an thần cho trẻ dưới 16 tuổi.

Cách dùng:

Propofol được sản xuất để dùng cho mỗi một người bệnh riêng. Lắc thật đều trước khi sử dụng.

Propofol có thể dùng trực tiếp từ lọ thuốc bằng thủy tinh hay có thể pha loãng trong dung dịch ngọt 5% (Dextrose 5%) trong chai bằng thủy tinh hay chai bằng nhựa. Độ pha loãng tối đa không vượt quá 1/5 (2 mg Propofol trong 1 ml).

Propofol không được dùng với những dụng cụ lọc vi trùng vì những dụng cụ này sẽ làm thay đổi vận tốc truyền hay có thể làm biến đổi nhũ tương dùng pha thuốc Propofol.

Những dung dịch Propofol pha loãng chỉ được thực hiện tức thời ngay khi sử dụng trong điều kiện vô trùng và chỉ dùng trong vòng 6 giờ. Khi muốn pha dung dịch Propofol, lượng Dextrose 5% được lấy ra khỏi chai và thay vào đó một thể tích Propofol tương ứng.

Những dụng cụ dùng với Propofol: ống tiêm, dây truyền dịch, chai lọ phải được vất bỏ tối đa 12 giờ sau vì dung dịch Propofol không chứa chất khử trùng nên có thể giúp vi trùng sinh sôi nhanh chóng (xem phần Chú ý).

Dung dịch Propofol có thể dùng với các phương pháp tiêm truyền khác nhau, nhưng nên dùng riêng lẻ để tránh dùng quá liều ; những dụng cụ đo đếm phải được điều chỉnh kiểm soát chu đáo. Khi dùng Propofol cho các người bệnh chụp cộng hưởng từ (MRI) cần kiểm tra dụng cụ theo dõi liều lượng thuốc.

Không nên dùng Propofol cùng với đường truyền máu hay huyết tương (xem phần Chú ý). Propofol có thể pha với dung dịch lidocaine 0,5% hay 1% không chứa chất tá dược ngay trước khi sử dụng để làm giảm đau nơi tiêm (20 phần Propofol, một phần lidocaine). Propofol không được pha với bất cứ một loại thuốc nào trước khi tiêm.

Khi pha thuốc hay dịch truyền nào với Propofol cần để gần sát nhau.

Propofol có thể gắn vào ống ba đầu (ống chữ Y) để truyền khi dịch truyền tương hợp. Propofol tương hợp với các dung dịch sau đây:

  • Dung dịch Dextrose 5%,
  • Dung dịch Lactated Ringers,
  • Dung dịch Lactated Ringers trong Dextrose 5%,
  • Dung dịch Dextrose 5% trong Sodium Chloride 0,45%,
  • Dung dịch Dextrose 5% trong Sodium Chloride 0,2%,
  • Dung dịch Sodium Chloride 0,9%.

Những thuốc, dịch truyền tĩnh mạch cần kiểm tra độ trong và cặn cẩn thận trước khi dùng. Không nên dùng Propofol nếu dung dịch nhũ tương không thuần nhất.

Propofol không chứa chất bảo quản hay diệt trùng nên vi trùng sinh sản nhanh.

Khi pha trộn hay hút thuốc Propofol cần thực hiện một cách vô trùng và ngay khi bẻ ống thuốc Propofol, cũng như trong suốt thời gian truyền dùng thuốc Propofol.

QUÁ LIỀU

Nếu quá liều xảy ra, phải ngưng truyền Propofol ngay lập tức ; quá liều Propofol thường gây chế ngự hô hấp – tuần hoàn. Chế ngự hô hấp phải thông khí nhân tạo với dưỡng khí. Chế ngự tuần hoàn xử trí bằng cách kê chân người bệnh cao, tăng tốc độ dịch truyền và dùng thuốc vận mạch hay thuốc chống cholinergic.

Liều lượng và vận tốc thuốc dùng tùy thuộc vào mỗi người bệnh, mức độ mê cần thiết, theo những yếu tố lâm sàng, thuốc tiền mê và phối hợp sử dụng cũng như tuổi tác, tình trạng suy yếu của người bệnh được đánh giá theo ASA.

Đối với một người bệnh, nồng độ Propofol trong máu tùy thuộc vào vận tốc thuốc truyền vào. Những hiệu quả không mong muốn như trụy hô hấp – tuần hoàn thường xảy ra do nồng độ thuốc trong máu cao kết quả của sự truyền nhanh hay dùng liều lượng cao. Nên tiêm thuốc theo những khoảng thời gian thích hợp (thường từ 3 đến 5 phút) để tránh thuốc quá liều. Cần thận trọng ở trẻ em. Cần phải dùng thêm thuốc giảm đau trong khi gây mê với Propofol. Trong những trường hợp mổ nhỏ (trên bề mặt cơ thể), có thể kết hợp Propofol với N2O nồng độ 60- 70%. Với những phẫu thuật kích thích nhiều (ví dụ: phẫu thuật bụng) hay sự kết hợp với N2O không hiệu quả cần tăng liều lượng Propofol lên hay kết hợp thêm với thuốc giảm đau để đạt độ mê thích hợp.

Propofol có thể dùng với những thuốc thông thường trong gây mê như atropine, scopolamine, glycopyrrolate, diazepam, thuốc dãn cơ phân cực hay không phân cực cũng như thuốc mê hô hấp hay thuốc tê.

BẢO QUẢN

Propofol sẽ bị oxide hóa khi tiếp xúc với dưỡng khí vì vậy được đóng gói dưới áp lực Nitơ. Bảo quản ở nhiệt độ từ 15 đến 30oC. Không cần đông lạnh.

5/51 rating
Bình luận đóng