Tên khác: Thương nhĩ – Phắt ma – Mác nháng (Tày)

Tên khoa học: Xanthium strumarium L.

Họ: Cúc (Compositae = Asteraceae)

1. Mô tả, phân bố

Ké đầu ngựa là cây thảo, sống hàng năm, cao 0,50 – 1m, thân có khía. Lá mọc so le, phiến lá chia thùy không đều, mép lá khía răng cưa, gân lá hình chân vịt, thân và lá có lông ngắn. Hoa tự đầu, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Quả giả, hình thoi, ngoài có gai cứng, đầu quả có 2 móc, trong chứa 2 quả thật.

Cây mọc hoang khắp nơi trên đất nước ta. Cần phân biệt với cây Ké hoa đào (họ Bông).

cay ke dau ngua

2. Bộ phận dùng, thu hái

Bộ phận dùng làm thuốc của Ké đầu ngựa là: quả (Thương nhĩ tử) và toàn cây (Thương nhĩ thảo).

2.1. Quả giả (Thương nhĩ tử): Thu hái khi quả già. Cắt cả cành, phơi khô, đập cho rụng quả, lấy quả, bỏ lá và cành. Dược liệu thương nhĩ tử là quả có màu vàng, mặt ngoài có nhiều móc, trong chứa 2 hạt. Độ ẩm không quá 12%, quả non không quá 10%, bộ phận khác của cây không quá 1 % tro toàn phần không quá 4%.

2.2. Toàn cây (Thương nhĩ thảo): Cắt lấy cành và cây có mang lá và quả, loại bỏ tạp chất và lá khô úa, phơi khô. Dược liệu là cành mang lá, có màu xanh lục nhạt. Dược liệu thương nhĩ thảo không mùi. vị hơi đắng. hơi ngọt.

3. Thành phần hóa học

3.1. Quả. Có alcaloid, sesquiterpen lacton như xanthinin, xanthumin, xanthatin (có tác dụng kháng khuẩn), iod hữu cơ (220 – 230 microgam/1g quả).

3.2. Thương nhĩ thảo: Có sesquiterpen lacton như xanthumin. xanthatin, iod hữu cơ (200 microgam/1g lá).

duoc lieu ke dau ngua

4. Công dụng, cách dùng

Dược liệu ké đầu ngựa (thương nhỉ tử) có tác dụng tiêu độc, kháng khuẩn, tán phong, trừ thấp, giảm tiết dịch mũi. Dùng chữa các chứng bệnh: mụn nhọt, mày đay, lở ngứa, tràng nhạc, mũi chảy nước hôi, bệnh thiếu iod.

Cách dùng:

– Chữa mụn nhọt ngày dùng 6 – 12g quả hoặc 15 – 20g lá cành, dạng thuốc sắc, cao thuốc.

– Phòng bướu cổ do thiếu iod thì đập dập quả, hãm lấy nước uống hàng ngày.

0/50 ratings
Bình luận đóng