KỸ THUẬT BÀO CHẾ THUỐC BỘT(THUỐC TÁN)
1. Định nghĩa:
Thuốc bột là loại thuốc rắn, rời, khô dùng để uống hay dùng ngoài. Điều chế bằng cách tán mịn một hay nhiều dược liệu: động vật, thực vật hay khoáng chất đến độ nhỏ nhất định. Rây qua các cỡ rây thích hợp và trộn đều.
Thuốc bột có thể dùng trực tiếp để trị bệnh, hoặc làm chế phẩm trung gian để chế nhiều dạng thuốc khác như thuốc viên, thuốc đạn, thuốc cốm, rượu thuốc … hoặc để chiết xuất.
2. Phân loại:
2.1. Dựa vào thành phần: Thuốc chỉ có một thành phần gọi là bột đơn, gồm nhiều thành phần gọi là là bột kép.
2.2. Dựa vào cách dùng:Dùng trong ( uống) hay dùng ngoài
2.3. Dựa vào độ phân chia:
Bột thô ( qua rây 32 ); bột mịn vừa ( qua rây 26 ), bột mịn ( qua rây 24 ), bột rất mịn (qua rây 22 )
Bột dùng ngoài phải mịn hoặc rất mịn để tránh kích ứng bột dùng để uống phải mịn vừa để dễ hấp thu. Bột thô chỉ dùng để chiết xuất.
2.3. Dựa vào độ phân liều:
– Chia cho người bệnh dùng từng liều.
– Không chia
3. Ưu điểm và nhược điểm của thuốc bột.
3.1. Ưu điểm
– Bào chế đơn giản, kết hợp được nhiều loại dược liệu với nhau, dễ phân liều, dễ đóng gói và chuyên chở, dễ sử dụng, hấp thu nhanh, công hiệu lại chóng, tiết kiệm được dược liệu hơn thuốc thang.
– Có khả năng bảo vệ niêm mạc vết thương, có tác dụng hút dịch, thu liễm làm vết thương khô ráo, chóng khỏi. Dùng ngoài, để điều trị cục bộ chỗ đau.
3.2. Nhược điểm.
– Do diện tích tiếp xúc bề mặt lớn, cho nên dễ bị hút ẩm làm cho bột dễ mốc, mọt, mất mùichóng bị hỏng.
– Khó che dấu mùi vị khó chịu của một số vị thuốc.
– Tác dụng chậm hơn thuốc lỏng.
4. Kỹ thuật bào chế
Dụng cụ điều chế thuốc bột bao gồm: Thuyền tán, cối, chày, rây.
Nghiền tán trực tiếp
Nghiền tán gián tiếp qua chất trung gian:
Áp dụng: Những dược liệu có thể chất mềm dẻo như mạch môn, thiên môn, thục địa, hoàng tinh; nhựa như nhũ hương, một dược; các loại cao mềm, dược liệu chưa nhiều dầu mỡ (Ba đậu, Hạnh nhân..); dược liệu độc cần thêm chất màu; dược liệu có màu để tránh gây bẩn; dược liệu quí như Xạ hương, Băng phiến; dược liệu
quí hiếm như Sừng tê giác, Hùng đởm (mật gấu)….
4.1. Điều chế bột đơn.
Những dược liệu là khoáng chất nếu đủ tiêu chuẩn, đúng quy cách thì đem tán ngay thành bột bằng phương pháp thích hợp, rồi rây qua rây.
Dược liệu là thảo mộc, động vật phải bào chế trước khi tán như lựa chọn, bào, thái mỏng, sao tẩm, sây khô, tán nhỏ rồi rây lại.
4.2. Điều chế bột kép.
Nguyên tắc
– Tán riêng rẽ từng dược liệu một.
– Rây qua rây cùng cỡ số cho có độ mịn như nhau.
– Trộn đếu các bột thuốc trong cối theo nguyên tắc, thuốc nào ít cho vào trước rồi cho từng ít một những thuốc có bột nhiều vào sau, mỗi lần cho bột vào phải trộn đều rồi mới cho thêm lượt khác (mỗi lần cho thêm bột vào bằng lượng bột đã có trong cối ).
– Trộn xong rây hỗn hợp lại một lần nữa.
Chú ý: Khi bào chế thuốc độc A, B thì cần có thêm bột màu (nếu dược liệu không có màu đặc trưng) để xem thuốc đã phân tán đều chưa. Lượng thuốc độc A, B quá ít thì phải cho thêm bột trơ để láng cối.
Bột kép để 2 – 3 tháng phải đảo lại cho đều.
5. Bảo quản và đóng gói
– Để trong chai lọ hoặc kín, nơi thật khô ráo, mát.
– Cần đóng liều nhất định cho người bệnh dễ sử dụng.
6. Tiêu chuẩn kỹ thuật
– Màu sắc, mùi vị: Có màu săc, mùi vị của dược liệu bào chế thuốc ( màu có thể khác nếu dược liệu là thuốc độc A, B).
– Độ mịn: Bột mịn vừa, đồng nhất, khi nén xuống thành một mặt nhẵn bóng.
– Sai số khối lượng của liều dùng một lần: không vượt quá + 5%.
7. Giới thiệu một số thuốc bột đơn và thuốc bột kép
7.1. Thuốc bột đơn
Thuốc bột đơn: bột Cam thảo, bột Phèn phi (Minh phàn), bột Ô tặc cốt, bột Đinh lăng
Ví dụ: Bột Cam thảo
* Cách làm: Rễ Cam thảo cạo sạch vỏ, thái lát mỏng, sấy khô, tán thành bột mịn. Bột có màu vàng, vị ngọt, mùi đặc biệt.
* Công dụng: Để pha nước Cam thảo dùng trong các trường hợp ngộ độc (giải độc). Để chế thuốc viên.
* Bảo quản: Rất dễ bị mốc, phải để trong lọ kín nơi khô ráo.
7.2. Thuốc bột kép
Bài thuốc: Khô trĩ tán
* Công thức:
Bột phèn phi 500 g
Bột Ô mai 200 g
Bột Thần sa 300 g (Ba trăm gam )
Bột Thạch tín 40 g (Bốn mươi gam)
Điều chế (cách làm) bột đơn
+ Chế Phèn phi:
Lấy 2 kg Phèn chua (Bạch phàn ) rửa sạch, cho vào chảo gang, đun nóng cho đến khi chảy và khô hoàn toàn, chỉ tắt lửa khi nào chắc chắn Phèn chua đã khô.
Để nguội, bỏ chỗ đen, cho vào cối tán nhỏ, rây. Bột màu trắng, vị chua.
+ Ô mai: Cách chế biến:
Lấy 2 kg Ô mai cho vào chảo gang, vừa đun vừa đảo, cho tới khi khói đen nhiều thì đốt cháy, đảo đều. Khi thấy lửa lui xuống thì lấy vung đậy lại và bắc xuống để nguội, tán thành bột rất mịn.
+ Thần sa: Cách chế biến:
Tán nhẹ với nước nguội trong cối sứ thành bột mịn, phơi râm cho khô.
+ Thạch tín. Cách chế biến:
Lấy 100 gam (một trăm gam) Thạch tín cục cho vào nồi đất. Sau đó, đun bằng than củi trong 2 giờ, cứ 15 phút đảo một lần, để nguội, cạo bỏ chỗ bị cháy rồi tán thành bột thật mịn.
Điều chế thuốc bột kép: Khô trĩ tán
Cân đúng số lượng của từng vị thuốc trên theo công thức, trộn đều chúng với nhau. Chú ý bột Ô mai cho vào sau cùng ( màu đen của bột Ô mai đảm bảo độ đồng đều của thuốc). Sau khi trộn đều xong, rây bột thuốc kép nhiều lần ( 4 – 5 lần ) nhằm cho thuốc đồng đều hơn và mịn hơn.
* Đóng gói: Đóng trong lọ kín, dán nhãn cẩn thận.
Thuốc độc bảng A – chỉ dùng ngoài, không được uống.
* Bảo quản: Nơi khô ráo và theo qui chế thuốc độc.
* Chỉ định: Theo sự hướng dẫn của lương y và y sĩ, bác sĩ.