Khái niệm
Lưỡi xuất hiện sắc xanh, sách Thiệt thai thống chí hình dung là “Giống như lưỡi trâu” phần nhiều do hàn hoặc bị ứ nghẽn gây nên.
Lưỡi xanh với lưỡi mầu chàm gần giống nhau. Sách Thần nghiệm y tông thiệt kính viết: “Năm sắc có mầu xanh không chàm, chàm nông mà xanh sẫm cho nên dễ nhận chàm là xanh”, sách Biện thiệt chỉ nam viết: “Mầu chàm là mầu lục với mầu xanh biếc kết hợp”. Nhưng lưỡi xanh phần nhiều chủ về hàn về ứ. Lưỡi mầu chàm phần nhiều chủ về thấp nhiệt, về Can phong vả lại rất ít gặp. Hai chứng này ý nghĩa trên lâm sàng khác nhau, Trong các sách vở cổ đại thường đem chứng lưỡi xanh với lưỡi tía thảo luận chung, nhưng căn cứ vào quan sát lâm sàng chủ bệnh của hai chứng này cũng khác nhau nhất định, cho nên đặt một chuyên mục riêng để thảo luận.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Lưỡi xanh do hàn ngưng dương uất: Chứng trạng biểu hiện lâm sàng chủ yếu là lưỡi có mầu xanh, trơn nhuận sự lạnh nằm co, tứ chi quyết nghịch, miệng không khát, thổ lợi đau bụng hoặc hạ lợi ra nguyên đồ ăn, móng tay chân và môi hiện sắc xanh, mạch Trầm Trì vô lực, thậm chí không có mạch.
Lưỡi xanh do ứ huyết uất nghẽn: Chứng trạng biểu hiện lâm sàng chủ yếu là lưỡi xanh khô rít, miệng ráo nhưng ngậm nước không muốn uống, sắc mặt đen sạm, miệng môi tím tái, ngực đầy da dẻ tróc vẩy, xuất huyết đen tía, mạch Trì Tế sắc. Cục bộ có thể xuất hiện ban khối xanh tía, khối sưng trưng tích thũng trướng nhói đau.
Phân tích
Chứng Lưỡi xanh do hàn ngưng dương uất: Phần nhiều do hàn tà trúng thẳng vào lý. Sách Thiệt thai thống chí viết: “ Lưỡi sắc xanh… là dấu hiệu hàn tà trúng thẳng vào Can Thận không có nguyên nhân nào là lưỡi thuộc nhiệt” Hàn là âm-tà, âm hàn thịnh ở trong, dương khí uất không tuyên thông khí huyết ngưng trệ cho nên lưỡi có sắc xanh. Bệnh ngoại cảm thấy tình huống này thường là dấu hiệu hàn tà trúng thẳng vào Thiếu âm, Quyết âm hoặc do bệnh mạn tính trải qua hãn hạ dương khí bị tàn phá, Can Thận hư suy, hàn từ trong sinh ra xuất hiện luỡi xanh nói lên nguy cơ dương khí sắp cáo chung. Sách Thần nghiệm y tông thiệt kính viết: “Nếu như tạp bệnh gặp chứng này… đó là dấu hiệu chân dương suy tuyệt, chỗ có hy vọng chữa được là còn kèm chút ít mẫu chàm, hoặc là có những vết chàm… nói lên khí chưa tuyệt”. Yếu điểm biện chứng là chất lưỡi xanh, bề mặt lưỡi hơi trơn nhuận, đồng thời có những chứng trạng tạng phủ hư hàn như sợ lạnh, chân tay lạnh, môi và móng tay chân mầu xanh, mạch Trì. Điều trị nên dùng thang thuốc ôn dương khư hàn liều cao, dùng các phương Tứ nghịch thang, Phụ tử lý trung thang, Ngô thù du thang… Sạch Biện thiệt chỉ nam viết: “Rêu lưỡi xanh trơn là hiện tượng âm hàn phải dùng ngay các loại Tứ nghịch, Ngô du làm cho ấm, Ngoại chứng nếu thấy mặt xanh môi tía âm nang rụt quyết nghịch, gân co, trực thị,,, đó là bại chứng của Quyết âm không chữa được”, Có thế thấy lưỡi xuất hiện sắc xanh, cần quan tâm hết sức.
Chứng lưỡi xanh do ứ huyết uất nghẽn: Chủ yếu có ba nguyên nhân, Một là hàn tà xâm phạm vào tạng phủ huyết gặp hàn thì ngưng. Hai là khí hư hoặc khí trệ không thúc đẩy sự vận chuyển của huyết đọng lại mà thành ứ. Ba là ngoại thương hoặc sau khi bị xuất huyết do nguyên nhân nào khác huyết ly kinh ứ đọng ở trong cơ thể. Có trường hợp ứ huyết mà thấy lưỡi xanh, loại này là loại thể biểu do vấp ngã mà xanh tím là cùng một đạo lý, Yếu điểm biện chứng là chất lưỡi xanh, bề mặt lưỡi khô rít hoặc kiêm có rêu mầu tro lại thấy cả các chứng ứ huyết nghẽn ở trong (hoặc như ngoài da có nốt ứ huyết, móng chân tay tróc vẩy, trong bụng có khối sưng…) sách Biện thiệt chỉ nam viết: “Lưỡi xanh miệng ráo chỉ ngậm nước không muốn nuốt, môi dúm dó, ngực đầy không có hàn nhiệt, mạch Vi Đại đến Trì, bụng không đầy, người bệnh tự nói là đầy là bên trong có ứ huyết có thể dựa vào đó để chúng ta chẩn đoán phân biệt, về điều trị ngoài phép hoạt huyết hóa ứ còn phải căn cứ vào nguyên nhân gây nên ứ để mà chữa cả tiêu và bản.
Trích dẫn y văn
- Trong lưỡi nổi ban xanh tía là Can uất quá độ điều trị nên sơ tiết và cần phải thoải mái dễ chịu thì bệnh yên, màu xanh tía se rút đi (Biện thiệt nghiệm chứng ca quát).
- Người có thai mà lưỡi xanh chắc chắn là con chết trong bụng, nên dùng Bình Vị tán gia Mang tiêu mà hạ bỏ đi (Thiệt thai thống chỉ).
- Trường hợp lưỡi sắc xanh mà thấy già dặn là tà khí thịnh ở hai kinh Can Đởm cho uống Tả hỏa thanh Can ẩm (Sài hồ, Hoàng cầm, Sơn chi, Đương quy, Sinh địa, Sinh cảm thảo).
- Trường hợp lưỡi xanh mà phù nề non nớt là tinh khí ở hai kinh Can Đởm bị hư cho uống Tư thuỷ thanh Can ẩm ( Thục địa, Sơn dược, Du nhục, Đan bì, Phục linh, Trạch tả, Ngũ vị tử, Quy thân, Sài hồ, Cam thảo, Bạch truật).
- Trường hợp lưỡi sắc xanh mà khô ráo là thuộc Can Đởm huyết hư hỏa vượng cho uống Tiêu dao tán gia Đan bì, Sơn chi.
- Lưỡi sắc xanh mà trơn nhuận là Can tạng khí hư cho uống Đương quy kiến trung thang bỏ Giao, Di (Lâm chứng nghiệm thiệt pháp).