Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện KH&CN Việt Nam cho thấy các flavanoid chiết xuất từ lá chè có thể chữa các bệnh tim mạch, huyết áp cao, chống ôxi hóa, ung thư tiền liệt tuyến…

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn thứ tư thế giới. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đầu tư nhiều cho nghiên cứu và phát triển để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng. Các kết quả nghiên cứu gần đây của thế giới cho thấy, một số thành phần hóa học của chè, nhất là EGCG, có các hoạt tính sinh học rất đáng chú ý. Trên cơ sở đó nhiều sản phẩm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe mới đã được phát triển từ chè. Bài viết này đề cập tới các thành phần flavonoid của chè, đặc biệt là khả năng phân lập và sử dụng các hợp chất kaempferol và myricetin để chữa bệnh cho con người.
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây của thế giới cho thấy uống chè, đặc biệt là chè xanh, có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho sức khỏe, giúp phòng ngừa một số bệnh hiểm nghèo như huyết áp, béo phì, tiểu đường và một số dạng ung thư.

Các chiết xuất từ chè chứa một loạt hợp chất phenolic có khung flavon, chia thành 4 nhóm chính là các catechin (flavanol), các chất oxi hóa (theaflavin và thearubigin), các chất ngưng tụ proanthocyanidin và bisflavanol và các flavonol. Trung bình chúng chiếm tới 30% khối lượng lá chè khô.
Các catechin (flavanol)
Các catechin (flavanol) là nhóm có hàm lượng cao nhất trong lá chè tươi và chè xanh (green tea). Công thức hóa học của các catechin chè được trình bày như Hình 1. Các catechin chủ yếu trong đó là: (-)-epigallocatechin 3-gallate (EGCG), (-)-epigallocatechin (EGC), (-)-epicatechin (EC), (-)-epicatechin 3-gallate (ECG), và (+)-catechin (C). Quan trọng nhất trong đó là  EGCG, chiếm tới 50% khối lượng tổng phenol chè và cũng là chất được cho rằng có ích lợi nhất cho sức khỏe. Ngoài ra người ta còn tìm thấy các chất khác như epiafzelechin, gallate của nó, cũng như các catechin acetyl hóa.
Các chất oxi hóa
Tên theaflavin và thearubigin được dùng để chỉ các chất gây ra mầu nâu đỏ cho chè. Chúng được tạo thành từ các catechin bởi quá trình oxi hóa khi lên men. Hình 2 trình bày các theaflavin chủ yếu và cấu trúc của chúng. Các theaflavin có nhiều trong chè đen hơn chè xanh. Chè đen có nhiều theaflavin thì có ít catechin. Cấu trúc của các thearubigin còn chưa được khoa học xác minh rõ.
Các chất ngưng tụ proanthocyanidin và bisflavanol
Chè có ít nhất 16 chất proanthocyanidin khác nhau và là nguồn nguyên liệu tự nhiên giàu các chất này.  Hình 3 trình bày các proanthocyanidin và bisflavanol chủ yếu và cấu trúc của chúng. Chè xanh chứa nhiều proanthocyanidin, còn chè đen chứa nhiều bisflavanol. Hiện nay khoa học còn biết rất ít về sự đóng góp của nhóm chất này tới hương vị và lợi ích cho sức khỏe của chè.
Flavonol
Các flavonol chủ yếu trong chè là các chất kaempferol, myricetin, và quercetin dưới dạng các mono-, di- và tri-O-glycoside của chúng. Ít nhất có 14 chất đã được tìm thấy. Các flavonol ít bị biến đổi trong quá trình lên men. Chúng là các thành phần có lợi cho sức khỏe trong chè mà không có độc tính. Sau khi vào cơ thể chúng xuất hiện trong máu, thể hiện hoạt tính mà không tích lũy lại.
Quercetin được sử dụng làm chất bổ sung dinh dưỡng (nutritional supplement). Rutin là glycoside của nó được dùng làm thuốc chữa tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy quercetin có khả năng chống viêm, chống oxi hóa và có nhiều tác dụng khác.
Myricetin có tính chất chống oxi hóa. Các nghiên cứu in vitro cho thấy, myricetin ở nồng độ cao có thể làm thay đổi LDL cholesterol nhờ tăng cường sự hấp thụ nó bởi bạch cầu. Một nghiên cứu ở Phần Lan còn liên hệ giữa sự hấp thụ myricetin liều cao với việc giảm tần suất mắc ung thư tiền liệt tuyến.
Các chất ức chế enzym ACE rất có lợi cho việc điều trị huyết áp cao. Một nghiên cứu so sánh gần đây cho thấy, không phải resveratrol mà chính kaempferol (hai chất mà người phương tây hấp thu nhiều từ hoa quả và rượu vang) mới có tác dụng này. Kaempferol còn có hoạt tính kháng sinh, tuy không mạnh nhưng lại có tác dụng hợp đồng với các thuốc kháng sinh khác như clindamycin hoặc erythromycin. Kết hợp với hoạt tính mạnh chống quá trình tổng hợp melanin cũng như hoạt tính ức chế COX, nó có thể có hiệu quả cao trong điều trị bệnh trứng cá do vi khuẩn P. acnes nhờn thuốc gây ra.
Một nghiên cứu kéo dài 8 năm đã xác định rằng sự có mặt của 3 flavonol là kaempferol, quercetin, và myricetin trong thành phần thức ăn hàng ngày có liên quan đến sự giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tụy (pancreatic cancer) ở những người hút thuốc lá. Điều này có thể là một căn cứ để giải thích cho “nghịch lý châu Á”, là hiện tượng châu Á có tỉ lệ người hút thuốc lá rất cao, nhưng tỉ lệ ung thư lại thấp.
Ngoài các nhóm flavonoid nêu trên, chè còn chứa các chất có giá trị khác như tinh dầu, các carotenoid, vitamin, các chất khoáng vi lượng, và caffein. Tùy theo từng chủng loại, chè có 1,5 – 5% caffein. Trong y học, caffein được dùng rộng rãi với paraacetamol làm thuốc hạ sốt.
Như vậy, chè là một nguồn nguyên liệu thiên nhiên quý, mang lại cho chúng ta nhiều sản phẩm có hoạt tính sinh học như cao chiết chè xanh, tổng phenol che, EGCG, caffeine, bột hạt chè, và saponin hạt chè. Bên cạnh đó, ài báo này đề xuất thêm một đối tượng cần quan tâm nghiên cứu nữa là các flavonol chè với hàm lượng kaempferol và myricetin đáng kể của nó, chiết xuất dùng làm thuốc kháng sinh.
Theo KHPT
0/50 ratings
Bình luận đóng