HÀ THỦ Ô ĐỎ
Radix Polygoni multiflori
Dược liệu là rễ củ phơi khô của hà thủ ô đỏ – Polygonum multiflorum Thunb., họ Rau răm – Polygonaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
            Dây leo nhỏ, sống dai, có rễ phình thành củ. Thân quấn mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía. Lá mọc so le, hình tim, có mũi nhọn ở  đỉnh, dài 4 – 8cm rộng 2,5 – 5cm. Cuống lá có phủ lông, bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt. Hoa họp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, có nhiều nhánh. Hoa nhiều, nhỏ, đường kính 2mm mọc ở nách các lá bắc ngắn. Bao hoa màu trắng, nhị 8 trong đó có 3 nhị hơi dài. Qủa 3 góc nhẵn bóng nằm trong bao hoa mà 3 mảnh ngoài còn lại phát triển thành cánh rộng.
            Cây mọc hoang ở những vùng núi cao: Lào cai, Sơn la, Lai châu, Nghĩa lộ.
            Khi trồng người ta cắt thân thành những đoạn ngắn rồi dâm vào bầu trong hai tháng trước khi trồng ra luống.
Bộ phận dùng
            Rễ củ tròn hoặc hình thoi không nhất định, thường có những sống lồi dọc theo củ. Củ dài 6 – 16cm, chỗ phình có đường kính 4 – 8cm. Có thể gặp những củ dài đến 40cm, đường kính trên 10cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, mặt cắt màu hồng, có bột. Vị hơi đắng chát. Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Nếu to thì bổ nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô.

Dây hà thủ ô có tên là thủ ô đằng hoặc dạ giao đằng cũng được dùng.
Đặc điểm vi phẫu và bột
            Vi phẫu: Lớp bần màu đỏ nâu. Mô mềm vỏ dầy, rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Trong mô mềm có nhiều vòng bó liber gỗ được thành lập; vị trí mỗi vòng ứng với những sống lối của củ. Ở phần trung tâm có một vòng liber gỗ cấp II gồm từng đám liber gỗ cách nhau bởi tia ruột rộng.
            Bột: màu nâu đỏ, vị hơi đắng chát, soi kính hiển vi thấy: nhiều hạt tinh bột hình cầu hoặc bán cầu, đường kính 5 – 25mm, rốn hình sao, vạch hay phân nhánh, có hạt kép 2 – 3. Mảnh mô mềm có tế bào thành mỏng, chứa tinh bột. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai đường kính 5 -25mm. Mảnh mạch vạch.
Thành phần hóa học

Ngoài tanin ra, trong củ hà thủ ô đỏ còn chứa các dẫn chất anthranoid: acid chrysophanic, emodin, physcion, chrysophanol anthron. Người ta còn phát hiện thấy rhaponticosid (công thức xem bài đại hoàng) và 2,3,5,4’ tetrahydroxystilben 2 – O – β-D glucosid (I).
.Công dụng
            Y học dân tộc cổ truyền dùng hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ gan thận, bổ máu, thuốc dùng cho những người có râu tóc bạc sớm, lưng gối đau mỏi, di tinh, đại tiện ra huyết, ung nhọt, tràng nhạc, thần kinh suy nhược, sốt rét lâu ngày. Ngày dùng 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc, dùng với hà thủ ô đã chế biến. Dây hà thủ ô dùng làm thuốc an thần, thuốc cầm mồ hôi. Dùng ngoài trị lở ngứa.
            Cách chế biến hà thủ ô: Cho hà thủ ô đã thái vào chậu, trộn đều với nước đậu đen và rượu, đổ vào thùng, đặt vào nồi đun cách thủy, đến khi nước đậu trong thùng cạn hết, lấy ra phơi khô. Cứ 100kg hà thủ ô thì cần 10kg đậu đen và 25 lít rượu.
            Cách chế nước đậu đen: cứ 10kg đỗ đen cho 15 lít nước đun 4 tiếng, lấy nước nhất, lại cho thên 10 lít nước khác đun 3 tiếng. Cả hai lần gộp lại.
            Chú thích : Trong nước ta còn dùng một vị thuốc khác mang tên là hà thủ ô trắng. Đó là rễ củ của dây vú bò hoặc dây sữa bò hoặc mã liền an – Streptocaulon griffithii Hook. f. Thuộc họ Thiên lý – Asclepiadaceae. Đây là một loại dây leo dài 3 – 5m, thân màu nâu đỏ, lá hình trứng mọc đối. Toàn cây có nhiều lông, có nhựa mủ trắng. Qủa cấu tạo bởi 2 đại mọc đâm ngang nom như sừng bò, dài 10cm, cũng có nhiều lông. Hạt dẹt có chùm lông. Cây mọc hoang khắp các đồi núi ở nước ta. Rễ củ dài, vỏ ngoài màu nâu vàng, thịt trắng có nhiều bột, giữa có lõi. Trong hà thủ ô trắng không có các dẫn chất anthranoid, trong y học cổ truyền thường hay dùng thay thế hoặc phối hợp với hà thủ ô đỏ. Ở Trung quốc người ta cũng có dùng rễ một cây thuộc chi Cynanchum thuộc họ Thiên lý mang tên là bạch hà thủ ô. Cây này cũng không có các dẫn chất anthranoid.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng