(Os sepiae)
Tên khác: Ô tặc cốt
1. Nguồn gốc, đặc điểm
Mai mực (Os sepiae) là mai đã rửa sạch, phơi hay sấy khô của con cá mực (Sepia esculenta Hoyle). Mai mực có hình bầu dục dẹt, dài 13 -23cm, rộng 6,5 – 8cm. Mai mực có màu trắng hay trắng ngà, rìa có màu vàng đậm hơn. Trên mặt lưng có những u hạt nổi lên, xếp thành những đường vân hình chữ u mờ. Mặt bụng màu trắng, xốp, có những đường vân ngang nhỏ tựa như những làn sóng gợn. Mai mực có thể chất cứng nhưng có thể dùng móng lay nghiền thành bột mịn được. Mai mực có vị hơi mặn và chát, mùi hơi tanh.
Dược liệu Mai mực (ô tặc cốt ) đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
2. Thành phần hóa học
Mai mực có muối calci carbonat, calci phosphat, natri clorid, các chất hữu cơ, chất keo.
3. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Mai mực có vị mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng cầm máu, trung hòa acid dịch vị. Dùng chữa các chứng bệnh: đau dạ dày do thừa acid dịch vị, Ợ chua, thổ huyết, phụ nữ băng huyết, chảy máu cam…
Dùng ngoài chữa vết thương lở loét, chảy nước.
Cách dùng: Uống 6 – 12g/ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc bột; dùng ngoài rắc bột mai mực lên vết thương.